Dạy vẽ miễn phí cho người câm điếc

Sáng cuối tuần tháng 8, tại Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TP.HCM), một lớp học có hơn 10 học sinh câm điếc đang cặm cụi cầm từng cây cọ trên tay tô tô cái gì đó. Trên bàn là những hộp màu nước được pha trộn nhiều màu trông rất ngộ nghĩnh. Những ánh mắt tập trung theo từng nét vẽ, thi thoảng có tiếng sột soạt của cây cọ cạ vào tấm carton đan xen tiếng ú ớ, những ngón tay chỉ trỏ hướng về nhau của các bạn câm điếc như đang muốn trao đổi ý tưởng sắp vẽ của mình. Trên bục giảng, một phụ nữ với mái tóc xoăn buộc hờ đang hí hoáy ghi chép tỉ mỉ những quy tắc pha màu lên bảng, đó là họa sĩ Hồ Thị Xuân Linh.

Họa sĩ Hồ Thị Xuân Linh (phải) đang dùng ngôn ngữ ký hiệu để dạy vẽ cho người câm điếc. Ảnh: HOÀNG THƠ

Đã hơn 30 năm kể từ khi tốt nghiệp Trường Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc (Hà Nội), với tài năng và niềm đam mê hội họa, cô Linh đã tận dụng nét đẹp nghệ thuật ấy để truyền thụ, làm đẹp cho cuộc sống người câm điếc. Tốt nghiệp xong, cô cùng gia đình vào miền Nam lập nghiệp, hễ đi đến đâu, bất cứ tỉnh, thành nào, cô Linh cũng chủ động tìm đến các trung tâm người khuyết tật bày tỏ nguyện vọng được dạy miễn phí cho họ. Và lớp học này là một trong những lớp như thế, đã duy trì được hơn một năm nay. Cô tìm đến tổ chức Cộng đồng dành cho người câm điếc TP.HCM để tìm học trò.

Hiện tại, cứ Chủ nhật là cô dành cho học sinh của mình một ngày cuối tuần trọn vẹn. “Các em ở đây thích vẽ lắm, khi vẽ thì say mê vô cùng, nhiều hôm vẽ quên cả ăn trưa, vì thế mình dạy không thấy mệt” - cô Linh nói.

Để dạy vẽ, cô Linh tự mày mò học ngôn ngữ ký hiệu trên Internet trong những lúc giải lao thư giãn khi làm việc ở phòng tranh. Cô dành thời gian tiếp xúc với người câm điếc nhiều hơn, có những từ ngữ cô không thể diễn đạt được nên phải mang theo cuốn sổ tay nhỏ để ghi chép lại, sau đó về nhà lật sổ ra tra cứu, học hỏi thêm về loại ngôn ngữ đặc biệt này.

Theo cô Linh, vì không nghe nói được nên các học trò khi cầm bút vẽ tập trung rất cao độ, rất say mê, đó là điều không phải bất cứ người bình thường nào cũng làm được. Cô muốn mình là người sẽ khơi gợi niềm đam mê, năng lượng bẩm sinh trong những con người này.

Mỗi nét họ vẽ ra đều chất chứa những cảm xúc, tâm trạng, kể cả nỗi khổ không biết chia sẻ cùng ai đều toát lên qua những bức tranh ấy. “Trước đây dạy ở Kiên Giang, câu chuyện của một bé gái sáu tuổi khiến tôi nhớ mãi. Lúc mới sinh ra em đã bị bỏ trên một chiếc bè bằng cây chuối thả trôi sông và bị cá đớp một ngón tay. Khi mới vào lớp vẽ của tôi, bé không bao giờ lại chỗ đông người, chỉ tìm một góc để ngồi. Nhưng sau một thời gian, bé trở nên vui vẻ hẳn lên, cô bé học vẽ rất nhanh và vẽ cũng rất đẹp. Tôi quyết định cho bé đi thi vẽ toàn quốc và em được giải nhì. Tuy nhiên, giải thưởng không làm tôi tôi xúc động bằng nội dung của bức vẽ. Tranh vẽ một con bò sữa đang bị một công nhân vắt sữa, một góc xa có con bê đang kêu be be, bức tranh có tựa đề Khát sữa, tôi đã không kìm được nước mắt khi hiểu được điều em ấy muốn nói qua tranh”.

Nói về tâm nguyện của mình, cô Linh chia sẻ: “Là một họa sĩ, tôi muốn hỗ trợ họ trở thành những người có ích cho xã hội. Học vẽ sẽ giúp họ hoàn thiện hơn về nhân cách, thay vì ra đường trộm cắp, đánh nhau họ sẽ dùng những tấm tranh vẽ được để bán lấy tiền mưu sinh”. Tôi hiểu người họa sĩ này làm được nhiều điều hơn thế: Cô đã giúp người câm điếc được nói lên tiếng nói của mình, được thể hiện bản thân. Đó là điều quan trọng nhất của những người sống trong thế giới không âm thanh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới