Các gói tín dụng 40.000 tỉ đồng và 120.000 tỉ đồng đều được thiết kế với mục đích hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) vực dậy trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để những gói tín dụng này không còn chồng chất nút thắt và có hiệu quả thực sự khi đi vào cuộc sống.
|
Ngân hàng Nhà nước vẫn đang nỗ lực triển khai các gói tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ảnh: T.LINH |
Bản chất của các gói tín dụng
Đối với gói 40.000 tỉ đồng, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm: Thứ nhất, đây là gói hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước, tức là Nhà nước phải đi vay để hỗ trợ DN. Vậy giờ đây, khi gói hỗ trợ này không hiệu quả thì cuối năm nay nên tất toán, đóng sổ để cân đối ngân sách do ngân sách nhà nước đang thâm hụt.
Thứ hai, nếu thấy rằng vẫn cần hỗ trợ DN thì thay vì giảm 2% lãi suất, nên chuyển nguồn lực này sang hỗ trợ dưới các hình thức như giảm thuế thu nhập DN, chi phí logistics, chi phí bến bãi, kho hàng… sẽ đảm bảo hiệu quả hơn.
Đối với gói 120.000 tỉ đồng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng: “Về bản chất, đây không phải là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội (NƠXH), mà là gói tín dụng thương mại với lãi suất thấp hơn 1,5%-2% so với lãi suất cho vay thông thường dành cho chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án NƠXH, nhà ở cho công nhân, nhà ở thuộc dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Các DN kỳ vọng sau chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan chức năng sẽ triển khai ngay các giải pháp cấp bách để khơi thông nguồn vốn, giải cơn khát vốn của họ.
Bởi lẽ nếu là gói tín dụng ưu đãi NƠXH thì phải đảm bảo hai tiêu chí. Thứ nhất, lãi suất thấp dành cho chủ đầu tư và người mua, thuê mua NƠXH quy định thường bằng 50% mức lãi suất cho vay thương mại. Như quy định mức lãi suất ưu đãi hiện nay là 4,8%-5%/năm và mức lãi suất ưu đãi này được xác định hằng năm. Thứ hai, thời hạn vay ưu đãi dài hạn, như Nghị định 49/2021 quy định thời hạn vay ưu đãi tối đa 25 năm áp dụng cho cho người mua, thuê mua NƠXH và năm năm đối với chủ đầu tư dự án NƠXH.
Trong khi đó, người dân đủ điều kiện để vay gói tín dụng 120.000 tỉ đồng chỉ được nhận mức lãi suất ưu đãi kéo dài năm năm, cứ định kỳ sáu tháng mức lãi suất ưu đãi sẽ thay đổi. Còn với chủ đầu tư, mức lãi suất ưu đãi chỉ tồn tại trong ba năm mà thôi. Việc quy định mức lãi suất được xác định định kỳ sáu tháng/lần làm cho tâm lý của người vay bất an.
Tại cuộc họp báo của Bộ Xây dựng mới đây (ngày 13-6), ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết: Thời gian qua, bộ đã rà soát, liên hệ trực tiếp với các địa phương và các chủ đầu tư. Hiện có 100 dự án NƠXH đã cấp phép xây dựng. Thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục phối hợp với NH Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân.
Hướng khơi thông các gói hỗ trợ
Phó Thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Đào Minh Tú thông tin: Đối với gói hỗ trợ lãi suất 2%, việc có chuyển nguồn sang cho các nhiệm vụ chi khác hay không là do các bộ, ngành khác quyết định. Còn NH Nhà nước, cho dù việc giải ngân là rất ít song vẫn sẽ quyết liệt chỉ đạo các NH thương mại tiếp tục tích cực triển khai chính sách này.
Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng thông tin: Gói 40.000 tỉ đồng là chính sách mà Chính phủ, các bộ, ngành dành nhiều thời gian triển khai gói này. Tuy nhiên, kết quả triển khai đạt thấp do tâm lý e ngại của DN và tổ chức tín dụng khó có thể đánh giá thế nào là “có khả năng phục hồi”.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã trình Quốc hội chuyển nguồn này, khoảng 24.000 tỉ đồng cho giảm thuế VAT. Hiện nay, NH Nhà nước đang trình Chính phủ để kiến nghị Quốc hội sửa đổi Nghị quyết 43, bỏ cụm từ “có khả năng phục hồi” để tiếp tục triển khai gói hỗ trợ này.
Đối với gói 120.000 tỉ đồng, bà Hồng thông tin chương trình thực hiện đến năm 2030 chứ không phải chỉ giải quyết trong năm 2022 và 2023. NH Nhà nước chỉ hướng dẫn về lãi suất cũng như lãi suất áp dụng trong thời gian ưu đãi để triển khai thống nhất.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn và ủy quyền cho các địa phương công bố các danh mục dự án. Đặc biệt, trong Luật Nhà ở hiện nay, ngành chức năng đang trình Quốc hội thí điểm cho phép DN mua nhà để bố trí nhà ở cho công nhân. Đây là điểm tích cực để gói này có thể tăng dư nợ giải ngân.•
|
Doanh nghiệp kỳ vọng tiếp cận được gói vay giá rẻ để thực hiện các dự án nhà ở xã hội. Ảnh: KIÊN CƯỜNG |
Kỳ vọng khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp
Chính phủ đã liên tục yêu cầu NH Nhà nước phải cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn trong ngắn hạn liên quan đến trái phiếu DN và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong trung hạn và dài hạn.
Các DN kỳ vọng sau chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan chức năng sẽ triển khai ngay các giải pháp cấp bách để khơi thông nguồn vốn, giải cơn khát vốn của họ. Điển hình như nới room tín dụng cho một số NH để NH cho vay sản xuất, kinh doanh. Song song đó, Nhà nước cần đẩy mạnh dòng vốn đầu tư công, khơi thông kênh trái phiếu; miễn, giảm phí, lệ phí… cho DN.