ĐBQH cũng bị kẻ lừa đảo gọi điện liên tục, không rõ họ lấy số ở đâu?

(PLO)- Trước tình trạng lộ, lọt thông tin, dữ liệu cá nhân, đại biểu cho rằng cần có chế tài mạnh xử lý các vi phạm liên quan đến công tác bảo mật dữ liệu.

Sáng 8-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dữ liệu. Vấn đề lộ lọt thông tin cá nhân được nhiều đại biểu quan tâm.

ĐBQH cũng bị đối tượng lừa đảo gọi điện liên tục

Đại biểu (ĐB) Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) cho biết, hiện nay tình trạng lộ, lọt dữ liệu, xâm phạm quyền riêng tư ngày càng gia tăng. Thực trạng này đòi hỏi phải có những quy định cụ thể để bảo mật và bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng.

ĐB Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) cũng đồng tình với việc ban hành Luật vì đây là luật quan trọng xây dựng hạ tầng dữ liệu quốc gia.

Bổ sung ý kiến về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu đề nghị rà soát nghiên cứu bổ sung thêm các hành vi có thể phát sinh trong tương lai do tội phạm lừa đảo có thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó lường.

ĐB Trình Lam Sinh (đoàn An Giang). Ảnh: QH

“Tôi bị lộ nhiều thông tin cá nhân như ngày sinh, số điện thoại, thậm chí cả việc đóng tiền điện nước cho người thân… nên bị đối tượng lừa đảo gọi rất nhiều” - ông cho biết.

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cũng chia sẻ: “Tôi cũng là một trong những người bị gọi tùm lum, tùm la. Thậm chí khi lên mạng, có cả thông tin nhà ở của mình trên mạng, không rõ từ đâu mà họ có được”.

Trước tình trạng lộ, lọt thông tin, dữ liệu cá nhân, các ĐB đều cho rằng trong dự thảo luật cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải áp dụng các biện pháp bảo mật để bảo đảm thông tin dữ liệu.

Cùng với đó, cần có chế tài mạnh xử lý các vi phạm liên quan đến công tác bảo mật dữ liệu. Trong đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu dữ liệu cá nhân bị đánh cắp do sơ xuất trong quá trình bảo mật.

Cân nhắc việc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu Quốc gia

Về việc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu Quốc gia, ĐB Phạm Văn Hoà đề nghị cần cân nhắc việc này bởi vì hầu hết các nội dung chi của quỹ đã được đảm bảo từ ngân sách nhà nước.

Theo ĐB, dữ liệu quốc gia là phạm vi trách nhiệm của Nhà nước phải chi từ ngân sách. Nhiệm vụ chi của quỹ cũng trùng lặp với một số quỹ khác như báo cáo thẩm tra đã chỉ ra. Ngoài ra, nếu thành lập sẽ phát sinh bộ máy và biên chế, tăng áp lực tài chính bổ sung cho quỹ của người dân, mà nhất là doanh nghiệp.

ĐB Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp). Ảnh: QH

ĐB Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa -Vũng Tàu) thì đề nghị cần rà soát các hoạt động ưu tiên chi từ quỹ này.

Ông Hùng cho biết, cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia có tác động lớn đến nhiều tổ chức cá nhân, do vậy cần làm rõ trách nhiệm quản lý cơ sở dữ liệu này. Bên cạnh đó, cần thành lập cơ quan giám sát đảm bảo việc tuân thủ luật, các hình thức xử phạt hành vi vi phạm, bổ sung quy định ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cho tổ chức có đóng góp xây dựng chia sẻ dữ liệu.

Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) cũng bày tỏ băn khoăn khi cùng các luật được ban hành, nhiều quỹ đã được hình thành để hỗ trợ phát triển nhưng hiệu quả hoạt động cũng cần làm rõ.

Do vậy ĐB đề nghị cần đánh giá kỹ về cơ sở pháp lý, thực tiễn, tính hiệu quả để xem việc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu Quốc gia đã phù hợp với Luật Ngân sách chưa và có trùng với một số quỹ khác hay không?

Giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của các ĐB, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công an nghiên cứu tiếp thu giải trình các ý kiến nhằm đảm bảo chất lượng của dự án Luật Dữ liệu dự kiến thông qua vào kỳ họp này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới