Đề nghị sớm sửa luật hoạt động giám sát Quốc hội

Ông Nguyễn Văn Thuận - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định hoạt động giám sát Quốc hội thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn còn nhiều vấn đề sau khi giám sát chưa được tiếp thu đúng mức. Cụ thể là các vấn đề liên quan đến tham nhũng, lãng phí, chất lượng giáo dục, quy hoạch treo, an toàn thực phẩm và môi trường.

Về thực trạng hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, TS Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, kiến nghị: Quy định rõ trình tự, thủ tục Quốc hội giám sát trực tiếp tại kỳ họp; quy định Quốc hội có quyền yêu cầu xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao khi qua giám sát thấy quyết định đó vi phạm pháp luật; sửa các điều luật hiện hành về bỏ phiếu tín nhiệm để quy định này trong Hiến pháp 1992 có tính khả thi; sửa những quy định trong luật hiện hành về tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi không được Quốc hội ủy quyền; quy định rõ trong trường hợp qua giám sát nếu ý kiến của cơ quan giám sát khác với ý kiến của cơ quan bị giám sát thì báo cáo Quốc hội xem xét chứ không dừng lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hôm nay (31-7), hội thảo tiếp tục ngày thứ hai với các nội dung tham luận: Về việc tổ chức giám sát của các cơ quan Quốc hội; giám sát các hoạt động của Chính phủ; giám sát của Ủy ban Pháp luật với việc ban hành quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ; nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám sát tư pháp; hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

ĐẮC LAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm