Sửa Thông tư 16 có giúp các doanh nghiệp giải “cơn khát” vốn?

(PLO)- Điểm mở của dự thảo sửa đổi Thông tư 16/2021 về việc tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp là cho phép doanh nghiệp mua lại trái phiếu đã bán.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đang lấy ý kiến góp ý xây dựng dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều và ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư 16/2021 của thống đốc NHNN quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Lý do cần sửa đổi Thông tư 16/2021

Theo NHNN, hoạt động mua bán trái TPDN của các TCTD tiềm ẩn rủi ro do chưa có quy định điều kiện phát hành trái phiếu; chưa chặt chẽ tạo điều kiện cho các DN thông qua việc phát hành trái phiếu nhằm mục đích đặt cọc, góp vốn, mua cổ phần, hợp tác kinh doanh, bổ sung vốn lưu động...

Tỉ lệ trái phiếu có tài sản bảo đảm lớn nhưng thực tế chất lượng tài sản bảo đảm không cao. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro về khả năng thu hồi nợ của ngân hàng khi DN phát hành mất khả năng thanh toán.

Việc sửa đổi Thông tư 16 sẽ giúp các doanh nghiệp địa ốc “dễ thở” hơn trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. Ảnh minh họa: QUANG HUY

Việc sửa đổi Thông tư 16 sẽ giúp các doanh nghiệp địa ốc “dễ thở” hơn trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. Ảnh minh họa: QUANG HUY

Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021 là cần thiết và cần được sớm ban hành nhằm phù hợp với tình hình thị trường TPDN, thực tiễn hoạt động của TCTD, góp phần kiểm soát chặt chẽ rủi ro, đồng thời hỗ trợ thị trường TPDN.

Đánh giá về thị trường TPDN, các chuyên gia phân tích thị trường tại Công ty Chứng khoán VNDirect ước tính giá trị đáo hạn TPDN trong năm nay vào khoảng 252.000 tỉ đồng (tăng 64% so với cùng kỳ). Nhóm DN bất động sản chiếm tỉ trọng lớn nhất với 43% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm 2023, tương đương 107.700 tỉ đồng.

Theo thống kê của Fiinratings, tính đến giữa tháng 3, đã có 69 tổ chức phát hành không thể đáp ứng nghĩa vụ nợ với tổng giá trị 94.430 tỉ đồng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN đang phối hợp với các bộ, ngành để sửa đổi Thông tư 16/2021 quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN. Trên cơ sở đó tháo gỡ khó khăn cho DN nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng, tránh rủi ro từ bài học của các ngân hàng Mỹ.

Tại dự thảo sửa đổi này, NHNN cho phép các TCTD mua lại các TPDN đã bán đến trước ngày 31-12-2023 nhằm giải tỏa áp lực cho các tổ chức phát hành đang gặp vấn đề về thanh khoản và không có khả năng mua lại.

Bên cạnh đó, dự thảo sửa đổi quy định TCTD không được mua TPDN phát hành với mục đích để góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp tại DN khác, để hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư với DN khác. Bởi NHNN cho rằng đây là những nhu cầu vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro về khả năng quản lý vốn của tổ chức phát hành trái phiếu và việc sử dụng vốn đúng mục đích của DN nhận hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư...

Các DN địa ốc sẽ “dễ thở” hơn

Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng nếu quy định về việc cho TCTD mua lại TPDN được thông qua sẽ giúp cải thiện tâm lý thị trường trong ngắn hạn. Theo đó, các nút thắt về dòng tiền của nhiều DN phát hành, đặc biệt là các DN bất động sản dần được tháo gỡ.

Nhờ vậy, các DN địa ốc sẽ “dễ thở” hơn trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn từ các TCTD sau khi huy động được vốn lưu động. Đồng thời, nhóm DN này cũng giảm áp lực thanh toán gốc và lãi của trái phiếu đến hạn khi khả năng được gia hạn trái phiếu cao hơn sau khi các TCTD mua lại trái phiếu đã bán cho nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Thế Minh, chuyên gia kinh tế, cho biết: Hiện nay nhiều DN bất động sản đang mất thanh khoản, không còn dòng tiền để hoàn trả cho nhà đầu tư trái phiếu nhỏ lẻ và điều này khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào TPDN.

“Trong khi đó chúng ta cần phải phát triển thị trường thứ cấp của thị trường trái phiếu trong thời gian tới. Thế nhưng với tình trạng niềm tin nhà đầu tư bị sụt giảm nghiêm trọng như hiện nay thì cơ hội gọi vốn từ thị trường này là rất khó thành công” - ông Minh nhận định.

Với bối cảnh như vậy, theo ông Minh, việc NHNN dự thảo quy định cho phép ngân hàng thương mại mua lại trái phiếu được xem là giải pháp tạm thời dùng nguồn vốn tín dụng của ngân hàng. Từ đó tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đồng thời khôi phục niềm tin cho nhà đầu tư và giải quyết thanh khoản cho thị trường địa ốc.

Phải xác định xem dự án khả thi

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội NHNN, cho biết: Hiện NHNN đang lấy ý kiến của hội viên. Quan điểm của NHNN là nếu ngân hàng mua lại trái phiếu đã bán thì cần phải xác định xem dự án đó có khả thi không, DN dùng tiền vào việc gì, đầu tư xây dựng dự án nào. Cạnh đó, khối TPDN mà ngân hàng mua lại có tài sản bảo đảm không, phải đánh giá được DN đó có khả năng trả nợ khi đến hạn hay không…

“Bởi ngân hàng không thể mua lại TPDN một cách vô tội vạ được. Yếu tố quan trọng hàng đầu của ngành ngân hàng là an toàn vốn, tiền của ngân hàng là tiền của người dân. Hơn nữa ngân hàng cũng là DN, không thể vì muốn cứu DN bất động sản mà đẩy ngân hàng vào chỗ chết được”.

Đứng từ góc nhìn DN, đại diện một công ty địa ốc cho biết: Nên kéo dài thời gian ngân hàng mua lại trái phiếu đến hết năm 2024 thay vì chỉ được mua lại TPDN đã bán đến trước ngày 31-12-2023 như dự thảo đang đưa ra.

“Bởi điểm rơi của TPDN đáo hạn nói chung và TPDN địa ốc nói riêng không chỉ chịu áp lực lớn trong năm 2023 mà kéo dài sang cả năm 2024” - ông Hùng thông tin.

Dự thảo Thông tư 16 chưa thật sự “mở toang”

Theo các chuyên gia, dự thảo bổ sung quy định TCTD chỉ được mua TPDN phát hành trong đó có mục đích bổ sung vốn lưu động, tức là trái phiếu phát hành có kỳ hạn dưới một năm.

Tuy nhiên, trên thực tế rất hiếm DN phát hành trái phiếu với kỳ hạn ngắn như vậy, mà thường kéo dài 3-5 năm, thậm chí lên tới 10 năm.

Các chuyên gia cho rằng mức độ tác động của dự thảo sửa đổi Thông tư 16 đến thị trường TPDN vẫn chưa thực sự thông thoáng và cần có giải pháp tổng thể với sự tham gia của nhiều bộ, ban ngành trong thời gian tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm