Như PLO đã thông tin, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tin học Tuấn Minh đã ban hành một văn bản với nội dung: "Từ ngày 27-5 việc hoạt động thiện nguyện của doanh nghiệp này sẽ chuyển sang phương thức hiến máu nhân đạo, hoặc hỗ trợ bữa ăn cho các bệnh nhân ung thư tại các bệnh viện K trên địa bàn Hà Nội”, gây xôn dư luận.
Trao đổi với PLO, giám đốc doanh nghiệp này thừa nhận một số từ sử dụng trong văn bản này hơi có sự cực đoan.
Liên quan đến câu chuyện này, bạn đọc cũng bày tỏ nhiều quan điểm.
Ủng hộ quyết định của doanh nghiệp
“Tôi rất ủng hộ, công ty này đã đưa ra một quyết định đúng đắn trong thời điểm hiện nay. Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên nhìn nhận rõ, nếu không xử lý triệt để các cá nhân vi phạm để lấy lại uy tín của người dân, sắp tới gần như tất cả các doanh nghiệp sẽ từ bỏ chùa. Sự minh bạch, trung thực và nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và nghiêm minh mới là điều dân cần”, bạn đọc Hồng Ngọc bày tỏ.
“Đồng tiền bỏ ra dù lớn hay nhỏ nếu dùng vào việc hữu ích sẽ phát huy giá trị, không sử dụng đúng mục đích thì lại là mất đi. Tôi rất đồng tình với quyết định của công ty này. Ngoài xã hội hiện nay vẫn còn rất nhiều những mảnh đời bất hạnh, cơ cực cần được giúp đỡ, như vậy thiết thực hơn nhiều so với đi chùa”, bạn đọc Toàn Trần góp ý.
“Cá nhân tôi ủng hộ vấn đề nên đi từ thiện và hiến máu. Đây là chủ đề có tính nhân văn giữa người với người và cũng được xem là một cách “tu” mà chúng ta nhìn thấy được giá trị thực tại mang lại. Một suất cơm từ thiện, một lượng máu được hiến tặng cũng là một cách tu!”, bạn đọc Phương Thảo bộc bạch.
“Một việc làm đã phản ánh được thực trạng hiện nay. Điều này có những hướng tích cực nhất định và giáo hội Phật giáo phải có biện pháp mạnh mẽ với những người có chủ trương làm xấu đạo Phật để tránh những hiểu lầm đáng tiếc, gây chia rẽ về mặt tôn giáo”, bạn đọc Hoàng Vũ nhận xét.
Nên điều chỉnh lại câu từ cho phù hợp
“Tôi ủng hộ quyết định của công ty này, tuy nhiên họ nên sử dụng từ ngữ cẩn thận hơn. Điều này có thể gây hiểu lầm cho những người theo Phật giáo vì từ ngữ có dụng ý cấm đoán, mà tôn giáo là quyền tự do của con người mà phạm phải thì sẽ không có kết quả tốt đẹp”, bạn đọc Võ Minh chia sẻ.
“Về phần quyết định thì công ty rất sáng suốt, nhân văn. Tuy nhiên vẫn cần xem lại mặt câu, từ vì chứa yếu tố hơi nhạy cảm về vấn đề tôn giáo, dễ gây bất đồng quan điểm. Tôi chúc công ty sẽ phát triển thành công và nếu có những văn bản đưa ra những quyết định về xã hội như vậy thì nên chú ý về câu, từ trong văn bản để tránh hiểu nhầm như văn bản vừa rồi”, bạn đọc Nhật Khoa phân tích.
Ngoài các ý kiến trên, bạn đọc Hoàng Đăng cũng cho rằng: “Đi chùa, cúng dường là tự do cá nhân! Công ty có quy định riêng của họ miễn không trái luật doanh nghiệp và các luật khác. Còn việc bắt bẻ câu chữ thì không nên, chỉ góp ý để họ sửa cho tròn nghĩa bởi văn bản này là nội bộ. Đi chùa, cúng dường có phải bây giờ mới có đâu nhưng từ khi thị trường nhất là sau phong trào chùa to tượng lớn việc này mới gây nên bức xúc cho xã hội".