Ngày 20-4, Cơ quan thường trực Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng (cơ quan thường trực) báo cáo cho Hội đồng kiểm tra nhà nước về dự án cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo.
Theo đó, Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận với hình thức đối tác công tư, khởi công từ 30-11-2021.
Đến nay, doanh nghiệp dự án đã tổ chức thực hiện công tác nghiệm thu hoàn thành đối với các hạng mục công trình; các nhà thầu liên quan đã hoàn thành các báo cáo đánh giá về công trình.
Cơ quan thường trực và tổ chuyên gia đã tổ chức tám đợt kiểm tra hiện trường từ tháng 4-2022 đến nay.
Đoàn công tác của hội đồng đã chỉ ra nhiều nội dung tồn tại liên quan đến công tác quản lý chất lượng công trình từ khảo sát, thiết kế đến công tác thi công nghiệm thu như góp ý về quy trình thi công, biện pháp tổ chức thi công các hạng mục công trình.
Căn cứ kết quả kiểm tra trong quá trình thi công và khi hoàn thành công trình, về cơ bản các công trình gồm nền, mặt đường tuyến chính, các công trình cầu, hầm Núi Vung, hai nút giao Du Long và nút giao Phan Rang, hệ thống thoát nước, hệ thống an toàn giao thông thuộc dự án đã được thi công theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt.
Theo đánh giá của chuyên gia hội đồng, các hạng mục công trình được thi công xây dựng cơ bản tuân thủ theo yêu cầu thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật.
Các kết quả thí nghiệm, kiểm định chất lượng cho thấy công trình cầu, đường của cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo cơ bản đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của thiết kế.
Ngày 19-4-2024, qua rà soát hiện trường, hồ sơ hoàn thành công cho thấy: Mái dốc phía Bắc hầm Núi Vung vẫn còn đang thi công hoàn thiện
Việc gia cố, bảo vệ bề mặt tại một số cầu vượt trực thông chưa hoàn thành; một số gối cầu và khe co giãn chưa được vệ sinh sạch; trên tuyến còn một số điểm chưa đóng hộ lan, hàng rào (do còn đang thực hiện một số công tác sửa chữa, dọn dẹp mặt bằng).
Một số hầm chui dân sinh (phân đoạn Km54-00-Km92+260) chưa lắp đặt biển báo và sơn vạch ở hai bên; hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện; lớp mặt bê tông nhựa chặt 16 chưa đáp ứng hết yêu cầu kỹ thuật về độ rỗng dư và thành phần hạt.
Về độ bằng phẳng của mặt đường, có một số vị trí trên cầu (các cầu số 4, số 6, số 10 và số 12) không đạt yêu cầu (theo kết quả đo của nhà thầu thi công).
Vị trí lắp đặt camera tại Km56+00 và Km58+00 không đảm bảo quan sát được hết phạm vi cần thiết, vẫn có điểm mù, không quan sát được trên tuyến chính.
Ta luy nền đường đào đá theo phương pháp nổ mìn hiện đã hoàn thiện; tuy nhiên, đoạn Km55-Km58, Km61+500, Km75 vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ đá lăn, rơi…
Theo thiết kế được phê duyệt vận tốc thiết kế 80Km/h, tuy nhiên theo các văn bản của Bộ GTVT về điều chỉnh tăng tốc độ khai thác tối đa cho phép trên tuyến chỉnh cao tốc của dự án này lên tốc độ 90Km/h.
“Để đảm bảo an toàn giao thông thì tốc độ khai thác tối đa 90Km/h chỉ nên áp dụng với xe con, xe tải dưới 3,5 tấn, xe ô tô chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt) như tham khảo theo Điều 7 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT ngày 29-8-2019”, báo cáo này đề xuất..
Đối với đề xuất này, nguồn tin của PLO cho biết, Bộ GTVT sẽ xem xét và có quyết định sớm trước ngày cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo đưa vào khai thác, dự kiến ngày 30-4.
Căn cứ kết quả các đợt kiểm tra công trình, biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, cơ quan thường trực nhận thấy có thể chấp thuận có điều kiện đối với kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình của chủ đầu tư để đưa công trình vào khai thác sử dụng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp dự án và các nhà thầu có trách nhiệm hoàn thành khắc phục, giải trình đầy đủ các nội dung đã nêu và báo cáo kết quả về hội đồng.
Đối với nút giao liên thông Thuận Nam trên cao tốc (mới hoàn thành cầu vượt trực thông ĐT.709, chưa thực hiện các đường dẫn để kết nối với tuyến chính): Kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo sớm hoàn thành nút giao này để phát huy hiệu quả của dự án.