Sáng 14-9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác phòng ngừa tham nhũng trong một số ngành, lĩnh vực, địa phương vẫn còn những hạn chế nhất định.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: quochoi.vn
Còn việc người có chức vụ “bảo kê” cho vi phạm pháp luật
Đáng chú ý, việc thực hiện quy tắc ứng xử và kiểm soát xung đột lợi ích trên một số lĩnh vực còn chưa thực sự chuyển biến. Công tác thanh tra, kiểm tra và qua phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí cho thấy còn nhiều trường hợp thực hiện quy tắc ứng xử chưa nghiêm, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp.
“Tình trạng người có chức vụ, quyền hạn “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra...”- bà Nga nói.
Theo báo cáo thẩm tra, việc cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật để nhũng nhiễu, gây phiền hà nhằm vụ lợi khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp vẫn xảy ra khá phổ biến. Thậm chí, có những trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi tham nhũng.
Báo cáo thẩm tra dẫn chứng vụ án xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội; vụ việc chiếm đoạt tiền tạm ứng khám chữa bệnh xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Thốt Nốt, TP Cần Thơ… là ví dụ.
Cũng theo Uỷ ban Tư pháp, việc cải cách, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hành chính để phòng ngừa tham nhũng ở một số nơi còn gặp khó khăn, vướng mắc, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, tiến độ đề ra. Tổ chức bên trong ở một số bộ, cơ quan ngang bộ còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian; chức năng, nhiệm vụ được giao vẫn còn có trường hợp chưa phù hợp hoặc có sự chồng chéo.
Đáng chú ý, việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, kể cả đối với vị trí chủ chốt ở bộ, ngành, địa phương trong một số trường hợp còn chưa thật sự phù hợp, dẫn đến còn có trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật, thậm chí phải xử lý hình sự.
Kết quả giám sát, phản ánh của dư luận cử tri và báo chí cho thấy việc quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua còn có một số trường hợp bổ nhiệm “thần tốc”, thiếu minh bạch; bổ nhiệm cán bộ thiếu điều kiện, tiêu chuẩn… đã gây phản cảm, hoài nghi trong dư luận.
Đối tượng tham nhũng bỏ trốn, gây bức xúc trong dư luận
Uỷ ban Tư pháp đánh giá kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng “chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng”. Việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới là khâu yếu tồn tại nhiều năm, nhưng vẫn chưa được khắc phục.
Phiên họp của UBTV Quốc hội. Ảnh: CTV
Đặc biệt, vẫn còn đối tượng phạm tội tham nhũng bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý, gây bức xúc trong dư luận.
Báo cáo của cơ quan thẩm tra dẫn các trường hợp bị can Vũ Đình Duy bị truy nã đặc biệt về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex); bị can Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) bị truy nã quốc tế về các tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Hay bị can Hồ Thị Kim Thoa bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, khi bị khởi tố không có mặt tại địa phương...
Cạnh đó, vẫn còn tình trạng tham nhũng ngay trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp, cơ quan có chức năng chống tham nhũng như vụ “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại TAND quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội; vụ “Nhận hối lộ” xảy ra Công an huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre... làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; phối hợp với cơ quan hữu quan nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng… để tăng cường hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Cũng theo báo cáo thẩm tra, năm 2019, Uỷ ban Tư pháp đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành đánh giá, nhận diện về tình trạng “tham nhũng vặt”, tham nhũng dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tham nhũng trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng để có giải pháp phòng, chống…
“Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện các kiến nghị trên của Ủy ban Tư pháp”- Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nói.