Đề nghị Ủy ban Tư pháp giám sát kỳ án giết người Tuyên Quang

Mới đây, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh (Hà Nội) có văn bản gửi Ủy ban Tư pháp và Ban Dân nguyện Quốc hội đề nghị tổ chức giám sát “kỳ án” giết người tại Tuyên Quang. Đây là vụ án có dấu hiệu oan mà Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần phản ánh.

Công ty này là đại diện theo ủy quyền của nhóm năm công dân Bàn Văn Thái (45 tuổi), Bàn Văn Tiếp (33 tuổi, con nuôi của ông Thái), Đặng Văn Quang (35 tuổi), Đặng Văn Tuyên (24 tuổi) và Đặng Việt Sơn (27 tuổi).

Khởi tố, thay đổi tội danh rồi đình chỉ bị can

Tháng 7-2012, ông Đặng Văn Cường (trú tại xã Bằng Cốc, huyện Hàm Yên) chết tại nhà không rõ nguyên nhân. Hai tháng sau, từ một lá đơn tố giác nặc danh, năm công dân trên lần lượt bị bắt, khởi tố về tội giết người.

Cáo trạng của VKSND tỉnh Tuyên Quang quy kết năm bị can đánh nạn nhân tử vong, sau đó đưa lên đồi cho uống thuốc diệt cỏ để tạo hiện trường giả.

Trải qua hơn 10 lần xét xử sơ thẩm, các bị cáo đồng loạt kêu oan, tố bị mớm cung, ép cung. TAND tỉnh Tuyên Quang nhiều lần tuyên trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Đến tháng 3-2015, CQĐT thay đổi quyết định khởi tố năm người từ tội giết người sang cố ý gây thương tích. Tại kết luận điều tra mới, CQĐT cho rằng khi phát hiện đánh nhầm người, các bị can bỏ về vì sợ bị phát hiện chứ không bàn bạc giết nạn nhân như trước nữa.

Tiếp đó, vợ nạn nhân bất ngờ xin rút yêu cầu khởi tố. CQĐT ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với cả năm công dân.

Sau khi được trả tự do, năm người liên tục gửi đơn thư, gõ cửa các cơ quan tố tụng để kêu oan nhưng không được chấp nhận. Do đó họ đã khởi kiện VKSND tỉnh Tuyên Quang ra tòa án cùng cấp, yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Tháng 11-2019, TAND tỉnh Tuyên Quang mở phiên tòa xét xử và quyết định đỉnh chỉ vụ án dân sự nêu trên vì chưa đủ điều kiện khởi kiện.

Theo tòa, quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can của CQĐT đối với năm người là do đại diện hợp pháp của bị hại xin rút yêu cầu khởi tố. Việc đình chỉ không phải do hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được hành vi phạm tội, hoặc do hành vi không cấu thành hành vi phạm tội, hoặc do không có sự việc phạm tội.

“Các quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can và kết luận điều tra đều không có nội dung xác định các nguyên đơn bị oan sai và thuộc trường hợp được bồi thường” - tòa nhận định.

Tòa còn cho rằng nguyên đơn và người đại diện không xuất trình được tài liệu, chứng cứ thể hiện các quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can và kết luận điều tra bị sửa đổi hoặc hủy bỏ; không xuất trình được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường…

Ba trong số năm công dân khởi kiện VKS yêu cầu bồi thường oan. Ảnh: TP

Kiến nghị Ủy ban tư pháp giám sát vụ án

Trong văn bản gửi Ủy ban Tư pháp và Ban Dân nguyện Quốc hội, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho rằng sau hơn 900 ngày giam giữ, điều tra, truy tố và xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Tuyên Quang không chứng minh được năm công dân phạm tội giết người và chuyển sang tội cố ý gây thương tích.

Dù vậy, hồ sơ vụ án không có bản kết luận giám định nào xác định tỉ lệ tổn hại phần trăm sức khỏe của nạn nhân là bao nhiêu; cũng không có vật chứng, lời khai đối chứng nào khẳng định có việc nạn nhân bị đánh hay không.

Công ty này khẳng định vụ án trên có căn cứ rõ ràng là oan. Cụ thể, khi không chứng minh được các bị can giết người, CQĐT chuyển sang khởi tố về tội cố ý gây thương tích, VKS phê chuẩn các quyết định này. Việc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can do bị hại rút yêu cầu khởi tố là để né trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Cùng với đó, theo quy định của BLTTHS thì tòa án chỉ được trả hồ sơ tối đa hai lần, tuy nhiên TAND tỉnh Tuyên Quang đã hơn 10 lần mở phiên tòa, ba lần quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Ngoài ra, khi nhóm năm công dân khiếu nại về các quyết định đình chỉ và kết luận điều tra, việc giải quyết khiếu nại trong phạm vi cơ quan CSĐT công an tỉnh, rồi quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng là VKSND tỉnh. Điều này hoàn toàn không khách quan…

Từ những cơ sở trên, công ty đề nghị Ủy ban Tư pháp tổ chức giám sát vụ án, kiến nghị VKSND Tối cao ra quyết định đình chỉ vụ án vì không có sự việc phạm tội để có căn cứ giải quyết bồi thường cho người bị oan.

Tòa đình chỉ vụ bồi thường oan là không sai

Lập luận của TAND tỉnh Tuyên Quang như vậy là đúng. Bởi Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng. Căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng là có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường và có yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự giải quyết yêu cầu bồi thường.

Theo Điều 9 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự gồm bản án của tòa có thẩm quyền xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường; quyết định của tòa án, VKS, CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường...

Điều 18 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị tạm giam mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm...

Đối chiếu với quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can của CQĐT đối với năm bị can với lý do đại diện hợp pháp của bị hại rút yêu cầu khởi tố với quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì không có căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

ThS Nguyễn Trương Tíngiảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM

Hàng loạt sai phạm về tố tụng

Tháng 8-2015, đoàn liên ngành (gồm Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam) giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ quan tố tụng huyện Hàm Yên và tỉnh Tuyên Quang trong vụ án.

Theo báo cáo, vụ án có nhiều sai phạm về mặt tố tụng. Điển hình là ngoài những lời khai nhận tội mâu thuẫn của năm bị can, không có bất cứ tài liệu nào khác chứng minh ai cắt tay nạn nhân, ai cầm túi nylon hứng máu… như CQĐT và VKS mô tả trong hồ sơ.

Đáng chú ý, làm việc với đoàn giám sát, đại diện TAND tỉnh Tuyên Quang khẳng định tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án còn nhiều mâu thuẫn, chưa đủ cơ sở kết luận năm bị can phạm tội giết người.

Đoàn giám sát còn cho rằng việc CQĐT chuyển tội danh từ giết người sang cố ý gây thương tích là không có cơ sở. Trong đó không có nhân chứng trực tiếp nào chứng kiến việc các bị can gây thương tích cho nạn nhân.

Kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự công an tỉnh nêu tỉ lệ tổn hại sức khỏe 6% chỉ mang tính chất nhận định nếu nạn nhân còn sống, để lại sẹo, trong khi nạn nhân đã chết.

Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an cũng khẳng định không có cơ sở xác định mức độ tổn hại sức khỏe của nạn nhân. Như vậy, không có bản kết luận giám định nào trong hồ sơ kết luận tỉ lệ tổn hại phần trăm sức khỏe của nạn nhân là bao nhiêu.

Đặc biệt, hồ sơ vụ án có tổng cộng 54 bản cung không có sự tham gia của luật sư nên không có giá trị pháp lý… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới