10 giờ 30 sáng 26-12, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp báo khẩn trước tình trạng người dân chen chúc, xếp hàng từ đêm chờ đăng ký tiêm vaccine 5 trong 1 tại một cơ sở tiêm ở Hà Nội đêm 24-12.
Cuộc họp báo có sự tham gia của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu; Cục trưởng Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường; Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Đặng Đức Anh và Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm.
Khan hiếm vaccine toàn cầu?
Tại cuộc họp báo, Cục trưởng Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường nhấn mạnh tình trạng khan hiếm vaccine 5 trong 1. “Đây không phải là cơn sốt ảo mà là thiếu thật, thiếu trên toàn cầu, thiếu có hệ thống” - ông Cường khẳng định.
Theo ông Cường, trên thế giới hiện chỉ có ba nhà sản xuất có công nghệ sản xuất vaccine vô bào nhưng riêng Nhật Bản quyết tâm không xuất khẩu bởi công suất chỉ đủ để phục vụ thị trường Nhật. Trong khi đó, hai nhà sản xuất còn lại là Sanofi và GSK chỉ ưu tiên cung cấp cho những quốc gia dùng loại vaccine này cho chương trình tiêm chủng mở rộng.
“Chúng tôi đã tìm hết cách, sang Pháp, Bỉ rồi Nhật. Cục Quản lý dược Pháp có thông tin ngay ở Pháp cũng thiếu vaccine… Các đồng chí không tin có thể gặp nhà sản xuất, gặp sứ quán để kiểm tra thông tin. Về nguyên tắc, không ai khi thị trường cần lại không mua về” - ông Cường nói.
“Để tránh tình trạng không minh bạch, chúng tôi yêu cầu các nhà nhập khẩu công bố giá và bán cho ai thì phải thông báo. Mới đây chúng tôi đã công khai 161 điểm trên toàn quốc. Về giá hiện nay không tăng, bây giờ đề nghị tăng 1 đồng cũng trở thành vấn đề, bị hiểu nhầm ngay tức khắc. Vaccine, chúng tôi giới hạn giá trần là 630.000 đồng/liều và không tăng giá. Nếu báo chí phát hiện nơi nào bán giá cao hơn 630.000 đồng chúng tôi sẽ rút ngay giấy phép” - cục trưởng Cục Quản lý dược cho hay.
Người dân chờ tiêm tại Trung tâm Y tế dự phòng sáng 26-12. Ảnh: TÙNG SƠN
Đắt vẫn phải mua nhưng không có bán
Về câu hỏi khả năng đáp ứng nhu cầu tiêm vaccine 5 trong 1 trong năm 2016 thế nào, bao nhiêu phần trăm trẻ được tiêm, ông Trương Quốc Cường cho biết liên quan đến việc cung ứng vaccine, năm 2016 còn 40.000 liều vào tháng 2, ngoài ra không có bất cứ cam kết nào khác.
Còn theo ông Nguyễn Nhật Cảm thì hiện nay Hà Nội hiện có khoảng 150.000 trẻ em dưới một tuổi. Đến thời điểm này chúng ta đã tiêm được 385.000 mũi Quinvaxem. Tức là nếu tiêm đủ ba mũi Quinvaxem thì ước lượng số tiêm ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng khoảng 60.000 liều. Nếu chúng ta có 44.000 liều thì cơ bản đáp ứng được 60%-70% số chưa được tiêm hoặc chờ đợi trong năm 2015. Vì nhiều lý do nhu cầu tăng lên, năm 2016 ước lượng cần khoảng 100.000-120.000 liều.
Về quá trình đàm phán mua vaccine diễn ra từ bao giờ, có doanh nghiệp nói rằng nếu họ được bán với giá cao hơn, họ có thể nhập khẩu ngay về Việt Nam 100.000 liều trong vòng 10 ngày từ Malaysia, Thái Lan, Dominica…? Ông Trương Quốc Cường cho biết quá trình đàm phán diễn ra hơn một năm, không nhớ ngày tháng cụ thể, từ khi bắt đầu xuất hiện tình trạng các nhà sản xuất cung ứng chậm. Thông tin nói nếu cho phép tăng giá vaccine, họ mua được ở Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Dominica… thì chắc chắn thông tin đó không chính xác, vì những nước này không thể sản xuất được vaccine. Nếu có thì là vaccine của hãng Sanofi và GSK bán sang đó rồi họ bán lại nhưng như vậy không được phép. Chắc đó chỉ là thông tin đồn thổi thôi, không chính xác vì bản thân họ không có thì làm sao có bán được cho mình. Nếu có thì họ mua ở chợ đen bên kia rồi bán lại?
“Tôi cũng khuyến cáo các cha mẹ không tiêm loại vaccine này. Đã là không chính thức thì cực kỳ nguy hiểm cho tính mạng, vì tiêu chuẩn vận chuyển, bảo quản không bảo đảm. Ở đây không phải vấn đề giá. Tôi đã nói với các nhà nhập khẩu, nếu họ thấy đang lỗ, giá vận chuyển, bảo quản tốn kém, số lượng ít nên lỗ thì Bộ Y tế sẵn sàng cho phép điều chỉnh theo tỉ giá” - ông Cường nói.
Theo ông Trương Quốc Cường, Singapore sử dụng vaccine 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiện nay nguồn cung khan hiếm, nhà sản xuất chỉ ưu tiên cho những quốc gia sử dụng vaccine này trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đã trong chương trình tiêm chủng mở rộng thì họ cam kết phải cung cấp đầy đủ. Đó là lý do vì sao Việt Nam không có.