Dễ dàng thanh toán trực tuyến nhưng...

(PLO)- Dù các nhà băng mạnh tay chi tiền cho công nghệ bảo mật song người dân vẫn đau đầu với đủ chiêu lừa đảo tinh vi nhằm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng của kẻ gian.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-8, tại toạ đàm “Đảm bảo an ninh, an toàn cho thanh toán điện tử trong kỷ nguyên số” do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ tổ chức cho thấy có ngân hàng đầu tư hàng trăm tỉ USD vào chuyển đổi số.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định: Chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu. Rất nhiều tổ chức tín dụng đã đạt được số lượng giao dịch trên kênh số lên tới 90%.

Điều này không chỉ giúp các tổ chức tín dụng giảm chi phí so với thực hiện giao dịch truyền thống trước đây mà còn thúc đẩy sử dụng dịch vụ số, giúp người dân tránh được các dịch vụ chuyển tiền bất hợp pháp, cho vay nặng lãi…

Người dân nhận được nhiều cuộc gọi từ các đối tượng lừa đảo

Người dân nhận được nhiều cuộc gọi từ các đối tượng lừa đảo

Bùng nổ giao dịch online

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết: "Ngân hàng là một trong những ngành đi đầu trong quá trình CĐS với nguồn lực đầu tư của các ngân hàng thương mại lên tới 15.000 tỉ đồng.

Trước năm 2016, nếu số lượng giao dịch thanh toán online đạt khoảng 500 – 1.000.000 giao dịch/ngày đã là con số mơ ước thì đến nay lượng giao dịch bình quân 1 ngày lên tới 8 triệu, giá trị giao dịch ước đạt 900.000 tỉ đồng."

Theo ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc cao cấp An ninh Thông tin - Techcombank, hiện các ứng dụng số cũng như CĐS và ứng dụng trực tuyến đã được áp dụng cho hầu hết dịch vụ sản phẩm của ngân hàng.

Trước đây, muốn mở tài khoản, người dân phải đến các chi nhánh ngân hàng thực hiện nhiều thủ tục thì nay chỉ cần ngồi ở nhà đã có thể mở tài khoản trong vòng 10 – 20 phút.

Ngân hàng cũng đã kết hợp với công ty Fintech mở các ví điện tử để người dân có thể thanh toán trực tuyến các dịch vụ cơ bản như điện, nước, tiền nhà, tiền điện thoại

Với ứng dụng thẻ (Master Card, Visa), ngân hàng đã tăng cường sử dụng thanh toán thẻ nhiều hơn, làm giảm đáng kể tỉ lệ sử dụng tiền mặt.

Cùng với việc tích hợp ứng dụng mã QR trên điện thoại, người dân chỉ cần mang điện thoại để thanh toán mọi giao dịch từ nhỏ đến lớn một cách nhanh chóng, dễ dàng và thuận tiện.

Đánh giá về sự phát triển thanh toán số tại Việt Nam, bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết: Ít nhất 95% ngân hàng tại Việt Nam đang tích cực thực hiện CĐS.

Mặt khác, xu hướng người tiêu dùng Việt Nam hưởng ứng và đón nhận CĐS phổ biến hơn so với nhiều nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong một nghiên cứu của Mastercard vào năm 2022, chúng tôi nhận thấy có tới 94% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán số trong năm qua. Trong khi đó, ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương và kể cả những nước phát triển hơn thì tỉ lệ này cũng chỉ ở mức 88%."

Nhờ ứng dụng CĐS, người dân dễ dàng thanh toán trực tuyến ngay cả với những món hàng có giá trị nhỏ khiến cây ATM trở nên ế ẩm. Từ đó, ngân hàng giảm đầu tư lắp đặt máy ATM và dành nguồn lực nhiều hơn cho CĐS. Đơn cử như Techcombank đã dành khoảng 300 triệu USD cho CĐS.

Rủi ro gian lận trong thanh toán điện tử

Bên cạnh những thuận lợi, thời gian qua tình hình an toàn thanh toán, đặc biệt rủi ro gian lận trong thanh toán điện tử cũng tăng mạnh và có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo.

Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết: "Đánh giá xuyên suốt quá trình CĐS trong lĩnh vực thanh toán, chúng tôi nhận thấy không có rủi ro xuất phát từ những sai sót đến từ các tổ chức tín dụng.

Mặc dù vậy vẫn xảy ra tình trạng kẻ gian lợi dụng kẽ hở trục lợi, chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Trường hợp điển hình là khách hàng vô tình cung cấp thông tin cá nhân như CCCD, số thẻ, số tài khoản, mật khẩu, mã OTP hay mã số thanh toán... khi tham gia mạng xã hội, sử dụng internet, mua hàng qua mạng... cho kẻ gian.

Bên cạnh đó còn có hiện tượng kẻ gian lợi dụng nâng cấp sim, nâng cấp gói internet trên sim để chiếm đoạt số điện thoại, từ đó chiếm đoạt mật khẩu tài khoản ngân hàng.

Một trường hợp xảy ra phổ biến khác là kẻ gian sử dụng tin nhắn giả mạo, gửi các đường link, brandname chứa mã độc để lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Do đó, khách hàng cần cảnh giác, không cung cấp bất cứ thông tin cá nhân nào cho bên thứ ba khi tham gia không gian mạng để hạn chế tối đa rủi ro, mất tiền cho kẻ gian".

Đứng từ góc nhìn của ngân hàng, ông Văn Anh Tuấn cho biết thêm: Chúng tôi liên tục khuyến cáo về các hình thức lừa đảo nhằm nâng cao nhận thức cho khách hành và các bộ, ban, ngành liên quan. Khi nhận thức của khách hàng được nâng cao, kể cả hình thức lừa đảo mới cũng rất khó để thực hiện trót lọt.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nỗ lực tìm ra các giải pháp về mặt công nghệ để phòng chống gian lận.

"Chẳng hạn trước đây chỉ cần tài khoản và mật khẩu thì sau đó đòi hỏi có OTP, tiếp đến giao dịch chỉ chấp nhận trên cùng 1 chiếc điện thoại. Hiện nay, chúng ta tiến tới kết nối với cơ sở dữ liệu công dân quốc gia để xác minh chính xác người dùng."

Theo thống kê của NHNN, trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 52,35% về số lượng, qua phương thức QR code tăng tương ứng 151,14% và 30,41%.

Trong khi đó, giao dịch thanh toán qua cây ATM lại giảm 4,62% về số lượng và 6,43% về giá trị, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm