Đề nghị cấm đốt pháo hoa dịp Tết: Không hợp lòng dân!

(PLO)- Bạn đọc cho rằng việc cho phép người dân được đốt pháo hoa trong khuôn khổ quy định như hiện nay là hoàn toàn đúng đắn, hợp lòng dân, không nên cứ thấy cái gì khó quản lý là lại quay ra cấm thực hiện.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, PLO có bài: “Đại biểu đề nghị cấm đốt pháo hoa dịp Tết vì 'không mang lại lợi ích gì'”, thông tin về phiên thảo luận dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi vào sáng 3-6 của Quốc hội.

Trong đó, đáng chú ý là đề xuất dừng cho phép mua, bán, phân phối pháo hoa của Phó đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc, vì việc này không mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt mà còn đe dọa đến an toàn cháy nổ.

Đề nghị cấm đốt pháo hoa nêu trên đã nhận về nhiều ý kiến của các bạn đọc.

Đốt pháo dịp Tết là phong tục mang giá trị tinh thần

"Tôi cho rằng việc đốt pháo hoa đem lại rất nhiều ý nghĩa về mặt tinh thần cho người dân trong các dịp lễ hội và ngày Tết cổ truyền. Nó là giá trị văn hóa, là nét đẹp tinh thần nên giữ lại. Không thể lấy việc đốt pháo hoa không giúp phát triển kinh tế để cấm được, vì nó có mang lại giá trị kinh tế cho đơn vị sản xuất, từ đó tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, còn kích cầu tiêu dùng, mua sắm dịp Tết. Nếu quản lý chặt chẽ và bài bản đồng bộ thì doanh thu từ pháo hoa không hề nhỏ” - bạn đọc Trần Văn Cảnh chia sẻ.

 cấm đốt pháo hoa
Người dân tập trung tại công viên Bến Bạch Đằng chờ xem bắn pháo hoa. Ảnh: THUẬN VĂN

“Nên có thống kê rõ ràng, nếu các trường hợp cháy nổ thật sự nhiều thì cấm, còn trong tầm kiểm soát thì đây sẽ trở thành một nét văn hoá thu hút du lịch chứ không hẳn là không có giá trị kinh tế. Ví dụ như những địa điểm tổ chức bắn pháo hoa sẽ thúc đẩy nhiều người đến xem, đồng thời các dịch vụ đi kèm như ăn uống, du lịch cũng tăng theo. Theo tôi, không nên cấm triệt để mà chỉ nên siết chặt quản lý thôi” - bạn đọc Trung Kiên góp ý.

Còn theo bạn Thanh Trúc: Tôi không đồng tình với quan điểm "không mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt". Pháo hoa là mặt hàng đặc thù, chỉ vào những dịp lễ lớn của đất nước hoặc sự kiện vui mừng người dân mới có nhu cầu mua và sử dụng, nó đâu phải mặt hàng tiêu dùng thông thường mà có thể mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Một trong những mục đích của đốt pháo hoa có sự cho phép cũng để đẩy lùi nạn buôn bán và sử dụng pháo hoa nhập lậu. Năm nào cũng có mấy vụ thương tích vì mấy loại pháo nhập lậu ấy cả.

“Ngoại trừ lý do an toàn cháy nổ và khó kiểm soát an ninh, trật tự thì tôi thấy các lý do khác đều không thuyết phục. Về kinh tế thì đốt pháo hoa cũng như mua cành hoa về chưng thôi, nó mang lại lợi nhuận cho bên sản xuất. Còn việc bắn pháo hoa tập trung thì chỉ phục vụ người dân trong thành phố thôi. Mặc dù được đề cập là “đã được các địa phương và cơ quan chức năng tổ chức tập trung” nhưng mà ở huyện mình không hề có pháo hoa. Năm rồi có pháo BQP là dân tự bắn nên mới có một xíu cái gọi là không khí Tết. Đâu phải địa phương nào cũng đủ điều kiện kinh tế để tổ chức bắn pháo hoa tập trung” - bạn đọc Anh Thư bộc bạch.

“Tôi thấy có nhiều người than phiền việc ô nhiễm tiếng ồn khi pháo nổ. Nếu mà xét về độ ồn ào thì pháo hoa chả là gì so với hát rong, karaoke ở hộ gia đình. Những cái đó còn diễn ra hằng ngày hàng giờ, còn pháo hoa chỉ dịp lễ Tết mới có, cơ bản nó cũng chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn chứ không kéo dài. Đối với nhiều người thì nó mang lại giá trị tinh thần cao chứ không phải vô nghĩa” - bạn đọc Linh Hương phân tích.

Không cấm nhưng cần có những quy định cụ thể

“Thiết nghĩ nên quy định một số khu vực và cả khung giờ được phép đốt pháo. Trên hộp pháo cũng nên có hướng dẫn quy định phòng trừ cháy nổ, người dân thực hiện đốt pháo cần tuân thủ hướng dẫn và quy định này. Chủ yếu nên đốt tại khu vực trống trải, tránh xa đường dây điện, thiết bị vật liệu dễ cháy nổ như xăng, xe... vì tôi thấy dân chả ai quan tâm phòng cháy khi đốt pháo cả. Tốt nhất khi đốt cần trang bị sẵn những thiết bị PCCC tại chỗ nữa, bỏ ra được 500k tiêu trong một phút thì bỏ thêm 500k để chống cháy cũng không có gì khó” - bạn đọc Đình Phong hiến kế.

Đồng quan điểm với ý kiến trên, bạn đọc Thu Nhi cũng cho rằng: Nên tập trung tuyên truyền, phổ cập rõ ràng về phòng cháy, đốt như thế nào và đốt ở đâu để đảm bảo an toàn thì hay hơn. Bản thân mỗi người dân khi sử dụng đã phải ý thức được sự nguy hiểm và chú ý đến những rủi ro tiềm ẩn rồi. Thay vì cấm đoán thì chúng ta nên hướng dẫn cách sử dụng an toàn và các biện pháp xử lý sự cố cho người dân.

“Pháo hoa tầm thấp (không nổ) là loại pháo an toàn do Bộ Quốc phòng sản xuất dùng 2-3 năm nay không xảy ra sự việc mất an toàn nào. Tôi ủng hộ nên giao thêm cho các đơn vị thuộc Bộ quốc phòng, Bộ công an thực hiện tăng quy mô sản xuất phục vụ cho nhu cầu của người dân. Nếu giao cho các cơ sở sản xuất khác thì sẽ khó kiểm soát được chất lượng pháo. Nên nhìn nhận rõ ràng về quy trình sản xuất pháo rất nghiêm ngặt từ khâu sản xuất, phân phối, PCCC.

Hiện nay có nhiều loại pháo hoa lậu nhập từ Thái Lan, Trung quốc về. Các loại này bắt chước mẫu pháo hoa của Bộ Quốc phòng nhưng vi phạm về tiếng nổ và bắn tầm cao hơn. Việc cấm chỉ làm cho việc vận chuyển và buôn bán pháo lậu ngày càng tinh vi hơn thôi. Lâu nay vẫn còn nhiều vụ thương tích nặng do sử dụng pháo lậu không an toàn, nên hợp pháp hóa việc sử dụng và quản lý chặt chẽ hơn là cấm” - bạn đọc Nguyễn Vân chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm