Ngày 20-10, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên phúc thẩm vụ án buôn lậu, làm giả giấy tờ, con dấu, tài liệu tại Công ty CP VN Pharma do bị cáo Nguyễn Minh Hùng (tổng giám đốc) cùng các đồng phạm thực hiện. Đại diện VKSND Cấp cao tại phiên tòa đã phát biểu quan điểm, đưa ra nhiều phân tích để bảo vệ các nội dung kháng nghị của mình trước đó.
Có dấu hiệu lọt người, lọt tội
Theo đại diện VKS, các bị cáo vì mục đích thu lợi nhuận cao mua thuốc từ 18 USD/hộp đã nâng khống lên 75 USD/hộp, bất chấp đạo đức, tính mạng người bệnh và pháp luật làm giả hồ sơ, tài liệu thuốc về bán ra thị trường.
Các bị cáo đã dùng thủ đoạn tinh vi tạo tính hợp pháp cho loại thuốc trị ung thư như ung thư trực tràng, ung thư đại tràng, ung thư vú… trong khi công ty sản xuất thuốc không có thật. Ngoài ra, các bị cáo còn sử dụng các con dấu, giấy tờ có hợp pháp hóa lãnh sự giả để hợp pháp hóa hồ sơ cho lô thuốc. Kết quả điều tra cho thấy Công ty Helix Canada là không có thực, mã số, mã vạch trên các hộp thuốc thu tại VN Pharma và Cục Quản lý dược đem kiểm tra trên hệ thống mã vạch toàn cầu quốc tế thì không tìm thấy thông tin nào về công ty bán thuốc.
Theo đại diện VKS, đây là hành vi tổ chức làm giả giấy tờ hồ sơ tinh vi với mục đích thu lợi bất chính. Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét đầy đủ là bỏ lọt hành vi phạm tội. Phần thẩm vấn tại phiên tòa đã làm rõ nhiều vấn đề nhưng để xác định đúng bản chất vụ án và từng hành vi thì vẫn cần hủy án để điều tra, xét xử lại.
Cụ thể, VKS nhận thấy cấp sơ thẩm bỏ lọt đối với bị cáo Hùng và bị cáo Võ Mạnh Cường về hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu. Các bị cáo bị cấp sơ thẩm xử tội làm giả con dấu, tài liệu thì cũng có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội.
Các bị cáo đang nghe đại diện VKS đề nghị hủy án. Ảnh: HY
Nhận định về trách nhiệm của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) trong việc cấp phép nhập khẩu thuốc, VKS cho rằng sự tắc trách trong việc cấp phép này có quan hệ nhân quả đối với vụ án. Vì vậy cần xem xét sự thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định và quản lý của đơn vị này mới thỏa đáng...
Cạnh đó, một phó tổng giám đốc VN Pharma và hai cá nhân khác biết rõ sự việc nhưng chưa bị xem xét trách nhiệm là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm...
Ngoài ra, trách nhiệm của nhân viên đơn vị hải quan cho thông quan cũng không thể bỏ qua khi lấy lý do rằng các bị cáo quá tinh vi nên không phát hiện. Nhưng qua xem xét hồ sơ thì thấy các cán bộ này có thể phát hiện hành vi gian dối của các bị cáo.
Giám định thuốc chưa khách quan
Cũng theo đại diện VKS tại tòa, kết quả giám định số thuốc tang vật của Bộ Y tế có mâu thuẫn, không phù hợp với quy định pháp luật và thực tế khách quan của vụ án. Chẳng hạn, đơn vị này tham gia giám định tư pháp chính lô thuốc mà mình cấp phép cho nhập là chưa đảm bảo tính khách quan.
Kết luận giám định có nội dung lô thuốc là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được dùng làm thuốc chữa bệnh cho người. Tuy nhiên, kết luận chỉ cho rằng đây là thuốc kém chất lượng mà không kết luận rõ là thuốc giả. Trong khi mục đích của các bị cáo nhập thuốc về là để chữa bệnh ung thư cho người. Vì vậy, theo VKS cần thiết phải trưng cầu giám định lại để đảm bảo tính khách quan và chính xác. Bởi kết luận giám định là một trong những chứng cứ quan trọng của vụ án.
Đối với khoản tiền chi hoa hồng, theo đại diện VKS cũng cần phải làm rõ. Bởi theo kết quả điều tra, giá trị lô thuốc nhập về chỉ hơn 5 tỉ đồng nhưng chi hoa hồng tới 7,5 tỉ đồng liệu có phù hợp, số tiền 7,5 tỉ đồng có phải chi hoa hồng cho những lô thuốc khác?
Trong phần tranh luận, luật sư (LS) của bị cáo Hùng cho rằng bị cáo đơn thuần chỉ là người mua nên không thể nào xác định rõ được đơn thuốc này là thật hay giả. Đối đáp lại với LS này, đại diện VKS nhấn mạnh: “Các LS đều đồng tình với quan điểm của chúng tôi trong việc vụ án còn có nhiều vấn đề cần phải làm rõ”.
Về quan điểm các LS cho là các bị cáo chưa phạm tội, VKS nói chưa thể kết luận các bị cáo có tội hay chưa mà chỉ đặt vấn đề vụ án cần phải điều tra làm rõ nhiều tình tiết. “Việc các bị cáo có oan hay không chúng tôi chưa đặt ra” - đại diện VKS nói.
Theo VKS, quá trình thu thập chứng cứ còn một số vấn đề phải làm rõ như việc xác minh Công ty Helix Canada là có thật hay không. Cần xác minh mã số, mã vạch trên thuốc H-Capita thu tại VN Pharma vì khi Cục Quản lý dược kiểm tra thì thấy không thuộc quốc gia nào. Tại phiên tòa, bị cáo Võ Mạnh Cường cho rằng có giấy ủy quyền và con dấu do Raymondo đưa nhưng tại văn bản điều tra bị cáo tự ký theo ủy quyền của Raymondo, điều này chưa được làm rõ...
LS còn cho rằng việc kháng nghị của VKS về việc xem xét tội danh làm giả con dấu, tài liệu của các bị cáo là không ổn. Cụ thể, LS của bị cáo Cường cho rằng nếu đề nghị hủy án để điều tra lại từ đầu thì không nên có quan điểm định hướng mà nên điều tra một cách toàn diện. Về việc có tồn tại Công ty Helix hay không thì có hai căn cứ là công văn xác minh của Bộ Ngoại giao và giấy xác nhận của Bộ Y tế.
Nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, bị cáo Hùng nói: “Tôi không buôn lậu hay làm giấy tờ giả, xin tòa xem xét. Đề nghị HĐXX xem xét lại mức án đối với các nhân viên Công ty VN Pharma, họ là những người làm công ăn lương”.
Dự kiến sáng 23-10, HĐXX sẽ tuyên án.
Hai chứng cứ mới của vụ án Tại phiên tòa, LS của bị cáo Cường cung cấp chứng cứ cho rằng Công ty Helix Canada có giấy phép hoạt động (cơ quan điều tra xác định công ty này không tồn tại ở Canada). Để chứng minh, vị LS nộp cho HĐXX Giấy phép số 28/BYT có nội dung Công ty Helix Pharmaceuticals đã được Bộ Y tế chấp thuận và đồng ý cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam. Ngoài ra là đơn đăng ký, tiểu sử doanh nghiệp (Công ty Helix Pharmaceuticals) và thủ tục xin cấp giấy phép cho công ty nước ngoài hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam. Bị cáo Phạm Văn Thông nguyên là dược sĩ được bị cáo Hùng thuê viết hồ sơ kỹ thuật cho lô thuốc cũng nộp bộ tài liệu chứng minh lô thuốc H-Capita được sản xuất tại một nhà máy uy tín ở Ấn Độ. Tài liệu gồm thư của tổng giám đốc công ty này, xác nhận của Bộ Y tế nước này đạt tiêu chuẩn thuốc, danh mục thuốc sản xuất... HĐXX cho rằng những chứng cứ này sẽ được xem xét trong quá trình nghị án. |