ĐB Trương Trọng Nghĩa: Công an xã chỉ nên chỉ đạo về nghiệp vụ với lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở

(PLO)- Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng cần có thêm một số quy định cụ thể, chi tiết hơn về thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở để việc thực thi luật được thông suốt.

Sáng 27-10, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

Góp ý cho dự thảo luật, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu QH TP.HCM) nói ông đồng ý với việc thống nhất các lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Tuy nhiên có một số quy định tại dự thảo cần xem xét lại.

Theo ông Nghĩa, chính quyền xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ bảo đảm an ninh trên địa bàn nhưng hiện nay lại không có công an trong đội ngũ công chức. Bởi theo Nghị định 42/2021, công an xã tổ chức thành lực lượng chính quy, trưởng công an cấp xã không còn là công chức.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn TP.HCM. Ảnh: QH

Trong khi đó, theo luật Tổ chức chính quyền địa phương, chính quyền cấp xã có nhiệm vụ quyết định, tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Mặt khác, việc đảm bảo an ninh trên địa bàn theo luật định là trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền, cấp xã, nghĩa là của cả hệ thống chính trị của xã, chứ không phải chỉ của công an xã.

"Cấp ủy, ủy ban cấp xã và hệ thống chính trị cũng rất cần có lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cho các hoạt động của mình. Như vậy, ở Việt Nam, chính quyền cấp xã có nhiệm vụ luật định là đảm bảo an ninh trên địa bàn xã nhưng lại không có công chức chuyên trách an ninh trong bộ máy. Điều này theo tôi khác thông lệ trước đây của Việt Nam, khác với thông lệ của nhiều nước trên thế giới..." - ông Nghĩa nói.

Từ đó, ông Nghĩa cũng đặt vấn đề với việc quản lý lực lượng tham gia bảo vệ trật tự an ninh trật tự cơ sở.

Theo dự thảo Luật thì lực lượng này là lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ công an cấp xã và công an huyện tại nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.

Lực lượng này chịu sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý của UBND cấp xã; sự chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, phân công, kiểm tra của công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự.

"Quy định cấp ủy lãnh đạo, ủy ban quản lý nhưng lại giao cho công an xã chính quy chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, phân công, kiểm tra thì làm sao lãnh đạo, quản lý?" - ông Nghĩa đặt câu hỏi và cho rằng quy định như vậy là chưa hợp lý.

Theo ông, khi có chủ trương chuyển công an xã sang chuyên trách, Nghị định 42 nêu rõ nguyên tắc xây dựng công an xã chính quy bảo đảm không làm tăng biên chế của công an đến năm 2021, có lộ trình phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

"Với việc lập ra lực lượng an ninh trật tự cơ sở có gần 300.000 người và nhiệm vụ là hỗ trợ công an xã thì phải chăng đây là cách tăng biên chế gián tiếp cho lực lượng công an" - ông Nghĩa đặt vấn đề.

Ngoài ra, dự thảo quy định lực lượng này chịu sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý của UBND cấp xã nhưng đồng thời cũng chịu sự chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn phân công, kiểm tra của công an cấp xã (Điều 4 dự thảo-PV), chứ không chỉ là chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của cấp trên như đối với công an xã bán chuyên trách trước đây.

Ông Nghĩa cho rằng về kỹ thuật lập pháp, quy định như vậy vô hình trung đã khiến cho đảng uỷ và UBND cấp xã không thể chỉ đạo điều hành được lực lượng này. Trong khi nhiệm vụ của chính quyền cấp xã rất cần thẩm quyền này.

Do đó, ông Nghĩa đề nghị lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở chịu sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành của ủy ban cùng cấp và sự chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ của công an xã. Tức, công an xã chỉ chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ.

Ông Nghĩa đánh giá quy định như vậy là "hợp lý và hiệu quả nhất".

"Tôi tin rằng giao lực lượng này cho chính quyền cấp xã trực tiếp quản lý sẽ giúp gần dân hơn, sát địa bàn hơn, gắn bó hơn với các cơ quan đoàn thể trong hệ thống chính trị, hỗ trợ hệ thống chính trị cấp xã tốt hơn. Nhờ vậy, giúp chính quyền cấp xã làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn một cách hiệu quả hơn" - ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cũng đồng ý với ý kiến của một số đại biểu khác về việc cần có thêm một số quy định cụ thể, chi tiết hơn về thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng này để thực thi luật an toàn, thông suốt.

"Để Luật có thể thi hành ngay mà không cần chờ nghị định, thông tư, phải chăng chưa nên thông qua dự thảo luật tại kỳ họp này, nên tiếp tục hoàn thiện, bổ sung thông qua trong kỳ họp sau" - ông Nghĩa đề nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới