Suốt mấy năm nay, trong khi vaccine Quinvaxem miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia liên tục được đưa tin về các sự cố sau khi tiêm, việc nhiều bậc cha mẹ tìm cứu cánh ở vaccine dịch vụ (vaccine 5 trong 1 của Sanofi Pasteur và 6 trong 1 của GSK) là một logic bình thường và không thể cấm đoán. Do đó nhiệm vụ của ngành, ngoài việc chính là tiến hành tiêm chủng mở rộng bằng Quinvaxem với độ hiệu quả và an toàn cao nhất có thể, phải bảo đảm cho nhu cầu tiêm vaccine dịch vụ.
Vai trò quản lý ở đâu?
Khi đã gọi là dịch vụ, tức là tính phí theo thị trường thì chắc chắn nhà sản xuất và nhà phân phối đều mong bán được nhiều hàng. Đối với khách hàng, khi từ chối vaccine miễn phí của TCMR để tự trả tiền túi cho vaccine dịch vụ, bản thân đã là một sự hy sinh, tốn kém nhưng vì con thì ai mà chẳng sẵn sàng, dù nhà có điều kiện hay không.
Thế mà liên tục mấy năm trời thiếu vaccine dịch vụ, nhất là trong cả năm 2015 này khiến hàng trăm người xô lấn, chen chúc tìm một suất tiêm vaccine vừa được nhập về. Các bậc cha mẹ phải nháo nhào chạy tìm nguồn vaccine, sẵn sàng trả giá cao, thậm chí có những tour tổ chức đi Sing hay Thái để chích ngừa cho con. Chưa bao giờ người ta đã tốn tiền lại còn khổ sở như vậy. Tương lai tiếp tục mờ mịt, thiếu vẫn thiếu. Tưởng đâu như thấy lại bóng ma thời bao cấp, cấm vận, thiếu thuốc triền miên mấy chục năm trước.
Chúng ta hỏi nhau vì sao thiếu? Đơn giản nhất vẫn là lý luận: Cầu tăng (do nhiều người chọn dịch vụ thay vì TCMR) và cung giảm (do nhà sản xuất có thay đổi, giảm sản lượng nên ưu tiên cho các đơn hàng dài hạn). Nghe thì rất có lý nhưng nếu chỉ như vậy năm này qua năm khác để thiếu hoài thì không thể chấp nhận được, nhất là khi các nước lân cận không thiếu và còn có thể đón người Việt sang chích ngừa. Phải cố gắng xoay trở khắc phục, không chỉ là trách nhiệm của các đơn vị sản xuất kinh doanh mà còn là trách nhiệm của người quản lý ngành.
Nếu việc tuyên truyền và chứng minh tính hiệu quả và an toàn của chương trình với Quinvaxem thì chuyện “vỡ trận vaccine” khó có thể xảy ra. Ảnh: PHI HÙNG
Giải pháp trước mắt
Làm sao để không thiếu nữa?
Thứ nhất, không nên tiếp tục chống chế, đổ lỗi do khách quan trong khi không chịu nhìn thẳng vào trách nhiệm của mình. Tại sao Việt Nam ta không dự trù, đặt hàng sớm với nhà sản xuất để được ưu tiên cung ứng như các nước khác? Không lẽ thiếu vaccine mấy năm liền mà chưa ước lượng được cần bao nhiêu (cùng dư số cho phép)? Thậm chí ở mức độ quản lý ngành cũng chưa hề có một cuộc họp rút kinh nghiệm, phân tích các biến động và đề ra hướng khắc phục cho năm tới, cứ phó mặc thị trường tự điều tiết.
Thứ hai là phải xem xét chúng ta đã thật sự tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp (DN) phát huy năng lực, để họ nỗ lực tìm nguồn hàng chưa? Đơn cử một ví dụ: Vaccine 5 trong 1 của Sanofi Pasteur có giá gốc 25 USD, giá kê khai bán buôn là 630.000 VNĐ (đây là giá vừa được điều chỉnh tăng gần đây), nếu tính các chi phí kho vận, bảo quản, vận chuyển, khấu hao... thì lợi nhuận không đủ hấp dẫn nhà phân phối. Đây cũng là một bất cập trong chính sách quản lý giá thuốc của chúng ta, vì chưa có căn cứ để xây dựng giá kê khai, trong khi điều hành lại thiếu linh động.
Cũng xin nêu một ví dụ khác: Vaccine ngừa bệnh dại của Sanofi Pasteur có giá gốc 6 USD, trong khi vaccine của Ấn Độ có giá gốc chỉ 2 USD nhưng cả hai mặt hàng có giá bán buôn kê khai bằng nhau mà vẫn được chấp nhận. Nếu là DN phân phối thử hỏi bạn sẽ chọn cái nào?
Cho nên giải pháp trước mắt đối phó tình trạng thiếu vaccine dịch vụ là tạo điều kiện cho các DN tìm nguồn hàng, cơ chế quản lý giá linh hoạt, thủ tục thông thoáng miễn là đáp ứng hàng bảo đảm nguồn gốc và kiểm định đạt chất lượng. Dĩ nhiên đã quá muộn cho năm nay để đặt sản xuất hàng nhưng chúng ta vẫn có thể thương lượng nhượng hàng đã đặt mua trước của các nước khác (xin đừng nhầm lẫn khái niệm, mua vaccine của Campuchia hay Thái Lan không có nghĩa là vaccine do hai nước này sản xuất mà là số vaccine các nước này đã đặt mua thành công nhưng nay nhượng lại cho chúng ta). Làm như thế sẽ hạn chế được cảnh bồng bế qua nước bạn để chích ngừa, vừa tốn kém cho cha mẹ vừa nguy hiểm cho trẻ nhỏ.
Việc cấp phép cho các lô hàng mới cũng phải được khẩn trương xem xét đánh giá, linh động rút ngắn thời gian chứ không thể đủng đỉnh như thường lệ được.
Tầm nhìn dài hạn
Giải pháp lâu dài và căn cơ vẫn là có sự đặt hàng dài hạn với số lượng được quản lý ngành dự trù qua tổng hợp thực tế. Đây chính là vai trò định hướng và điều tiết của quản lý ngành. Cũng phải lường trước tình huống xảy ra, nếu quá thừa thì có cam kết giải quyết như thế nào để DN không quá thiệt thòi.
Việc quản lý giá cũng phải tính toán hợp lý để đủ động lực cho DN nhưng không quá bất hợp lý với người dân. Nghịch lý hiện nay là giá bán buôn thì khống chế ở mức 630.000 đồng, giá tiêm ở các điểm dịch vụ công lập là 720.000 đồng nhưng với các đơn vị tư nhân họ có toàn quyền định giá tiêm (bán lẻ) như Luật Giá, có thể lên đến tiền triệu, chưa kể số chích tại nhà, thỏa thuận riêng là bất hợp pháp. Nhưng rốt cuộc thì vẫn rẻ và đỡ mệt hơn xuất ngoại để chích ngừa.
Trên tất cả, bên cạnh việc tháo gỡ cho nguồn cung vẫn là phải ổn định lại, hợp lý hóa nhu cầu. Phải chú trọng hơn nữa việc tuyên truyền, chứng minh tính hiệu quả và an toàn của chương trình TCMR với Quinvaxem, liên tục rà soát và chấn chỉnh quy trình để giảm thiểu nguy cơ. Nếu Quinvaxem đủ sức thuyết phục, bài toán sẽ được giải một cách đơn giản nhất, tự bản thân vaccine dịch vụ không đáng để trầm trọng như vậy.
Chắc chắn những sự việc vừa qua là đòn đau với uy tín của ngành y tế, nhất là khả năng hoạch định chính sách và điều hành, khả năng bảo đảm thuốc cho người dân. Vì vậy cơ quan quản lý cần nghiêm túc đánh giá và nhìn nhận trách nhiệm chứ để đến hẹn lại lên, lại “vỡ trận vaccine”, mất bò mới lo làm chuồng, chạy đôn chạy đáo như hiện nay thì chẳng có tác dụng gì và sai lầm sẽ lặp lại, kéo theo nhiều hệ lụy.
Dân không yên tâm với “tỉ lệ tai biến cho phép” Các cơ quan quản lý cũng nên tính toán đến việc thay thế nếu cần thiết để không bị động. Thật ra đứng về mặt kinh tế, Quinvaxem cũng chẳng rẻ hơn nhưng lại có gánh nặng tâm lý quá lớn và bản chất nguyên bào cũng làm tăng phần nào những nguy cơ và nghi ngại. Công việc hoạch định chính sách cũng như tướng cầm quân, phải có nhiều phương án, có tiến có thoái, có tư duy để bớt lãng phí “máu xương chiến sĩ”. Không nên và không thể thụ động chờ hưởng các chương trình viện trợ, rồi mang tư tưởng “cho là tốt rồi” khi đánh giá số ca tai biến vẫn nằm trong tỉ lệ cho phép. |
Những ông bố, bà mẹ nói gì? Anh Nguyễn Minh Tuấn, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội: Anh Nguyễn Duy Khương, Cầu Giấy, Hà Nội: Chị Nguyễn Thị Thúy, Long Biên, Hà Nội: Mình thấy có nhiều cháu phải đi bệnh viện vì sốt do phản ứng sau tiêm vaccine, mình sợ lắm nên quyết tiêm dịch vụ cho con. Hôm trước, do chồng đi làm, mình phải thuê người đứng xếp hàng lấy số với giá 500.000 đồng nhưng vẫn chưa tiêm được cho con. Chị Phạm Lương, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội: Cháu nhà mình được hơn một tuổi, mũi này là mũi thứ ba, hai mũi trước đều vất vả mỗi khi tiêm vì phải xếp hàng, cạnh tranh để lấy số. Nhưng lần vừa rồi là khủng khiếp nhất vì quá đông, đứng đợi chật như nêm. Nhiều người còn đưa con ra nước ngoài để tiêm, mình cực thế này có nhằm nhò gì… |