Chiều 5-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về hai dự luật, trong đó có dự luật quan trọng là Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Dẫn lại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 - 2023, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đánh giá tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm, cho vay sân sau...trong lĩnh vực ngân hàng đang diễn biến phức tạp và đáng lo ngại.
Theo ông, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần không hề mang đúng bản chất là "công ty đại chúng và niêm yết chứng khoán" như quy định pháp luật hiện hành, nhưng cơ quan quản lý chuyên ngành vẫn rất khó vạch tên, chỉ mặt.
Thực tế, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, "có vấn đề", diễn ra chậm chạp, không đạt mục tiêu dự tính, dù ngành Ngân hàng đã trải qua nhiều giai đoạn tái cơ cấu kéo dài suốt từ năm 2011 tới nay.
|
ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng: cần có giám sát chặt chẽ để các chủ sở hữu không chi phối dòng tiền chảy vào các dự án sân sau. Ảnh: QH |
Theo ĐB Đồng, vụ việc NHTM cổ phần Sài Gòn (SCB) "bục" ra tháng 10-2022 là một hệ lụy nặng nề nhưng tất yếu của tình trạng trên. Đây là lý do quan trọng phải sửa Luật Các tổ chức tín dụng.
Ông cũng chia sẻ những vấn đề cụ thể như sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng cho thấy tính chất rất phức tạp, luôn tiềm ẩn rủi ro hệ thống do làm gia tăng một số rủi ro chính. Rủi ro tăng vốn ảo thông qua việc đi vay để đầu tư, góp vốn lẫn nhau (trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua công ty con/cháu).
Điều này khiến vốn toàn hệ thống không gia tăng thực mà chỉ tăng trên sổ sách, kéo theo hệ lụy làm sai lệch về quản trị ngân hàng cũng như việc đánh giá rủi ro, trích lập dự phòng hay giám sát các hoạt động tài chính.
Ngoài ra, rủi ro thâu tóm, chi phối của nhóm cổ đông lớn và người có liên quan: việc ngân hàng mẹ, các công ty con, công ty liên kết cùng đầu tư vào một doanh nghiệp, sở hữu cổ phần chi phối hoạt động kinh doanh của NHTM.
Dù có quy định các ngân hàng không được phép cho cổ đông của mình vay vốn, nhưng trên thực tế chủ sở hữu lại có thể cho vay các công ty, doanh nghiệp con của những cổ đông này.
ĐB Đồng còn lo ngại một khi giám sát không chặt chẽ, các chủ sở hữu có thể chi phối để dòng tiền chảy vào các dự án sân sau của mình. Do mạng lưới phức tạp trong mỗi quan hệ sở hữu giữa các ngân hàng, khi xuất hiện rủi ro, rất dễ xảy ra "hiệu ứng domino" không chỉ trong hoạt động ngân hàng.
Ban đầu rủi ro xảy ra với một hoặc một vài tổ chức riêng lẻ, sau đó sẽ nhanh chóng lan ra các tổ chức, doanh nghiệp bởi quan hệ giữa dòng vốn đầu tư, cho vay...Điều này sẽ tạo ra rủi ro lan truyền giữa các khu vực trong thị trường tài chính và tới các khu vực của nền kinh tế thực.
Đề xuất các vấn đề cụ thể, ĐB Hà Sỹ Đồng cho rằng dự thảo luật cần tập trung rà soát quy định pháp luật người có liên quan và quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông và người có liên quan cho phù hợp, tránh việc một số trường hợp "thuê", "nhờ" người không có quan hệ gia đình đứng tên sở hữu cổ phần để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu chi phối tại một tổ chức tín dụng.
Về việc giảm giới hạn cấp tín dụng tập trung, ông Đồng đề nghị cân nhắc thời điểm áp dụng. Bởi lẽ so với chuẩn mực quốc tế, qui định mới này đang khắt khe hơn một số nước trong khu vực Châu Á.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khả năng hấp thụ vốn suy yếu thì việc siết giới hạn cấp tín dụng sẽ có thể ảnh hưởng đến nguồn lực để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm và cho cả giai đoạn 2021 - 2025.
Đặc biệt là có thể nghiên cứu xem xét mở "room" cho các nhà đầu tư nước ngoài nhằm thu hút dòng vốn "ngoại" vừa là nguồn tiền thật để tái cơ cấu ngân hàng, vừa góp phần cải thiện công nghệ quản trị công ty trong ngân hàng...
Đánh giá thực trạng sở hữu chéo
Đối với khái niệm người có liên quan, đề nghị bổ sung đánh giá thực trạng sở hữu chéo hiện nay trong hệ thống ngân hàng, giữa ngân hàng với doanh nghiệp và công ty chứng khoán, từ đó làm rõ cơ sở đề xuất bổ sung thêm đối tượng người có liên quan; rà soát với Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán để bảo đảm thống nhất khi triển khai.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế