Đại biểu Phạm Văn Hoà: U70 sao mà tuần tra, gác đêm?

(PLO)- Nhiều ý kiến của đại biểu đề nghị phải quy định độ tuổi tối đa của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhưng cũng có ý kiến lo ngại nếu quy định cứng sẽ khó tìm người.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 27-10, Quốc hội (QH) thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương.

Tại Điều 17 Dự thảo Luật quy định người không bảo đảm sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để tiếp tục tham gia hoạt động là một trong những trường hợp cho thôi tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Giải trình về quy định tại dự thảo (sau tiếp thu) đối với quy định nêu trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của QH Lê Tấn Tới cho biết có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định tiêu chuẩn về độ tuổi tối đa. Trong đó, quy định độ tuổi tối đa khi tham gia lực lượng này là không quá 65 tuổi.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH thấy rằng theo quy định của dự thảo luật thì một trong những tiêu chuẩn để công dân được tuyển chọn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là bảo đảm tiêu chuẩn về sức khỏe theo quy định.

Dù vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu (ĐB), Ủy ban Thường vụ QH đã cho bổ sung vào dự thảo Luật theo hướng chỉ quy định về trường hợp cho thôi tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong trường hợp không còn bảo đảm về sức khỏe.

Về vấn đề này, nhiều ĐB cho rằng quy định như dự thảo (theo giải trình của Ủy ban Thường vụ QH) là không hợp lý.

ĐB Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, cho rằng dự thảo Luật cần nghiên cứu quy định về tuổi đời của lực lượng này.

Theo ông Hòa, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là “cánh tay nối dài”, hỗ trợ cho lực lượng công an xã, công an phường. Trong những việc phải hỗ trợ thì có đi tuần tra, gác đêm. Với những công việc như vậy mà không quy định độ tuổi tối đa là không hợp lý, bởi đây không phải trưởng thôn, trưởng ấp chỉ cần uy tín, dù bao nhiêu tuổi cũng làm được.

DB-phạm-văn-hoà.jpeg
ĐB Phạm Văn Hòa đề nghị phải quy định cụ thể về độ tuổi tối đa của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ảnh: QH

“Ví dụ như U70 mà đi tuần tra canh gác ban đêm thì làm sao mà được. Rồi lại là phối hợp với lực lượng công an xã điều tiết giao thông. Tôi nói cụ 70 tuổi mà ra điều tiết giao thông thì “rất phản cảm”” - ông Hoà nói và đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định cho chặt chẽ.

ĐB Lê Thị Thanh Lam (đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang) cũng đề nghị cần quy định về độ tuổi tối đa, vì hiện nay có nhiều tội phạm liều lĩnh, manh động, dễ gây thương tích cho người tham gia thực hiện nhiệm vụ. Người lớn tuổi có thể thiếu nhanh nhẹn, khó hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh.

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Hải Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cũng cho rằng phải quy định mức tuổi tối đa và có góp ý cụ thể hơn.

DB-nguyễn-hải-anh.jpeg
ĐB Nguyễn Hải Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: QH

Vị ĐB của tỉnh Đồng Tháp đề nghị ấn định độ tuổi tối đa là 65 tuổi, chỉ trong một số trường hợp đặc biệt cần thiết, theo yêu cầu của công việc, của địa phương thì có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 68 tuổi.

Trong khi đó, cũng góp ý về vấn đề độ tuổi, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho hay nhiều đại biểu băn khoăn khi dự luật không quy định tuổi tối đa và bày tỏ e ngại điều này dẫn đến tham gia không đủ tiêu chuẩn về sức khỏe.

Tuy nhiên, theo bà Nga, dự thảo luật đã có những quy định cụ thể về sức khỏe. Trong đó, nhiệm vụ của lực lượng này là hỗ trợ cho công an xã trong các việc như cứu nạn, cứu hộ, tuần tra đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông... Ngoài ra, còn hỗ trợ công an xã nắm tình hình an ninh trật tự, hỗ trợ vận động, giáo dục những người có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở, hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc...

Đối với một số địa bàn như miền núi, Tây Nguyên thì vai trò nắm tình hình, vận động quần chúng nhân dân của những người có uy tín trong cộng đồng, thường là các bậc cao niên, già làng, trưởng bản... là vô cùng quan trọng.

Do đó, theo bà Nga, nếu quy định cứng độ tuổi tham gia sẽ rất khó khăn trong việc tuyển chọn người có đủ uy tín, hiểu biết ở cộng đồng vào lực lượng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm