Độc đáo mô hình hội quán nông thôn mới ở Đồng Tháp

Sáng nay (14-9), tại Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, đã chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long thực hiện xây dựng nông thôn mới 2010-2019.

Theo số liệu tại hội nghị, đến hết tháng 7-2019, cả hai vùng đã có 874/1.731 xã (50,49%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tương đương với tỉ  lệ bình quân chung của cả nước 50,8%). 

Trong đó, vùng Đông Nam bộ có 311/445 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 69,89%, tăng 35,8% so với cuối năm 2015). Vùng đồng bằng sông Cửu Long có 563/1.286 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 43,78%, tăng 30,88% so với cuối năm 2015).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP

Là tỉnh còn nghèo nhưng Đồng Tháp nổi lên là một trong những địa phương tiêu biểu của vùng và cả nước về xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là mô hình hội quán.

Với hơn 80 hội quán, 4.300 thành viên đã giúp nông dân liên kết mua chung bán chung, giảm chi phí, nâng cao giá trị hàng hóa, giúp địa phương làm du lịch nông thôn, truyền thông các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. 

“Chúng tôi suy nghĩ là dân góp bao nhiêu tiền và đất mà là người dân đứng lên làm chủ làng xóm của mình qua mô hình hội quán. Nghèo đói có nguyên nhân một phần là do người nông dân lủi thủi làm ăn một mình, đèn ai nhà nấy rạng, ruộng ai nhà nấy làm là như vậy” - ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, bày tỏ.

Từ mô hình này, tỉnh Đồng Tháp đang phối hợp với Bộ KH&CN xây dựng đề án “Làng thông minh” giúp người nông dân tự tìm hiểu về nhu cầu giáo dục, kết nối làm ăn, học hành và chuyển tải tinh thần của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao các kết quả xây dựng nông thôn mới của hai vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long với nhiều cách làm hay, đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng, huy động hợp lý đóng góp của người dân.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển hạ tầng, liên kết các khu vực kinh tế, việc thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) còn chậm, những thách thức từ biến đổi khí hậu đối với sự phát triển nhanh và bền vững, đời sống của người dân.

Do vậy, thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương trong quá trình triển khai tiếp tục thực hiện thực chất xây dựng nông thôn mới trên tinh thần “tam nông là chiến lược, xây dựng nông thôn mới là căn bản, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt và vai trò của người nông dân là chủ thể” của Nghị quyết số 26/NQ-TW của Trung ương khóa X.

"Chính phủ sẽ tiếp tục phân cấp mạnh hơn cho địa phương quyết định các tiêu chí nông thôn mới. Ví dụ vùng đồng bằng sông Cửu Long, nếu xã đã có chợ nổi thì không cần thiết bộ tiêu chí phải quy định phải có chợ trên bờ, hay ý kiến của tỉnh Đồng Nai về xác định lại tiêu chí của xã thuần nông và xã ven đô..." -Phó Thủ tướng cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm