Đề nghị Bộ Công an làm rõ vụ tống tiền lãnh đạo Đoàn ĐBQH

Cụ thể, báo chí đặt câu hỏi: "Thời gian gần đây, nhiều lãnh đạo Văn phòng các đoàn ĐBQH hàng loạt tỉnh nhận tin nhắn đe doạ và bị yêu cầu đưa 100 triệu đồng, VPQH có nhận thông tin này chưa, có yêu cầu Bộ Công an vào cuộc làm rõ?"

Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc tại buổi họp báo

"Sau khi nhận thông tin trên báo chí, tôi có giao cho Vụ Tổ Cán bộ kiểm tra thông tin. Sáng nay (18-10), tôi nhận 2 báo cáo từ 2 văn phòng đúng như thông tin báo chí nêu"- Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Qua nắm thông tin, Tổng thư ký QH cho biết, có chi tiết rất lạ là các tin nhắn đe doạ, đòi tiền đều có địa chỉ, số tài khoản cụ thể. Điều này rất mâu thuẫn.

“Tôi đã có văn bản gửi Bộ Công an xác minh thông tin này nên chờ cơ quan chuyên môn xác minh cụ thể” – Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định và cho biết thêm, một số người khác cũng nhận được tin nhắn tương tự từ lâu chứ không phải bây giờ mới có, trong đó có người đã nghỉ hưu.

Trước đó, Chánh văn phòng đoàn ĐBQH TP. Hà Nội Nguyễn Trường Sơn và một số tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế... cho biết: Tối 15-10, họ nhận được tin nhắn đe dọa, tống tiền 100 triệu đồng từ một số điện thoại lạ, nội dung tin nhắn tương tự nhau. Ngay sau đó, họ đã trình báo công an để điều tra.

Các tin nhắn này đều có chung STK: 060195701256 Sacombank.

Cũng tại buổi họp báo, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Ông giải thích: Vừa qua, Chủ tịch QH nhắc quá trình họp tránh việc gặp gỡ, giao lưu, tiệc tùng rất phản cảm. Vì vậy Chủ tịch Quốc hội yêu cầu từ nay trở đi, các kỳ họp không có giao lưu gì cả. Kỳ họp này lại liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu và phê chuẩn nên càng làm nghiêm.

Cũng liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm, một số báo nêu câu hỏi: Chương trình dự kiến lần đầu sẽ thực hiện vào giữa kỳ họp nhưng nay đẩy lên đầu kỳ, lý do vì sao? Phải chăng để tránh tình trạng lobby trước khi lấy phiếu tín nhiệm?

Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, việc lấy phiếu tín nhiệm được đẩy lên sớm, ngày 22-10 khai mạc thì ngày 24-10 lấy phiếu tín nhiệm luôn.

“Chúng tôi tham mưu chương trình việc lấy phiếu tín nhiệm trước khi chất vấn”- Ông Phúc nói và cho biết, việc chất vấn chỉ tiến hành một số thành viên chính phủ có liên quan đến nội dung trong nghị quyết chuyên đề giám sát của chất vấn. Trong khi lại lấy phiếu tín nhiệm đối vơi tất cả các thành viên Chính phủ (trừ Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông mới được bầu).

Ông Phúc cho rằng, nếu QH chất vấn trước sẽ dễ dẫn đến cách hiểu rằng người được chất vấn có thể nội dung nọ, nội dung kia không hoàn thành... Vì vậy việc lấy phiếu tín nhiệm trước khi chất vấn là để tạo công bằng. Nếu lấy phiếu tín nhiệm trước thì đều như nhau, căn cứ vào quá trình công tác 3 năm, căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ thế nào...

Ngoài ra, ĐBQH còn căn cứ vào các kỳ tiếp xúc cử tri, theo dõi qua hoạt động của những người được lấy phiếu để đánh giá. “Chúng tôi gửi sớm toàn bộ hồ sơ đánh giá lấy phiếu tín nhiệm trước 30 ngày để ĐBQH có thời gian nghiên cứu sớm”- ông Phúc cho biết thêm.

“Trong số các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm có 18 vị là thành viên của UB Thường vụ QH. Liệu việc lấy phiếu của khối QH có lợi thế hơn các khối khác?”- các báo tiếp tục nêu câu hỏi.

“Bản thân tôi cũng là đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm, có ưu tiên gì không tôi không biết nhưng danh sách lập như nhau. ĐBQH đánh giá ở góc độ hoàn thành nhiệm vụ của từng chức danh khác nhau, các thành viên UBTVQH khác với Chính phủ, khác với Thủ tướng. ĐBQH nắm hết, không ưu tiên ai cả và cũng không có cơ sở gì ưu tiên ai cả. Tôi nghĩ là đánh giá công bằng”- ông Phúc nói.

Báo Tuổi trẻ hỏi: UBTVQH quyết định loại Luật hành chính công ra khỏi chương trình làm việc. Đây là dự án được đề xuất bởi ĐBQH Trần Thị Kim Khánh. Dự án này được đề nghị đưa vào, rút ra nhiều lần. Trước khi  bị loại khỏi chương trình, dự án Luật này đã làm tốn khá nhiều thời gian của nhiều người và nhận chi phí tiền tỉ từ ngân sách nhà nước?

+Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Dự án Luật hành chính công là sáng kiến lập pháp đầu tiên của ĐBQH được chấp nhận. Quốc hội rất hoan nghênh một đại biểu có sáng kiến luật, nhất là lại của một đại biểu nữ. Dự án luật được xây dựng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL. UBTVQH cho ý kiến tại hai phiên họp, ghi nhận tâm huyết và trách nhiệm của Trưởng ban soạn thảo, các thành viên ban soạn thảo cũng đã đầu tư công phu khi xây dựng dự án Luật này.

Tuy nhiên, sau khi xem xét, thảo luận kỹ lưỡng các mặt, UBTVQH thấy nội dung dự án luật không bảo đảm điều kiện trình ra QH, chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra... Quá trình soạn thảo dự án Luật kéo dài nên nhiều nội dung đặt ra đã được QH, CP nghiên cứu, thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật ban hành thời gian qua.

Tại phiên họp 27 vừa rồi, UBTVQH rất hoan nghênh nhưng cũng đề nghị ban soạn thảo giao lại cho VPQH, làm tài liệu cho các ĐBQH, chuyên gia để nghiên cứu, tham khảo... Đây là tài liệu nghiên cứu rất tốt, không có gì lãng phí cả. 

  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm