Xử nghiêm cán bộ chống tham nhũng lại đi tham nhũng

Sáng 3-12, tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM gồm ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM; Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa, Chính ủy Bộ tư lệnh TP.HCM và ông Lâm Đình Thắng, Phó Bí thư Quận ủy quận Bình Thạnh, đã có buổi tiếp xúc với cử tri ba quận 1, 3 và 4 (TP.HCM).

Tội phạm tham nhũng phải bị xử mức án cao nhất

Tại buổi tiếp xúc, nạn tham nhũng được cử tri các quận này đặc biệt quan tâm. Bà Đặng Kim Hương (cử tri quận 4) cho rằng tệ nạn tham nhũng còn rất nghiêm trọng, gây bức xúc và giảm sút niềm tin trong nhân dân.

“Các lĩnh vực như cổ phần hóa doanh nghiệp, mua bán tài sản công… cứ nơi nào tài sản có giá trị lớn thì sẽ có tham nhũng. Tôi kiến nghị không đặc xá, không giảm án và tuyên mức án cao nhất đối với tội phạm tham nhũng” - bà Hương nói.

Ông Nguyễn Xuân Cường (cử tri quận 3) cũng cho rằng đối với tham nhũng, cần xác định rõ nguyên tắc nếu cán bộ không chứng minh được nguồn gốc tài sản của mình thì tài sản đó được xem là tài sản bất minh, tài sản tham nhũng. Ông đề nghị cần thực hiện nghiêm túc việc kê khai tài sản bởi thực tế từ trước đến nay chưa có vụ tham nhũng nào được phát hiện từ việc kê khai tài sản. Cạnh đó, cần xử nghiêm những cán bộ tham nhũng là “quan lớn” trước để làm gương. “Cử tri rất cần những đầy tớ trung thành của nhân dân chứ không cần những ông quan ngồi trên dân” - ông Cường nói.

Chia sẻ với cử tri, ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, đã ghi nhận các ý kiến của cử tri và cho biết sẽ chuyển lên Quốc hội, các cơ quan trung ương có thẩm quyền. Ông cho rằng không gì tệ hơn nếu cán bộ ở các cơ quan có trách nhiệm phòng, chống tham nhũng lại đi tham nhũng. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định sẽ xử lý nghiêm các cá nhân ở cơ quan chống tham nhũng mà tham nhũng.

Với ý kiến xử tội tham nhũng với mức án cao nhất, ông Trần Lưu Quang cho biết tội tham nhũng cũng có khung án tử hình. “Từ đầu nhiệm kỳ đến giờ, đã có một người từng là ủy viên Bộ Chính trị bị xử tù và nhiều tướng lĩnh, cán bộ cao cấp bị xử lý” - ông Quang nói và cho rằng chưa bao giờ công tác phòng, chống tham nhũng lại được đẩy mạnh và làm nghiêm túc, quyết liệt như thời gian qua.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng đã nói chưa bao giờ có sự lơi là, dừng lại. Nhưng để kết tội một ai tham nhũng cần có sự cẩn trọng để tránh oan sai.

Theo ông Quang, việc chống tham nhũng sẽ hiệu quả hơn khi việc kê khai tài sản được thực hiện đúng quy định. “Ở nước ngoài, hầu như mọi giao dịch được thực hiện qua thẻ, không dùng tiền mặt nên ai tham nhũng là biết liền, kiểm soát tài sản cán bộ cũng dễ hơn” - ông Quang chia sẻ.

Đại biểu Quốc hội, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang đang trao đổi với các cử tri. Ảnh: T.LÂM

Xử lý rất nghiêm ấn phẩm có đường lưỡi bò

Ngoài vấn đề tham nhũng, cử tri ba quận ở TP.HCM cũng đề cập đến tình hình biển Đông, nhất là sau vụ việc bộ phim Người tuyết bé nhỏ được công chiếu, hình đường lưỡi bò xuất hiện trong phim đã gây phẫn nộ trong dư luận. Cử tri Hoàng Tuyết Mai cho rằng chiến lược cài cắm đường lưỡi bò là rất rõ ràng. “Không thể có chuyện ngẫu nhiên đường lưỡi bò xuất hiện trên các vật dụng đưa vào Việt Nam” - bà Mai nói và đề nghị cần có chiến lược và giải pháp để người dân có thể ứng xử một cách phù hợp khi phát hiện các sản phẩm, phim ảnh có cài cắm đường lưỡi bò.

Chia sẻ với cử tri, ông Trần Lưu Quang cho biết sự bức xúc của người dân về biển Đông là có thật. “Chúng ta cần phải lên tiếng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ở biển Đông. Kỳ họp Quốc hội lần này cũng đã dành một buổi để nghe về tình hình biển Đông. Tuy nhiên, việc lên tiếng bảo vệ chủ quyền cần phải phù hợp với thông lệ quốc tế và tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Vấn đề biển Đông là vấn đề phức tạp. Chúng ta không bao giờ muốn chiến tranh vì chúng ta đã quá đau khổ. Do đó, trong từng thời điểm, chúng ta có những giải pháp phù hợp để bảo vệ chủ quyền ở biển Đông” - ông Quang nói và cho rằng đã là người Việt Nam thì phải bảo vệ từng tấc đất, tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Liên quan đến vụ việc truyền bá bản đồ có đường lưỡi bò vào Việt Nam, ông Trần Lưu Quang cho biết vừa rồi ở TP.HCM, Công ty Lữ hành Saigontourist sử dụng một số ấn phẩm của đối tác ở Trung Quốc. Sau khi phát hiện, TP đã xử lý rất nghiêm. “Thường trực Thành ủy giao các sở, ngành chuyên môn tính toán lại những việc đã xử lý xem đã đủ liều lượng chưa, để có những động thái thích hợp, tiếng nói mạnh mẽ về việc này” - ông Quang nói.

Sẽ kiến nghị thí điểm chính quyền đô thị

Với ý kiến cử tri mong muốn được thí điểm mô hình chính quyền đô thị như Hà Nội, ông Trần Lưu Quang cho biết thực tế ở các TP lớn cũng đặt ra sự điều chỉnh pháp luật cho phù hợp. Như hai phường Bình Hưng Hòa A và Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) có dân số hơn 110.000 người, tương đương với quy mô lớn hơn một số huyện ở tỉnh nhỏ. Nhưng tổ chức bộ máy cũng chỉ ở cấp phường, công an chưa tới 40 người, trong khi công an huyện ở tỉnh khác thì khoảng 150 người. “Nếu áp dụng vào chung cả nước thì không phù hợp mà cần có cái riêng mà cụ thể là chính quyền đô thị. Sở Nội vụ đang tham mưu để trình UBND TP có ý kiến với Quốc hội cho phép làm” - ông Quang nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm