Ngày 15-9, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk về tình hình phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện các nghị quyết của Trung ương và Chính phủ về xây dựng nông thôn mới, kinh tế tập thể và sắp xếp, đổi mới, phát triển các nông lâm trường.
Tại buổi làm việc, số liệu của UBND tỉnh Đắk Lắk cho thấy sau chín tháng, tổng sản phẩm xã hội của Đắk Lắk ước đạt 36.700 tỉ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ. Dự kiến hết năm 2019 tốc độ tăng trưởng sẽ khoảng 9%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu ngân sách trên địa bàn đã đạt trên 4.900 tỉ đồng, bằng 90% kế hoạch Trung ương giao, cao hơn bình quân chung cả nước.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, việc xây dựng nông thôn mới của Đắk Lắk chậm so với tỉnh khác và khu vực khác khi mới đạt hơn 28% số xã nông thôn mới và bình quân tiêu chí nông thôn mới được 14,08 tiêu chí, thấp hơn bình quân cả nước là 15,02 tiêu chí.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc tại Đắk Lắk ngày 15-9. Ảnh: VGP/THÀNH CHUNG
Trong lĩnh vực sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp, Đắk Lắk là địa phương có nhiều công ty loại này nhất cả nước với 25 công ty thuộc UBND tỉnh, 21 đơn vị thuộc các công ty nông lâm nghiệp Trung ương.
"Tổng Công ty Cà phê Việt Nam có 17 công ty và hai chi nhánh ở Đắk Lắk nhưng hiện nay chưa hoàn thành sắp xếp. Sáu công ty nông lâm nghiệp khác có 100% vốn nhà nước giữ 64.000 ha rừng tự nhiên nhưng chưa thay đổi gì về quản trị", ông Tuấn nói.
Để góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn, ông Hà Công Tuấn đề nghị Trung ương tiếp tục bố trí 400 tỉ đồng còn lại từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 cho Đắk Lắk.
Về định hướng phát triển của Đắk Lắk thời gian tới, ông Tuấn cho rằng Đắk Lắk vẫn phải là sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và du lịch.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng diện tích đất các công ty nông lâm nghiệp giữ lại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn còn cao, chiếm 82,6%. Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh tiếp tục rà soát lại số này và thúc đẩy việc ban hành phương án sử dụng đất nông lâm nghiệp đã thu hồi để cấp đất ở, đất sản xuất cho người dân.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ nếu Tây Nguyên là địa bàn chiến lược trong bảo đảm an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế đất nước thì Đắk Lắk là địa bàn “chiến lược của chiến lược”, phải trở thành thủ phủ của Tây Nguyên dựa trên thế mạnh về sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, du lịch và bảo tồn văn hóa truyền thống.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục phê duyệt phân bổ vốn chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng chỉ đạo của Chính phủ để Đắk Lắk sử dụng kịp thời cho xây dựng nông thôn mới.