Sáng 6-3, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018, đầu năm 2019 và giải pháp trong thời gian tới.
Mỗi ngày 23 người chết
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tình hình trật tự, ATGT trong các dịp tổ chức sự kiện quốc tế được đảm bảo tốt, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trong các năm 2017, 2018 đều giảm so với năm trước trên cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương…
Tuy nhiên, TNGT vẫn diễn biến rất phức tạp; số người chết và số người bị thương tuy có giảm nhưng vẫn rất nghiêm trọng (TNGT đường bộ và đường sắt trong năm 2018 làm gần 8.200 người chết và hơn 14.700 người bị thương).
“Trung bình mỗi ngày có khoảng 23 người mãi mãi không bao giờ về nhà nữa” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói. “Chúng tôi luôn trăn trở với câu hỏi với quy định của pháp luật như hiện nay, nếu không cần đầu tư ngân sách lớn thì chúng ta có tìm ra giải pháp gì chặn đứng tình hình vi phạm ATGT hay không?” - bà đặt vấn đề.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải trình tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: Đ.MINH
“Bảo kê” cho sai phạm
Ủy ban Tư pháp đề nghị Bộ Công an giải trình khi việc răn đe, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hiệu quả chưa cao. Thậm chí một số trường hợp còn có biểu hiện “nhờn” luật do cán bộ tuần tra, kiểm soát tiêu cực trong xử lý.
Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cũng đề nghị Bộ Công an giải trình về việc một số cán bộ còn hạn chế về năng lực, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ, thậm chí có tình trạng bảo kê cho vi phạm.
Giải trình về hiện tượng tiêu cực trong CSGT, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn nói: “Chúng tôi hết sức cầu thị những ý kiến góp ý, kể cả phát hiện lực lượng công an nói chung và CSGT nói riêng tiêu cực trong khi thi hành công vụ”.
Ông cho hay là ngành chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý sai phạm, đồng thời lắng nghe ý kiến của các đại biểu và báo chí. “Nếu cung cấp thông tin, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm túc với quan điểm: Cơ quan thực thi pháp luật nghiêm minh thì toàn xã hội nghiêm minh” - ông nói.
Đề xuất thu hồi bằng lái vĩnh viễn
Về tình trạng tài xế sử dụng ma túy gây tai nạn, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng những TNGT nghiêm trọng liên quan đến người sử dụng ma túy phải xử lý trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, hiện nay dù vi phạm dẫn đến chết người nhưng mức phạt theo luật, nghị định còn thấp, có thể chỉ tước bằng lái trong khoảng hai năm trở lại, sau đó vẫn cho tiếp tục sử dụng. “Chúng tôi mong khi điều chỉnh luật hay nghị định thì mức xử lý phải nặng hơn” - Bộ trưởng Thể đề nghị.
Người đứng đầu ngành giao thông cho hay ở một số nước như Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng sẽ bị tịch thu bằng lái vĩnh viễn. “Với tình hình Việt Nam hiện nay, chúng tôi đang đề xuất nếu để xảy ra tai nạn nghiêm trọng sẽ thu hồi vĩnh viễn bằng lái, không cho người đó lái xe nữa hoặc tăng thời gian thu hồi bằng lái trong vòng 10, 15 năm để đảm bảo tính răn đe” - bộ trưởng cho biết và nhấn mạnh nếu làm nghiêm, chắc chắn ý thức xã hội sẽ từng bước chuyển biến.
30 trạm đã thực hiện thu phí tự động không dừng trong hơn 60 trạm thu phí mà Bộ GTVT quản lý. Đến cuối năm 2019, đặc biệt là năm 2020, việc thu phí tự động không dừng mới được thực hiện đồng bộ trên cả nước. |
Ông Thể cũng nêu thực tế lâu nay chúng ta chỉ xử lý tài xế vi phạm mà chưa xử lý cái gốc là doanh nghiệp (DN) thuê tài xế.
Theo ông, DN thuê tài xế phải có trách nhiệm ký hợp đồng và giám sát, khi để tài xế sử dụng ma túy gây tai nạn nghiêm trọng thì phải truy cứu trách nhiệm của DN. “Anh có phương tiện mà khoán trắng cho tài xế cũng là không làm hết trách nhiệm” - ông Thể nêu quan điểm.
Bình luận về đề xuất trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng trường hợp tài xế sử dụng ma túy, muốn truy tố chủ DN vận tải không dễ. Theo bà Nga, về lý thuyết, có thể truy tố ông chủ DN vận tải tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Tuy nhiên, trường hợp này chủ DN buộc phải biết rõ tài xế có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà vẫn điều động người đó điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
“Tòa, viện muốn xử lý nghiêm phải có căn cứ. Bây giờ cứ nói tài xế hút, chích thì xử lý ông giao xe là khó lắm. Còn quả thực biết tài xế đang nghiện ngập, hút, chích mà vẫn giao xe thì xử lý được” - Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Công Phàn nói.
Có hiện tượng “bao thi, bao đỗ” Về hiện tượng bao thi, bao đỗ trong công tác đào tạo, cấp bằng lái, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay cuối năm 2018, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 138 về trách nhiệm của các cơ sở đào tạo cấp bằng lái, thay đổi nội dung giảng dạy, tăng cường giám sát chất lượng giảng dạy, giám sát kiểm tra và đưa ra các tình huống tập lái xe trong sa hình. “Theo số liệu chúng tôi nắm được, hiện 100 người thi thì chỉ 58 người trúng tuyển, còn lại phải thi lần hai, lần ba” - Bộ trưởng Thể thông tin. Ông cho biết những cơ sở vi phạm có thể bị thu hồi giấy phép vĩnh viễn để đảm bảo tính răn đe vì đây là loại hình đào tạo đặc biệt. |