Đề nghị truy tố thêm nhiều người vụ Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang

(PLO)- Sau nhiều lần bị cấp phúc thẩm hủy án để điều tra lại, trong kết luận điều tra mới nhất, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hậu Giang đã đề nghị truy tố thêm nhiều bị can.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Hậu Giang vừa hoàn tất bản kết luận điều tra (KLĐT) vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, xảy ra tại Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Hậu Giang.

Đây là vụ án kéo dài hàng chục năm nay với nhiều lần tòa cấp phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hậu Giang điều tra lại.

Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang
Từ trái qua, các bị cáo Nguyễn Thiện Hồng, Trương Thị Thanh Loan và Phan Văn Tập tại phiên xử sơ thẩm hồi tháng 4-2021. Ảnh: CHÂU ANH

Trong KLĐT mới nhất này, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hậu Giang đã chuyển toàn bộ hồ sơ, vật chứng của vụ án và đề nghị truy tố chín bị can.

Đó là Lê Hữu Tâm (SN 1959, cựu chủ tịch HĐQT QTDND Hậu Giang); Trương Thị Thanh Loan (SN 1981, cựu phó giám đốc QTDND Hậu Giang); Quách Vũ Linh (SN 1989); Nguyễn Văn Thắng (SN 1950, cùng là cựu thành viên HĐQT QTDND Hậu Giang); Dương Cầm Nguyên (SN 1986, cựu thành viên Ban tín dụng QTDND Hậu Giang); Trần Ngọc Diễm Tiên (SN 1986, cựu cán bộ tín dụng QTDND Hậu Giang); Đặng Châu Toàn (SN 1986, cựu kế toán trưởng QTDND Hậu Giang); Hoàng Thị Lệ (SN 1986, cựu thủ quỹ QTDND Hậu Giang) và Phan Văn Tập (SN 1976, cựu giám đốc Công ty TNHH TM Thiện Quỳnh Kiên Giang).

Trong đó, bị can Tâm bị đề nghị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, quy định tại khoản 4 Điều 139 và khoản 3 Điều 179 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Bị can Tập bị đề nghị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các bị can còn lại bị đề nghị truy tố tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Làm giả 28 hợp đồng vay hơn 54,5 tỉ đồng

Theo KLĐT mới nhất, để rút được nguồn vốn tại QTDND Hậu Giang, bị can Tâm đã nhờ và kết nạp nhiều người thân và nhân viên của bị can tại công ty Anh Đào và công ty MeKong làm thành viên của QTDND nhằm đủ điều kiện vay vốn tại Quỹ. Việc góp vốn của các thành viên do Tâm tự bỏ tiền, những người này đứng tên vay dùm cho Tâm tại QTDND Hậu Giang.

Theo đó, năm 2010, Tâm đã nhờ 23 người đứng tên vay với tổng số tiền gần 24 tỉ đồng dưới hình thức: thế chấp bằng tài sản, phương án khả thi; thời hạn cho vay 12 tháng. Đến năm 2011, công việc làm ăn kinh doanh của Tâm thua lỗ và chưa thu hồi được nợ.

Để có tiền trả nợ gốc và lãi cho các hợp đồng đã vay trước đó, Tâm tiếp tục nhờ người thân và nhân viên tại hai công ty trên đứng tên hồ sơ vay. Mặt khác, Tâm đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện trái các quy định trong lĩnh vực cho vay của QTDND.

Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang
Bị cáo Lê Hữu Tâm tại phiên xét xử phúc thẩm hồi tháng 6-2019. Ảnh: NHẪN NAM

Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Tâm, bị can Nguyễn Thiện Hồng (giám đốc QTDND Hậu Giang, đã mất năm 2022) chỉ đạo bị cáo Loan và trực tiếp thực hiện 28 hợp đồng vay tiền giùm Tâm.

Hai bị can Hồng và Loan còn trực tiếp chỉ đạo cho bộ phận tín dụng và bộ phận kế toán - kho quỹ thực hiện, căn cứ vào các hồ sơ vay trước đó, khi đến hạn sẽ tất toán và lập hồ sơ vay mới. Đồng thời, nâng khống giá trị tài sản thế chấp để nâng số tiền vay lên cao hơn.

Theo đó, từ ngày 15-3-2011 đến ngày 19-11-2011, hai bị can Tiên và Nguyên căn cứ vào thông tin khách hàng vay trước đó, tài liệu do Ban điều hành QTDND cung cấp đã lập 18 bộ hồ sơ vay có tài sản thế chấp và 10 bộ hồ sơ vay bằng phương án khả thi. Tuy nhiên, trên thực tế tất cả 28 người vay không trực tiếp đến QTDND làm hồ sơ mà toàn bộ hồ sơ vay được hai bị can Tiên và Nguyên lập sẵn. Sau đó, trình cho bị can Loan và Hồng kiểm tra, trình hồ sơ cho bị can Tâm ký duyệt tờ trình và biên bản thẩm định xét duyệt cho vay.

Tổng số tiền đã giải ngân của 28 hợp đồng nêu trên hơn 54,5 tỉ đồng. Kết quả điều tra cho thấy tất cả biên bản thẩm định cho vay đều vượt thẩm quyền phán quyết của Ban điều hành QTDND.

Trong đó, bị can Tâm đã ký 17 tờ trình phê duyệt, bị can Hồng ký để hợp thức hóa 17 hồ sơ thẩm định, ký giải ngân 24 hợp đồng tín dụng, ký duyệt giấy nhận nợ chi tổng số tiền hơn 47 tỉ đồng.

Số tiền chiếm đoạt được, Tâm sử dụng vào mục đích cá nhân như trả nợ gốc và lãi 26 hợp đồng vay năm 2010, thanh toán thi công các công trình và nuôi cá dẫn đến thua lỗ, không có khả năng thanh toán cho QTDND.

Đến năm 2012, bị can Tâm thực hiện hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản của công ty TNHH De Heus. Sau đó, sử dụng số tiền này để trả dư nợ cho 28 hợp đồng vay năm 2011 hơn 9,2 tỉ đồng, còn lại hơn 42,5 tỉ đồng, Tâm không có khả năng thanh toán.

Ký chứng thư bảo lãnh dù không có chức năng

Đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công ty TNHH De Heus, KLĐT xác định năm 2011, bị can Tập đến QTDND Hậu Giang vay 200 triệu đồng. Khi đến hạn tất toán nợ, thì cuối năm 2012 Tập có nhu cầu vốn để đầu tư kinh doanh. Từ đó, Tập đến gặp bị can Linh (phó Giám đốc QTDND, đã chết năm 2018) để xin vay một tỉ đồng, nhưng không được vì “QTDND không còn tiền”.

Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang
Bị cáo Phan Văn Tập tại phiên xét xử sơ thẩm hồi năm 2018. Ảnh: CHÂU ANH

Sau đó, bị can Tập có ý định mua thức ăn của công ty De Heus bán lại lấy tiền phục vụ vào mục đích cá nhân. Do không có tiền mặt để mua thức ăn, Tập đã điện thoại cho bị can Hồng hỏi xem QTDND Hậu Giang có chức năng bảo lãnh không và được trả lời là không.

Sau đó, Tập hẹn gặp Linh để nhờ đại diện QTDND ký chứng thư bảo lãnh lấy danh nghĩa công ty Thiện Quỳnh Kiên Giang mua thức ăn chăn nuôi của công ty De Heus.

Do có mối quan hệ là bạn bè từng học chung, hai bị can Tập và Linh đã thống nhất: “Khi ký chứng thư thực hiện hợp đồng, nếu lấy được nguồn thức ăn đem bán lại có được tiền thì Linh lấy một ít, còn Tập lấy một ít để giải quyết những khó khăn về tài chính trong thời điểm hiện tại”.

Tuy nhiên, khi hay việc này, bị can Tâm đề nghị để bản thân làm trước chứng thư trị giá 20 tỉ đồng cho công bị bị can, nếu lấy hàng được thì lúc đó sẽ làm chứng thư 5 tỉ đồng cho Linh và Tập sau.

Sau khi thỏa thuận, Tâm đã làm chứng thư trị giá 20 tỉ đồng, rồi nhờ bị can Hồng đại diện QTDND ký phát hành chứng thư bảo lãnh. Từ đó, Tâm lấy danh nghĩa công ty CP nông thủy sản xuất khẩu Tùng Bách thực hiện hợp đồng mua thức ăn với công ty De Heus.

Sau khi bị can Hồng ký chứng thư bảo lãnh để Tâm thực hiện hợp đồng mua thức ăn, bị can Linh dựa theo mẫu rồi tự soạn thảo chứng thư bảo lãnh trị giá 5 tỉ đồng. Tháng 12-2012, Linh đã đại diện QTDND Hậu Giang ký và phát hành chứng thư để bảo lãnh cho công ty TNHH MTV Thiện Quỳnh Kiên Giang mua bán thức ăn chăn nuôi của công ty De Heus.

Khi có được nguồn thức ăn chăn nuôi, bị can Tập không nhập hàng hóa vào chứng từ kế toán của công ty Thiện Quỳnh Kiên Giang mà lấy danh nghĩa cá nhân đem bán lại.

“Tổng số tiền công ty De Heus bán thức ăn chăn nuôi cho bị can Tập hơn 5,8 tỉ đồng, bị can Tập đã trả được 930 triệu đồng, số tiền còn nợ hơn 4,8 tỉ đồng. Trong đó, bị can Linh chỉ chiếm đoạt số tiền hơn 1,6 tỉ đồng, số tiền bị can Tập chiếm đoạt hơn 3,2 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền hai bị can Tập và Linh chiếm đoạt được đã sử dụng vào mục đích cá nhân” - Kết luận điều tra xác định.

Nhiều lần hủy án

Năm 2014, Công an Hậu Giang khởi tố Lê Hữu Tâm, Bùi Chí Linh tội lừa đảo và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Nguyễn Thiện Hồng tội lừa đảo và vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Năm 2015, xử sơ thẩm, TAND tỉnh Hậu Giang phạt bị cáo Tâm 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 14 năm tù tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù. Tuyên phạt bị cáo Linh 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 12 năm tù tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tổng hình phạt 24 năm tù. Tuyên phạt bị cáo Hồng 12 năm tù tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã hủy án để điều tra lại từ đầu.

Đến tháng 7-2018, VKSND tỉnh Hậu Giang đã truy tố thêm bị can là Phan Văn Tập tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tháng 9-2018, bị cáo Linh chết, TAND tỉnh Hậu Giang ra quyết định đình chỉ vụ án đối với Linh.

Xử sơ thẩm lần hai, cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, TAND tỉnh Hậu Giang tuyên phạt bị cáo Tâm 20 năm tù, bị cáo Hồng 12 năm tù và bị cáo Tập 13 năm tù.

Tháng 6-2019, xử phúc thẩm lần hai, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Năm 2021, VKSND tỉnh Hậu Giang truy tố thêm bị can Trương Thị Thanh Loan tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần ba, TAND tỉnh Hậu Giang tuyên phạt bị cáo Tâm 17 năm tù, bị cáo Hồng 12 năm tù, bị cáo Tập 14 năm tù và bị cáo Loan 8 năm tù.

Đến tháng 8-2022, bị cáo Hồng chết. Tháng 2-2023, xử phúc thẩm lần ba, TAND Cấp cao tại TP.HCM ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị cáo Hồng và tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm