Liên quan đến vấn đề đang được xã hội quan tâm hiện nay là có nên đưa dạy thêm trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không, nhiều chuyên gia cho biết cần phải cân nhắc kỹ trước khi cho phép nhằm tránh tình trạng khó khăn trong việc quản lý sau này.
Trước đó, phát biểu tại hội trường Quốc hội vào sáng 20-11, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) cho rằng dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thực và đề xuất đưa dạy thêm trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện để quản lý chặt chẽ hơn.
Khó khăn trong việc quy định
Bàn về vấn đề dạy thêm, học thêm, TS Nguyễn Thái Cường, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, phân tích: Tại khoản 5 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020 quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, bao gồm các nội dung: đối tượng và phạm vi áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh; hình thức áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh; nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh; cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đối với điều kiện đầu tư kinh doanh…
Tại Điều 7 Luật Đầu tư có nêu: Ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia; trật tự, an toàn xã hội; đạo đức xã hội; sức khỏe của cộng đồng.
Ngoài ra, điều kiện đầu tư kinh doanh phải được quy định phù hợp với lý do nêu trên và phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư.
Về danh mục cụ thể thì tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư có quy định cụ thể 227 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, việc sắp xếp hoạt động dạy thêm thuộc ngành nào thì quy định này chưa nhắc đến.
Lý do đề xuất đưa dạy thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện
Bộ GD&ĐT đã có văn bản quy định kiểm soát việc học thêm, dạy thêm trong khuôn khổ nhà trường. Tuy nhiên, đối với môi trường ngoài nhà trường còn thiếu cơ sở pháp lý để điều tiết, giám sát. Do đó, cần đưa dạy thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT NGUYỄN KIM SƠN
“Hiện nay, trong hoạt động dạy học, Nhà nước có sự hỗ trợ như miễn, giảm học phí, giảm lệ phí tham gia BHYT cho học sinh, sinh viên…, qua đó cho thấy Nhà nước luôn quan tâm đến giáo dục. Vậy tại sao không đề xuất một biện pháp nào khả thi hơn để giải quyết vấn đề dạy thêm bằng cách hoàn thiện chương trình trên lớp hoặc giảm tải chương trình? Việc đưa dạy thêm vào ngành nghề có điều kiện cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn” - TS Cường nhận định.
Để dạy thêm được quản lý chặt hơn
Việc dạy thêm luôn được nhìn nhận ở hai chiều tích cực và tiêu cực.
Theo luật sư Huỳnh Văn Nông, Đoàn Luật sư TP.HCM, khi dạy thêm trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì theo quy định của Luật Đầu tư, các đối tượng tham gia hoạt động này cần phải đáp ứng một số điều kiện.
Cụ thể, những người dạy thêm phải đáp ứng được các bằng cấp, đạt trình độ, chuyên môn theo quy định của Luật Giáo dục. Điều này để chứng minh người dạy có đủ năng lực thực hiện tốt việc giảng dạy. Đồng thời, đối với những người không tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng muốn mở cơ sở dạy thêm thì cần bổ sung các chứng chỉ để đảm bảo việc giảng dạy một cách hiệu quả nhất.
Ngoài ra, muốn dạy thêm thì chủ cơ sở dạy thêm phải có giấy phép hoạt động dạy thêm theo quy định…
“Nếu đề xuất này được thông qua và dạy thêm trở thành một ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì ngành giáo dục phải có quy định cụ thể hơn. Ví dụ, việc dạy thêm cần độc lập với trường và cơ quan có thẩm quyền quản lý chặt việc cấp phép kinh doanh… Đồng thời, cần thanh tra, giám sát thường xuyên để hoạt động dạy thêm, học thêm có hiệu quả hơn, tránh tình trạng tiêu cực xảy ra” - luật sư Nông nói.