ĐBQH Nguyễn Sỹ Quang: Chúng tôi hướng tới mã QR code tích hợp 3 dữ liệu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 23-9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã có buổi giám sát việc thực hiện các Nghị quyết 42, 154, 68 của Chính phủ và Nghị quyết 09 của HĐND TP.HCM về chính sách hỗ trợ các đối tượng khó khăn do tác động của dịch COVID-19.

Tại buổi giám sát, nhiều ĐB quan tâm về các chiến lược hướng đến việc bình thường mới tại TP.HCM.

dbqh-binh-thuong-moi

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, chủ trì buổi giám sát. Ảnh: LÊ THOA

Qua 30-9, cử tri quan tâm nhất 'Thẻ xanh COVID'

ĐBQH Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, nhìn nhận hiện nay TP đang hướng tới 'bình thường mới' sau ngày 30-9 nhưng việc đối sánh các dữ liệu của TP với cơ sở dữ liệu quốc gia mà Bộ Công an đang quản lý có phần hạn chế.

ĐB Quang đề nghị Sở LĐ-TB&XH TP cần tập trung phối hợp với Công an TP, Cục C06 để cập nhật dữ liệu an sinh, nhằm giải quyết vấn đề sót lọt hỗ trợ; hiện nay Công an TP chỉ có hơn 1 triệu dữ liệu.

Theo ĐB Quang, sắp tới khi bước vào trạng thái ‘bình thường mới’ thì vấn đề dữ liệu cũng là việc khó khăn. “Qua 30-9 thì đồng bào, cử tri, doanh nghiệp sẽ tập trung vào việc lớn nhất là ‘Thẻ xanh COVID’” – ĐB Quang nói và cho rằng đây là việc cần quan tâm vì sẽ bộc lộ lúng túng.

dbqh-nguyen-sy-quang

ĐBQH Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, đề nghị ngành y tế tập trung cập nhật ba dữ liệu vào mã QR code. Ảnh: LÊ THOA

Phó Giám đốc Công an TP phân tích, việc nhập dữ liệu đang rất tản mác. Thứ nhất, nhiều đơn vị tiêm vaccine nhưng thông tin chưa thấy cập nhật ngay. Công an TP cũng đã nhiều lần đề nghị với ngành y tế để cập nhật vào cơ sở dữ liệu tích hợp dùng chung.

Thứ hai là dữ liệu về F0 khỏi bệnh chưa đủ, nhất là F0 cách ly tại nhà, ở cộng đồng. Thứ ba là dữ liệu về xét nghiệm hiện còn khó khăn hơn khi thống nhất đưa thông tin xét nghiệm vào mã QR code để lưu thông mà không cần cầm thêm tờ giấy xét nghiệm.

ĐB Nguyễn Sỹ Quang cho biết sau ngày 30-9, số người dân tham gia lưu thông rất nhiều. “Chúng tôi hướng tới mã QR code tích hợp các dữ liệu này” – ĐB Quang nói và đề nghị ngành y tế cần quyết liệt, tập trung cập nhật cho kịp dữ liệu.

Bỏ xét nghiệm đại trà

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đã bày tỏ sự quan tâm đến các chiến lược của TP cho trạng thái bình thường mới, làm sao để mang tính bền vững, có tính toán, để nếu có bùng phát dịch thì ở một phần nào đó có thể kiểm soát được ngay.

ĐB Nghĩa cho rằng trong chiến lược bình thường mới thì ngành y tế phải cho ý kiến về việc các ngành khác có đảm bảo hoạt động hay chưa. “Chúng ta không thể thực hiện zero COVID mà phải chung sống với nó và với thiệt hại thấp nhất” – ĐB Nghĩa nêu.

dbqh-truong-trong-nghia

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa quan tâm chiến lược bình thường mới ở TP.HCM. Ảnh: LÊ THOA

Góp ý cụ thể hơn, ĐB Nghĩa nhìn nhận trong thời điểm này để chống dịch hiệu quả thì dữ liệu là chìa khoá.

“Ngành y tế nhân cơ hội này phải thu thập dữ liệu. Nếu muốn bình thường mới thì phải trả lời việc những ai đã tiêm mũi 1, ai đã tiêm mũi 2, họ đang ở đâu; những ai chưa tiêm, lý do vì sao và họ đang ở đâu; địa bàn nào có bao nhiêu F0, đang cách ly hay ở tại nhà… Như vậy mới có thể quản lý dữ liệu đến từng địa bàn, chung cư, khu phố” – ĐB Nghĩa phân tích.

ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng đề xuất thay đổi hình thức '3 tại chỗ' ở các doanh nghiệp lớn hiện nay vì đây là mô hình không phù hợp. Ông cho rằng các doanh nghiệp lớn, Khu công nghiệp phải có nhà trọ tập trung giá rẻ cho công nhân; cũng giống như ký túc xá đối với sinh viên.

“Không thể để công nhân lăn lóc ở các rìa khu công nghiệp, nhà máy được” – ông nói và cho rằng TP phải nêu lên chính sách dạng nhà ở xã hội cho công nhân, có thể hợp tác với doanh nghiệp và hoàn toàn có thể làm được.

Cũng trong chiến lược bình thường mới, ĐB Nghĩa đề cập cần có lộ trình tiêm vaccine, xét nghiệm.

Ông đặt câu hỏi: “Tại sao con số lây nhiễm không đưa được về 3 con số mà 4 con số hoài, vấn đề là gì?”?

Ông cũng đề nghị bỏ việc xét nghiệm đại trà, mà thay vào đó là xét nghiệm cần thiết như thế nào thì thực hiện thế ấy, cần rộng 1 triệu thì xét nghiệm 1 triệu, tức phải có bài toán,… tần suất là quan trọng. Ví dụ giáo dục mở cửa rồi thì cách xét nghiệm cho ngành này ra sao, chợ đầu mối cũng vậy.

Số ca nhiễm ở TP.HCM đang cách mức bình thường mới 11 lần

Tại buổi giám sát, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành uỷ TP.HCM, đặt vấn đề về nhìn nhận của ngành y tế liên quan đến số ca nhiễm mới hàng ngày tại TP như thế nào.

dbqh-nguyen-thien-nhan
ĐB Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: LÊ THOA

Theo ông Nhân, trong các tiêu chí của Bộ Y tế để công nhận kiểm soát được dịch thì có tiêu chí ‘số người nhiễm trong hai tuần liên tiếp giảm 50% so với đỉnh dịch’. Tuy nhiên ông cho rằng theo kinh nghiệm các nước khác, việc giảm số ca nhiễm một nửa không có ý nghĩa và không thể yên tâm được vì có nước giảm 98% so với đỉnh nhưng sau đó vẫn tái dịch như bình thường.

Theo kinh nghiệm của các nước châu Âu, chỉ số đánh giá kiểm soát dịch được tính dựa trên số người nhiễm bình quân trong 7 ngày đối với 100.000 dân.

Cụ thể, nếu trong bảy ngày gần nhất trong 100.000 dân có 35 người nhiễm thì coi như an toàn, chung sống được với dịch; nếu trên 100 ca nhiễm thì ngưng các hoạt động ngoài trời đông người; trên 150 người nhiễm thì mua đồ ăn mang về…

Như vậy, đối với TP.HCM 10 triệu dân, nếu một ngày có 500 người nhiễm trở xuống thì xem như bình thường mới.

“Như hôm qua TP có 5.500 ca nhiễm thì tức chúng ta đang gấp 11 lần ngưỡng mà các nước đang áp dụng để đánh giá rằng bình thường mới được hay chưa” – ông Nhân phân tích.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm