Để không còn cảnh 'quýt làm cam chịu'

Các cổ động viên (CĐV) quá khích có rất nhiều chiêu trò qua mặt lực lượng bảo vệ các sân bóng như giấu pháo sáng trong vùng kín hoặc ở ngoài ném lên khán đài để làm loạn suốt hơn 10 năm qua cũng không hề hấn gì.

Cách đây hai năm, VFF đau đầu với vấn nạn khán giả Hải Phòng đốt pháo sáng cháy đỏ, nhiều sân bóng đã quyết định đưa ra án phạt một cách rất… vô lý. Đó là không cho CĐV Hải Phòng (mặc áo cổ động và các loại băng rôn cổ vũ) vào sân của đội khách tại các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Ngay lập tức làng bóng nổ ra nhiều tranh cãi, vì thực tế Hải Phòng không có CLB CĐV và các ban tổ chức sân cũng không thể xác định khán giả có phải CĐV hay chỉ là người hâm mộ bóng đá Hải Phòng. Phương án này nhanh chóng bị phá sản và pháo sáng vẫn cháy rực trên các khán đài khắp các sân bóng cả nước, đặc biệt là những trận đấu của đội Hải Phòng.

Lâu nay Ban Kỷ luật VFF khi gặp sự cố khán giả đốt pháo sáng gây mất an ninh, an toàn trận đấu gần như chỉ biết phạt tiền. Mới nhất, Tổng cục TDTT yêu cầu VFF xử lý nghiêm tình trạng đốt pháo sáng trên sân Hàng Đẫy ngày 21-4, Ban Kỷ luật VFF mới ra quyết định phạt tiền CLB Hà Nội và Hải Phòng, đồng thời sẽ treo sân không khán giả ở vòng 7 V-League.

Sân Hàng Đẫy bị đốt pháo mù mịt, thi đấu với TP.HCM không có khán giả. Ảnh: NGỌC DUNG

Theo nhận định của VPF, pháo sáng đốt liên tục ở sân Hàng Đẫy là rất nhiều và lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, mức án phạt của Ban Kỷ luật VFF chưa phải là nặng nhất và thậm chí còn có những ý kiến cho rằng “quýt làm cam chịu”. Đấy là việc khán giả Hải Phòng gây ra sự cố nhưng CLB Hà Nội lại gánh chịu hậu quả nặng nề hơn.

Thực tế mức phạt cho ban tổ chức sân Hàng Đẫy không oan vì khả năng ngăn ngừa và ứng phó tình huống quá hời hợt. Ví như lực lượng an ninh không đủ kiểm soát các hành vi đưa pháo sáng vào sân bóng hoặc khi phát hiện phải xử lý thật nghiêm khắc. Chưa có cách ngăn ngừa hiệu quả như chiêu trò của những khán giả nữ giấu pháo sáng vào chỗ kín để đưa vào sân trong khi lực lượng bảo vệ không có nhân viên nữ kiểm tra.

Khi pháo sáng đốt bùng lên trong sự nhảy múa, reo hò trêu ngươi của đám đông, gần như ban tổ chức sân và lực lượng bảo vệ đứng nhìn bất lực. Ở sân Hàng Đẫy chưa có những phương án ngăn ngừa gắt gao lẫn biện pháp phòng, chống hiệu quả như lắp đặt camera quan sát, bố trí an ninh mặc thường phục trên khán đài theo dõi và bắt giữ các phần tử quá khích.

Khán giả Hải Phòng đã từng gây ra rất nhiều vụ đốt pháo sáng trên khán đài các sân bóng khác. Như ở vòng 5 V-League tiếp khách SHB Đà Nẵng, ban tổ chức sân Hải Phòng bị phạt 20 triệu đồng do khán giả đốt pháo sáng ở khu vực xung quanh sân vận động Lạch Tray chứ không phải bên trong. Tình huống này đúng là “quýt làm cam chịu” vì không thể kiểm soát hoặc xác định thành phần quá khích có phải là khán giả hay không. Vừa qua, ý kiến từ phía VPF cho rằng cần có sự phối hợp của Bộ Công an là điều hết sức bức bách và cần thiết vì sự việc đã vượt qua cổ vũ, là phá hoại và khiêu khích các lực lượng. Bên cạnh đó, khả năng dẫn đến nguy cơ cháy nổ có thể dẫn đến những hậu quả khó lường, làm ảnh hưởng lớn đến xã hội.

Thật nguy hiểm khi có những thành phần lợi dụng việc cổ vũ bóng đá để phá hoại và làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Xử phạt lỗi tái phạm

Ban Kỷ luật VFF xử phạt hành vi đốt pháo sáng ở sân Hàng Đẫy ngày 21-4 với mức cao nhất 70 triệu đồng cho ban tổ chức sân và CLB Hải Phòng. Đồng thời đội Hà Nội thi đấu vòng tiếp theo trên sân nhà tiếp TP.HCM không có khán giả. Bên cạnh việc đề nghị xử lý nghiêm từ cấp trên Tổng cục TDTT, Ban Kỷ luật VFF đã đưa ra hình phạt cao cũng vì lỗi tái phạm của chính hai đội bóng này. Ở vòng 4 V-League, ban tổ chức sân Hàng Đẫy từng bị phạt 20 triệu đồng vì để khán giả SL Nghệ An đốt pháo sáng. Tương tự, ban tổ chức sân Hải Phòng cũng bị phạt tiền vì để xảy ra tình trạng đốt pháo sáng gây mất an toàn, an ninh ở lượt đấu thứ năm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm