Cầu bộ hành nhếch nhác, người dân ngán ngẩm

(PLO)- Hình ảnh cầu bộ hành nhếch nhác nhiều loại rác thải, thậm chí có kim tiêm, người dân ngủ chắn ngang lối đi khiến cho nhiều người ngao ngán, không muốn sử dụng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các cây cầu bộ hành được TP.HCM chi hàng tỉ đồng xây dựng để phục vụ người dân băng sang đường được an toàn tại các tuyến đường lớn, nhiều làn xe lưu thông. Tuy nhiên thời gian qua, đa phần cầu bộ hành không phát huy được tác dụng, thậm chí còn bộc lộ nhiều hạn chế.

cầu bộ hành
Người dân ngán ngẩm khi sử dụng cầu bộ hành.

Rác thải, kim tiêm, người dân ngủ chắn lối đi

Theo ghi nhận của PLO ngày 11-6, tại nhiều tuyến đường lớn có cầu bộ hành như đường Phạm Văn Đồng, Điện Biên Phủ, quốc lộ 1, Kinh Dương Vương... dễ dàng bắt gặp hình ảnh người đi bộ băng ngang đường lớn, trèo qua con lươn, thậm chí luồn lách giữa dòng xe cộ đông đúc để qua đường mặc dù cách đó chỉ vài chục mét là cầu bộ hành.

cau-bo-hanh-18.jpg
Người dân ngủ chắn lối đi cầu bộ hành trước bến xe Miền Tây.

Tuy nhiên, việc cầu bộ hành ở TP.HCM "ế khách" một phần là do khung cảnh nhếch nhác tồn tại trên những cây cầu này.

Đơn cử như trên đại lộ Phạm Văn Đồng có 5 cầu vượt bộ hành. Nhìn từ xa, cầu được thiết kế đẹp mắt, tô điểm bằng hàng hoa giấy rực rỡ, tuy nhiên rất ít người sử dụng.

Ghi nhận của PLO tại cầu vượt bộ hành số 1,2,3, dọc hai bên lan can cầu đầy rẫy kim tiêm, rác thải, quần áo, võng gây mất mỹ quan đô thị. Cầu cũng dần xuống cấp theo thời gian, nước đọng vũng, rong rêu phủ kín nhiều chỗ.

cau-bo-hanh-7.jpg

Một người dân bán nước dưới chân cầu cho biết: "Ban ngày đã vắng người sử dụng, còn ban đêm thì đố ai dám lên đó. Nhiều người vô gia cư thường lui tới cầu để ngủ, hút chích rất nguy hiểm."

cau-bo-hanh-9.jpg
Rác thải dọc theo lối đi trên cầu.

Một cầu bộ hành khác cũng có số phận tương tự nằm sát cổng Bến xe Miền Tây, nơi có mật độ lưu thông tương đối cao. Tuy nhiên, nhiều hành khách rời bến xe vẫn chọn cách băng qua tuyến đường tấp nập xe cộ mặc dù cầu bộ hành chỉ cách đó 50m.

cau-bo-hanh-1.jpg
Người dân chọn băng qua đường dù cầu bộ hành chỉ cách 50m.

Theo ghi nhận của PLO, lối đi của cầu bộ hành thường có người ngủ chắn ngang khiến nhiều người ái ngại. Bên trên cầu vào các khung giờ tối và sáng sớm, nhiều người vô gia cư cũng trú ngụ tại đây.

Cách đó không xa, trên quốc lộ 1 cũng có nhiều cầu bộ hành không được sử dụng đúng mục đích. Tại cầu bộ hành số 1, số 2, tình trạng rác thải, quần áo treo trên cầu, người vô gia cư trú ngụ... diễn ra thường xuyên.

Còn trên đường Điện Biên Phủ, cầu vượt Văn Thánh có vẻ khá hơn với nhiều người dân đi lại do nằm gần nhiều trường học. Tuy nhiên, đa số người dân vẫn không ưa chuộng công trình này lắm.

cau-bo-hanh-13.jpg
Người dân "trú" tại cầu bộ hành số 1 trên quốc lộ 1A.
cau-bo-hanh-3.jpg
Cầu vượt bộ hành Văn Thánh có người dân ngủ trên lối đi.
cau-bo-hanh-4.jpg
Cầu được trang trí với giàn hoa giấy dọc theo lối đi.

Chị Hồng Ân, một người dân trong khu vực, cho biết: "Mỗi ngày đi học tôi phải băng qua cầu để sang đường Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, tôi rất sợ vì thường xuyên gặp người ngủ trên cầu. Đặc biệt vào buổi tối tôi sẽ không đi qua cầu một mình mà thường nhờ bạn bè đưa về."

cau-bo-hanh-17.jpg
Các cầu bộ hành được đầu tư hàng tỉ đồng nhưng bộc lộ nhiều hạn chế.
cau-bo-hanh-12.jpg

Có thể thấy việc cầu bộ hành xuống cấp, vắng người sử dụng vì nhiều lý do. Việc những cây cầu này tồn tại bất cập khiến người dân không muốn sử dụng đang gây lãng phí, chưa kể tiềm ẩn nguy cơ tai nạn khi người dân buộc phải chọn băng qua làn đường nhiều xe cộ.

Phường Hiệp Bình Chánh và công an phường thường xuyên tuần tra, kiểm soát và xử lý nhiều trường hợp hút chích trên cầu bộ hành ở đường Phạm Văn Đồng. Đồng thời, phường cũng lắp đặt camera, còi cảnh báo trên cầu bộ hành nên các đối tượng tụ tập trên cầu bộ hành đã giảm hẳn.

Hiện phường vẫn đang tích cực tuần tra, kiểm soát để đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo đi lại cho người dân.

Đại diện UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức

Sẽ chấn chỉnh, tăng cường kiểm tra

Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết hiện nay sở đang quản lý 40 công trình cầu vượt bộ hành. Trong đó, tập trung tại một số tuyến đường chính như đường Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Kinh Dương Vương, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Minh Giám, Quang Trung, quốc lộ 1, quốc lộ 22...

Đánh giá về nguyên nhân các cầu vượt bộ hành không phát huy được hiệu quả, thậm chí nhiều nơi còn trở thành địa điểm tập kết rác thải, nơi trú chân cho người vô gia cư, Sở GTVT cho biết do thói quen nên nhiều người dân vẫn không sử dụng cầu bộ hành. Đa số người dân giữ thói quen băng đường cho nhanh và tiện dù biết không an toàn.

cau-bo-hanh-8.jpg
Kim tiêm trên cầu vượt số 3.

Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm phạm vi xung quanh cầu vượt bộ hành để buôn bán, kinh doanh ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của người có nhu cầu. Ngoài ra, một bộ phận người dân không có ý thức giữ gìn vệ sinh trên cầu và xung quanh khu vực cầu dẫn đến mất vệ sinh chung dù cơ quan chức năng thường xuyên cho dọn dẹp.

Một số cầu bộ hành vắng người còn có tình trạng các đối tượng tụ tập, sử dụng trái phép các chất kích thích, gây tâm lý e ngại cho người dân.

đi bộ sai ở TP.HCM
Người đi bộ băng ngang qua đường dù có lối dành cho người đi bộ.

Trước thực trạng trên, Sở GTVT cho biết đã đề nghị UBND các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về việc giữ gìn vệ sinh, trật tự khi sử dụng cầu bộ hành, tuân thủ Luật Giao thông đường bộ.

Đơn cử như không được băng đường tại những nơi không cho phép nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho bản thân và người tham gia giao thông khác. Đồng thời, các địa phương cần chỉ đạo lực lượng liên quan tăng cường kiểm tra về việc chấp hành Luật giao thông đường bộ trật tự an ninh và vệ sinh môi trường… đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tăng cường xử phạt người đi bộ sai

Phòng Cảnh sát giao thông TP.HCM, Công an TP.HCM cho biết hiện nay lực lượng CSGT đã và đang tăng cường xử phạt người đi bộ sai vị trí, băng qua đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đồng thời, lực lượng CSGT cũng tích cực tuyên truyền người dân tuân thủ Luật Giao thông đường bộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm