Doanh nghiệp Thanh Hóa gặp khó vì thiếu vốn, lãi cao, thủ tục phức tạp

(PLO)- Sáng 21-3, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

‘Nóng’ chuyện lãi suất, vay vốn ngân hàng

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa Cao Tiến Đoan nêu ra thực trạng khó khăn của doanh nghiệp (DN) cũng như lắng nghe các đề xuất của DN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Từ đó có căn cứ cơ sở để tổng hợp đề xuất với cơ quan cấp cao hơn sớm có giải pháp, chính sách sớm tháo gỡ cho DN.

Nhiều DN nêu thực trạng đang khát vốn và không có nguồn vốn để trả nợ hoặc đầu tư kinh doanh. Bởi vì, các DN khó tiếp cận các nguồn vốn vay của ngân hàng do không có nguồn tiền gửi để cho vay, DN không có tài sản đảm bảo đáp ứng quy định để vay. Các DN cũng đề nghị các ngân hàng cần nới rộng các điều kiện cho vay, tỉ lệ thế chấp tài sản vay.

Ông Lê Hùng Mạnh, Giám đốc Công ty Liên doanh phân bón Hữu Nghị cho rằng, lãi suất ngân hàng ở mức 9 đến 10% ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Bởi vì, DN nhỏ hầu như đều phải đi vay để đầu tư, vì thế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần sớm có những giải pháp giảm lãi suất.

Ông Cao Thiện Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa nêu thêm: "Mặc dù các ngân hàng giảm lãi suất, nhưng lãi suất kinh doanh với DN du lịch còn cao (9-10%). Vì thế, chúng tôi đề nghị điều chỉnh giảm lãi suất đối với các DN du lịch. Việc ngân hàng tạo điều kiện cho DN sớm tiếp cận, đảo nợ vay ngân hàng, giảm lãi suất ưu đãi đối với lĩnh vực du lịch cũng chính là đưa du lịch sớm thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Doanh nghiệp Thanh Hóa nêu ngành nghề nào cũng gặp nhiều khó khăn, khát vốn đầu tư mong nhà nước sớm có giải pháp tháo gỡ. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Doanh nghiệp Thanh Hóa nêu ngành nghề nào cũng gặp nhiều khó khăn, khát vốn đầu tư mong nhà nước sớm có giải pháp tháo gỡ. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Bà Mai Thị Thắm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đông Bắc nói về khó khăn của DN bất động sản hiện nay đang gặp khó khăn trong vay vốn kinh doanh BĐS không thuận lợi như trước.

"Việc nhà nước thắt chặt chặt các khoản vay làm cho các DN không đủ nguồn vốn để xây dựng. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới nhà nước có cơ chế tháo gỡ khó khăn nêu trên", bà Thắm mong muốn.

"Ngân hàng nên căn cứ hiện trạng để định giá tài sản thế chấp để DN tiếp cận vốn vay sớm để DN phục hồi sản xuất góp phần đưa DN vượt qua khó khăn, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động", ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa kiến nghị.

Còn cán bộ còn gây phiền hà khó khăn cho doanh nghiệp

Giám đốc Công ty Liên doanh phân bón Hữu Nghị ông Lê Hùng Mạnh chia sẻ, hỗ trợ của nhà nước thời gian qua có nhiều chính sách mà các DN nhìn thấy rất hấp dẫn, nhưng quá trình tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của nhà nước còn nhiều khó khăn.

Trong khi đó, quá trình giải quyết các thủ tục của một bộ phận cán bộ lại rất nhiêu khê và chưa kịp thời, từ đó dẫn đến DN tiếp cận với các chính sách ưu đãi của nhà nước còn chậm.

Các đại biểu đại diện cho 27.000 DN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa dự Hội nghị tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Các đại biểu đại diện cho 27.000 DN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa dự Hội nghị tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Bà Mai Thị Thắm cũng nêu, nhiều thủ tục rườm rà trong khi khâu GPMB còn nhiều vướng mắc; việc giải quyết các thủ tục giấy tờ bị đình trệ kéo dài tại một số cơ quan gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và gây tổn thất cho DN.

“Bên cạnh đó ý thức thái độ phục vụ và trình độ năng lực của một bộ phận cán bộ công chức chưa cao còn hiện tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây khó khăn phiền hà cho doanh nghiệp trong quá trình xử lý công việc”, bà Thắm chia sẻ.

Đại diện các DN cũng nêu các thủ tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng hiện nay khó khăn hơn trước do các cơ quan sợ trách nhiệm, cán bộ công chức chưa nhiệt tình với công việc.

Các DN đề nghị Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa kiến nghị với UBND tỉnh Thanh Hóa sớm tháo gỡ khó khăn, nhất là trong việc thực hiện triển khai các dự án cấp phép xây dựng, đầu tư.

Hàng loạt DN ngưng sản xuất vì vướng quy định PCCC mới

Xung quanh quy định mới về PCCC, nhiều doanh nghiệp cho rằng, công tác PCCC là rất cần thiết để bảo vệ tính mạng của người lao động, cũng như tài sản của doanh nghiệp là trên hết.

Tuy nhiên, trải qua 2 năm đại dịch Covid-19 đến năm 2022 các DN đang dần ổn định sản xuất trở lại, nhưng nhiều công xưởng, nhà máy xây dựng theo tiêu chuẩn PCCC cũ đều phải bị phá bỏ hoặc ngưng hoạt động gây ảnh hưởng lớn đến kinh doanh của DN.

Ông Trần Quốc Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tây bắc Ga tỉnh Thanh Hóa nêu vấn đề, một năm KCN nộp ngân sách hơn 200 tỷ, doanh thu 7000 tỷ đồng. Nhưng có tới 103 cơ sở không bảo đảm tiêu chí phòng cháy chữa cháy, bị phạt, đình chỉ sản xuất để xây dựng phương án PCCC từ cuối năm 2022 để khắc phục theo nghị định 136.

"Hiện nay, một số doanh nghiệp đã chấp hành xử phạt hành chính, mặc dù nhiều DN cũng đã xây dựng lộ trình, phương án để khắc phục nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn vì chưa thể hoạt động.

Ngành công an cần sớm ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn cụ thể các văn bản, quy định pháp luật làm căn cứ ban hành thực hiện. Hướng dẫn quy trình, thủ tục hồ sơ PCCC từ thiết kế, thẩm duyệt, đến nghiệm thu tạo điều kiện để các DN có phương án khắc phục để đi vào hoạt động sớm", ông Trường chia sẻ.

Cùng quan điểm, ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa: Đối với những DN trước đây đang thực hiện theo quy định PCCC cũ thì cơ quan liên quan nên có lộ trình thời gian để các DN khắc phục từng bước đảm bảo thực hiện theo quy định mới".

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Kết luận tại hội nghị, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN Thanh Hóa khẳng định, hội nghị lần này là lắng nghe những khó khăn của DN để kiến nghị đến Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ông Đỗ Minh Tuấn chủ trì Hội nghị gặp gỡ DN năm 2023 dự kiến diễn ra vào sáng 31-3.

Đặc biệt hội nghị này, có khoảng 300 đại biểu đại diện 27.000 DN cho các hiệp hội, hội ngành hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Hội nghị nhằm mục đích chia sẻ, tiếp nhận và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Qua đó, khuyến khích các doanh nhân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, lao động sáng tạo, tạo ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có uy tín, chất lượng. Góp phần xây dựng cộng đồng doanh nghiệp ngày càng vững mạnh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm