Chiều 6-4, TAND huyện Ea Súp (Đắk Lắk) tiếp tục xét xử vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 165 BLHS năm 1999 đối với bị cáo Nguyễn Hữu Quảng (cựu Chủ tịch xã Ya Tờ Mốt).
Cùng hầu tòa còn có bị cáo Lại Thị Mây (32 tuổi, cựu kế toán) và Nguyễn Thị Quế (44 tuổi, cán bộ văn phòng kiêm thủ quỹ UBND xã Ya Tờ Mốt).
Bị cáo Nguyễn Hữu Quảng. Ảnh: BT |
Đại diện VKSND huyện Ea Súp giữ quyền công tố ở phiên tòa đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Quảng từ 18 đến 24 tháng tù, Lại Thị Mây từ 15 đến 18 tháng tù, Nguyễn Thị Quế từ 12 đến 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Nhiều người được triệu tập đến phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho rằng có đi làm, đã ký vào giấy nhận tiền nhưng thực tế không được nhận. Có người cho rằng thực tế khi đi làm thêm ngoài giờ (như cáo trạng nêu) có nhận các khoản chi liên quan. Trong khi đó, một số khác lại phủ nhận.
Bị cáo Mây, Quế cho rằng việc chi các khoản (gây thiệt hại cho nhà nước) đều có sự chỉ đạo của bị cáo Quảng.
Bị cáo Quảng và luật sư đề nghị HĐXX cũng như hai bị cáo này chứng minh bị cáo đã chỉ đạo bằng văn bản nào, hay chỉ đạo bằng miệng.
“Có những lúc chỉ đạo bằng miệng, có những lúc chỉ đạo bằng văn bản. Nhiều khoản chi nhỏ và tôi đã trả lời cơ quan điều tra” - bị cáo Mây trả lời.
Bị cáo Quảng cho rằng không chỉ đạo bị cáo Mây lập chứng từ khống và đề nghị HĐXX cung cấp chứng cứ này.
“Việc tiền đến tận tay người dân hay không tôi không nắm được. Tôi ký duyệt chi trên cơ sở tham mưu của kế toán, người chi là thủ quỹ. Tiền chi cho người được thụ hưởng nhận được hay không là trách nhiệm của thủ quỹ” - bị cáo Quảng trả lời HĐXX.
Theo cáo trạng của VKSND huyện Ea Súp, trong các năm 2014, 2015, ông Quảng đã chỉ đạo Mây và Quế lập khống, duyệt, ký chi thanh toán các chứng từ không đúng quy định, gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 184 triệu đồng.
Trong đó, bị cáo Quảng chỉ đạo kế toán lập nhiều chứng từ khống, chia nhỏ từng vụ việc. Năm 2014, bị cáo Quảng ký hợp đồng với một nhạc sĩ (ở Đà Nẵng) để sáng tác ca khúc “Ya Tờ Mốt yêu thương” với giá 35 triệu đồng. Tuy nhiên, việc làm này không được Kho bạc Nhà nước huyện Ea Súp chấp nhận.
Sau đó, bị cáo Quảng chỉ đạo lập chứng từ khống bằng việc đưa vào kinh phí chi tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng năm 2015 với số tiền hơn 35 triệu đồng.
Trả lời HĐXX, bị cáo Quản phủ nhận khoản chi này và cho rằng dùng tiền cá nhân chi trả cho nhạc sĩ.
Ngoài ra, bị cáo Quảng còn chỉ đạo lập các chứng từ khống khác, như số tiền làm thêm ngoài giờ với số tiền hơn 21 triệu đồng; tiền chế độ làm thêm hơn 40 triệu đồng; tiền thanh toán ngày công tiêu hủy gia cầm nhiễm bệnh với số tiền 3,6 triệu đồng…
Vẫn theo cáo trạng, bị cáo Quảng chỉ đạo lập chứng từ khống còn để lấy tiền bù vào số tiền đã chi đi chúc Tết, mua quà biếu, bỏ phong bì đi giao dịch…
Hàng chục phiếu chi không có trong kho bạc
Theo hồ sơ vụ án (bút lục số 137), ngày 16-8-2021 Kho bạc Nhà nước huyện Ea Súp có công văn số 03 trả lời Cơ quan CSĐT Công an huyện này liên quan đến các chứng từ (phiếu chi) của vụ án. Trong đó, kho bạc không tìm thấy 15 phiếu chi tương đương với số tiền hơn hơn 70 triệu đồng.
Cụ thể, phiếu chi số 75 ngày 26-4-2015 với số tiền 4,1 triệu đồng, phiếu chi số 104 ngày 31-12-2014 với số tiền hơn 21 triệu đồng, phiếu chi số 26 ngày 20-8-2015 với số tiền 4,5 triệu đồng; chứng từ số 28 ngày 25-5-2015 với số tiền hơn 40 triệu đồng…