Đề án ngoại ngữ 2020: Còn lãng phí khi mua sắm thiết bị

Theo đó, bộ này cho biết còn có hiện tượng lãng phí khi mua sắm trang thiết bị.

Được biết đề án dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông giai đoạn 2008-2020 có tổng kinh phí 9.378 tỉ đồng, chia làm ba giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2008-2010 là 1.060 tỉ đồng, giai đoạn 2011-2015 là 4.378 tỉ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 4.300 tỉ đồng.

Tuy nhiên, nhiều địa phương khi triển khai kinh phí tập trung vào đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học ngoại ngữ; chưa chú ý nhiều đến đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ. Một số địa phương khi mua sắm trang thiết bị chưa tính đến điều kiện, khả năng sử dụng, dẫn đến có nơi còn lãng phí.

Việc giải ngân kinh phí chủ yếu thực hiện vào sáu tháng cuối năm dẫn đến hiệu quả thực hiện chưa cao, nhiều trường hợp phải điều chuyển kinh phí cho nhiệm vụ khác hoặc chuyển số dư kinh phí sang năm sau, thậm chí bị cắt giảm.

Cũng trong báo cáo này, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tiếp tục triển khai đề án theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó tập trung chủ yếu là tiếng Anh.

Bộ cũng tích cực tạo môi trường học tiếng Anh như phong trào sinh viên tình nguyện dạy ngoại ngữ, câu lạc bộ ngoại ngữ, thực hiện các chương trình hợp tác, trao đổi giáo viên, giáo viên tình nguyện với nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các giáo viên người nước ngoài tham gia đào tạo ngoại ngữ ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra bốn khó khăn khi triển khai đề án này. Đó là nhận thức về vai trò của ngoại ngữ và sự cần thiết của việc đổi mới dạy học ngoại ngữ còn chưa đầy đủ. Nhiều bộ, ngành, địa phương mặc dù có kế hoạch triển khai nhưng thiếu chủ động, chưa bám sát mục tiêu đề án.

Thứ hai, một số mục tiêu của đề án được đặt ra quá cao so với khả năng thực hiện, chưa phù hợp với xuất phát điểm về năng lực ngoại ngữ của người dạy, người học cũng như thực trạng dạy và học ngoại ngữ của cả nước.

Thứ ba, việc triển khai đề án được thực hiện thống nhất trên toàn quốc, trong khi đó có sự khác biệt lớn về nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học ngoại ngữ giữa các vùng, miền và cơ sở đào tạo. Quy mô người học rất lớn, trong khi năng lực và nghiệp vụ sư phạm của người dạy ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu.

Đề án chưa đảm bảo về thời gian (mục tiêu đặt ra từ năm 2008 nhưng thực tế mới triển khai chính thức từ năm 2011) và vốn ngân sách nhà nước cấp trong giai đoạn 2008-2015 chỉ đạt 70,3% so với yêu cầu.

Bộ GD&ĐT cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai đề án theo hướng rà soát, xây dựng và ban hành chương trình dạy và học ngoại ngữ thống nhất trên toàn quốc. Bên cạnh nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, Bộ sẽ xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá hội nhập với chuẩn quốc tế, xây dựng trung tâm khảo thí độc lập...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới