Sáng 24-10, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Quy định đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động tiếp tục được các đại biểu (ĐB) QH tranh luận sôi nổi.
Duy trì kinh phí công đoàn 2% là “hết sức cần thiết”
Nêu ý kiến, ĐB Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) đề nghị tiếp tục duy trì mức kinh phí công đoàn 2% như dự thảo luật. Ông cho rằng nguồn kinh phí công đoàn đã được duy trì và phát huy hiệu quả hơn 60 năm qua, từ năm1957 - khi có Luật Công đoàn.
Nguồn kinh phí này được sử dụng chủ yếu tại công đoàn cơ sở để chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động, như thăm hỏi, ốm đau, quà tết, quà sinh nhật… hoặc tổ chức các hoạt động về văn hóa, thể thao.
Cũng theo ĐBQH tỉnh Nghệ An, dự thảo luật đã bổ sung một số nội dung để phù hợp với thực tiễn, như quy định tạm dừng, miễn giảm đóng kinh phí công đoàn với các tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn. Khi thực hiện chính sách này, nguồn thu từ kinh phí công đoàn dự kiến sẽ giảm.
Tuy nhiên, trường hợp này, công đoàn cấp trên vẫn thực hiện hỗ trợ và bảo vệ duy trì quyền lợi cho đoàn viên, người lao động tại công đoàn cơ sở thuộc trường hợp tạm dừng, miễn giảm đóng kinh phí công đoàn.
Từ phân tích trên, ông Trần Nhật Minh cho rằng việc luật hóa và tiếp tục duy trì kinh phí công đoàn 2% như quy định tại dự thảo luật là hết sức cần thiết. Việc này nhằm bảo đảm công đoàn thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với đoàn viên, người lao động; trách nhiệm trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, góp phần ổn định phát triển các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Tương tự, ĐB Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) cũng nhất trí cao với việc duy trì kinh phí công đoàn 2%. Theo bà, thực tiễn, nguồn thu này cùng các nguồn thu khác là cơ sở quan trọng giúp xây dựng công đoàn đủ mạnh để chăm lo tốt cho đoàn viên, người lao động…
Thu kinh phí công đoàn 2% không còn hợp lý?
Giơ biển tranh luận sau đó, ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng kinh phí công đoàn 2% được duy trì từ năm 1957 là hợp lý. Theo ông, người lao động thời kỳ này chủ yếu là cán bộ, nhân viên làm việc trong cơ quan nhà nước, kinh phí trích từ ngân sách do nhà nước cấp.
Tuy nhiên, khi Việt Nam đã chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, ông Nguyễn Anh Trí cho rằng quy định này không còn hợp lý.
Phân tích cụ thể, ĐBQH đoàn Hà Nội nói số lượng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay rất lớn; số lượng người lao động trong doanh nghiệp đông, từ vài trăm, vài nghìn, thậm chí cả vạn người.
Ông lo ngại việc duy trì đóng phí công đoàn 2% sẽ tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp có nhiều người lao động. Nặng đến mức doanh nghiệp không mở rộng được, thậm chí không duy trì được hoạt động thì người lao động mất việc.
“Thu hẹp quy mô doanh nghiệp, đầu tư FDI giảm, người lao động thất nghiệp… Rồi nhiều doanh nghiệp trốn đóng, thậm chí không tham gia công đoàn nữa, hậu quả thật nặng nề” - ông Trí lo ngại và cho rằng cần tính cách thu phí hợp lý hơn trong điều kiện hoàn cảnh hiện nay.
ĐB đề xuất đối với doanh nghiệp dưới 500 lao động, kinh phí là 2%. Doanh nghiệp từ 500 đến dưới 3.000 lao động, kinh phí là 1,5%. Doanh nghiệp trên 3.000 người, kinh phí chỉ 1%.
Ông Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị dự thảo Luật cần quy định nhiều hơn, chặt chẽ, rõ ràng hơn việc doanh nghiệp phải quan tâm đến đời sống tinh thần, văn hóa, thể thao, giải trí của người lao động…
Giải trình sau đó, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho hay đại đa số các đại biểu đều đồng tình với mức 2%. Quá trình soạn thảo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã báo cáo tiếp thu ,giải trình những ý kiến có liên quan đến kinh phí công đoàn.
Theo ông Khang, kinh phí công đoàn hiện được để lại công đoàn cơ sở 75% để chăm lo cho người lao động.
Vấn đề doanh nghiệp khó khăn, ông Khang nêu rõ ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã thiết kế điều khoản mới so với luật cũ là về miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn…