Để không lãng phí cầu vượt bộ hành!

(PLO)- Nhiều cầu vượt bộ hành vẫn đang bị chiếm dụng cho mục đích khác. Bạn đọc cho rằng cần xem xét có giải pháp để các công trình này phát huy tác dụng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, PLO.VN có bài: “Cầu bộ hành nhếch nhác, người dân ngán ngẩm”, nội dung về việc các cây cầu vượt bộ hành ở TP.HCM mặc dù được đầu tư xây dựng với chi phí "khủng" nhưng lại không phát huy được tác dụng, thậm chí còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Theo đó, hình ảnh cầu bộ hành "ế khách" do khung cảnh nhếch nhác với nhiều loại rác thải, thậm chí có kim tiêm, người dân ngủ chắn ngang lối đi khiến cho nhiều người ngao ngán, không muốn sử dụng.

Thông tin trên nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc.

cầu vượt bộ hành
Rác thải dọc theo lối đi trên cầu bộ hành. Ảnh: Báo Pháp Luật TP.HCM

Để cầu bộ hành phát huy tác dụng: Cần xử phạt nghiêm minh

"Nhiều người ý thức tham gia giao thông kém lắm, qua đường chẳng bao giờ đi đúng làn vạch dành cho người đi bộ chứ đừng nói đến việc phải tốn công sức leo lên cầu bộ hành. Cầu bộ hành thường rất cao, quãng đường di chuyển dài, trong khi băng ngang qua đường thì khoảng cách rút ngắn đáng kể. Vì vậy người dân vẫn cứ vô tư đi cắt ngang đường, bất chấp xe cộ qua lại hay các rủi ro xảy ra va chạm giao thông.

Tình trạng sang đường không đúng nơi quy định diễn ra phổ biến nhưng mà số lượng trường hợp xử phạt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi nghĩ nguyên do còn nằm ở những bất cập trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm nữa. Mong rằng các cơ quan sẽ siết chặt quản lý hơn!” - bạn đọc Trần Nam Anh chia sẻ.

Đồng quan điểm với ý kiến trên, bạn đọc Gia Linh cũng cho rằng: “Mọi người sử dụng cầu bộ hành là để an toàn cho bản thân nhưng lúc nào cũng phải "khuyến khích, vận động". Ở những khu vực không có cầu vượt bộ hành, không có vạch sang đường thì có thể thông cảm cho bà con. Chứ những nơi có cầu bộ hành mà người dân vẫn đi tắt ngay dưới gầm cầu để sang đường trong khi cầu trống trơn, không ai sử dụng thì cứ phạt thẳng tay như một lỗi giao thông. Như thế thì người dân mới có ý thức được”.

“Lâu nay tôi vẫn thấy tin các cầu bộ hành được sửa sang, dọn dẹp, làm mới lại để thu hút người dân sử dụng. Nhưng mà chưa bao lâu thì dưới chân cầu lại bị dán quảng cáo rao vặt, trên thành cầu thì trở thành nơi tập kết rác thải.

Thiết nghĩ chính quyền nên truy theo thông tin địa chỉ, số điện thoại trên giấy quảng cáo mà phạt thật nặng. Hoặc giải quyết bằng cách dựng những tấm pano cho dán quảng cáo miễn phí, rồi xóa các quảng cáo không đúng chỗ. Sau một thời gian mọi người sẽ tự phải biết dán đúng chỗ, còn người cần dịch vụ cũng biết chỗ mà tìm thông tin, lại đảm bảo văn minh và mỹ quan!” - bạn đọc Thành Lê góp ý.

“Tôi thường tập thể dục buổi sáng sớm và cũng lựa chọn qua đường bằng cầu bộ hành cho an toàn. Nhưng mà cầu chỗ tôi không được trang bị đèn chiếu sáng khiến tôi ít nhiều cũng có tâm lý không thấy an toàn mỗi khi đi qua. Và đỉnh điểm từ khi tôi thấy có nhiều kim tiêm vương vãi trên đó thì tôi không dám đi nữa, nó chẳng khác gì "cái bẫy" chực chờ người dân đi qua đạp trúng. Cũng không có gì để giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn cho người đi bộ trên những cây cầu này cả. Nhiều người dù sợ tai nạn nhưng vẫn không muốn phải leo lên cầu bởi ngần ngại phải đối mặt với những rủi ro nguy hiểm này” - bạn đọc Thanh Hằng bộc bạch.

Phải tăng cường nhiều giải pháp hút người dân sử dụng cầu bộ hành

“Tôi thấy xây cầu bộ hành cũng bằng thừa nếu không tuyên truyền hay có biện pháp nào để người dân dùng cầu bộ hành sang đường. Việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân mới là vấn đề mấu chốt. Các cầu vượt bị hàng rong chiếm dụng, nhếch nhác và cả hiện tượng kim tiêm vương vãi là do địa phương thiếu quản lý. Mong rằng các cơ quan quản lý sẽ tăng cường tuyên truyền người dân giữ gìn vệ sinh, tuân thủ các quy định về an toàn giao thông cũng như rà soát và xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm, xả rác thải, tụ tập để đảm bảo an ninh trật tự” - bạn đọc Thanh Hoa chia sẻ.

“Tôi đề nghị các đơn vị nên phối hợp với chính quyền địa phương để có biện pháp tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng cầu bộ hành nâng cao an toàn giao thông. Đối với vị trí cầu bộ hành gần bệnh viện, trường học thì lắp đặt thêm mái che, tăng cường chiếu sáng vào ban đêm cho người dân yên tâm đi lại. Có thể lắp đặt thang máy, camera tại một số cầu cho các trường hợp đặc biệt như người khuyết tật để tăng tiện ích phục vụ người dân” - bạn đọc Thành Trung hiến kế.

“Các cầu vượt có độ dốc nhiều nên làm lan can tay vịnh cao ngang vai và song sắt khít hơn nữa, đi trên cao gặp gió mạnh rất đáng sợ. Nên bổ sung mái che cho tất cả các cầu bộ hành để người dân không bị nắng nóng khi sử dụng. Tốt nhất nhà đầu tư nên khảo sát nhanh lấy ý kiến một số người sử dụng thì hiệu quả sử dụng sẽ càng cao. Việc sơn sửa, chỉnh trang lại cảnh quan bên ngoài cho cầu là cần thiết để thu hút người dùng nhưng đó chỉ là việc phụ. An toàn mới là quan trọng trên hết!” - bạn đọc Phúc Hưng.

“Ngoài thói quen của người dân cứ thích băng qua đường cho nhanh thì nguyên nhân khiến cầu bộ hành bị "ngó lơ" còn do việc chọn vị trí xây dựng chưa hợp lý. Ví dụ như ở đoạn đường từ Ngã tư Hàng xanh về cầu Điện Biên Phủ, các trường đại học, các bạn sinh viên toàn leo rào chắn để băng cắt qua cơ sở khác của trường ở phía đối diện bên kia đường. Trong khi đó, tuyến đường này các phương tiện cơ giới đi với tốc độ cao nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Tôi thấy nên quy hoạch, xây dựng thêm cầu tại những nơi có giao thông phức tạp và đông dân cư như ở trường học, bệnh viện, bến xe. Đối với những cầu không hiệu quả, có có thể thay thế bằng những hình khác như cải tạo lối đi bộ, tạo thuận tiện cho người dân, không để bị lấn chiếm bán hàng rong. Từ đó người dân sẽ dần đi vào nề nếp và sử dụng cầu bộ hành nhiều hơn” - bạn đọc Thanh Hương phân tích.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm