Trong buổi gặp mặt báo chí thông báo tình hình kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong năm 2018 và một số công tác trọng tâm năm 2019, Công an TP.HCM thông tin xung quanh việc xe trọng tải lớn, xe quá tải và nguyên cơ gây tai nạn.
Phó Giám đốc Công an TP.HCM nói rằng việc siết xe quá tải gặp không ít vấn đề, cần có sự chung tay của nhiều cấp ngành. Ảnh NT.
Giải đáp thắc mắc này, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cho rằng TP.HCM hiện nay là một thành phố cảng biển nội địa kim ngạch cao. Trong khi đó, hàng hóa đều bắt buộc đi qua TP. “Nhưng hiện tại đã mất kết nối giữa đường biển với đường sắt rồi. Thêm nữa, TP đang phát triển, trong nội thành ngoài nhu cầu xây dựng thì có rất nhiều cơ sở công nghiệp hoặc cơ sở gia công buộc phải sử dụng nguyên vật liệu với khối lợng lớn”, ông nói.
Theo ông Minh, nếu siết các phương tiện vận tải thì việc ảnh hưởng đến kinh tế là điều sẽ xảy ra, nhưng để cho chạy thì gây tai nạn. Hiện chỉ có thể dừng lại ở việc kiểm soát và điều tiết.
“Bây giờ, thực tế mình cho chạy giao thông trộn làn nhưng để thay đổi điều này thì quỹ đất, quỹ giao thông của mình có đủ để tách làn, mở rộng đường đâu. Đây là mối nguy hiểm nhưng không thể hứa hẹn gì được. Tôi nghĩ rằng, cần có thời gian lâu dài để giải quyết, không phải chỉ ngành công an không, cũng không phải chỉ là lời nói không mà phải có kinh phí”, ông trăn trở.
Một xe tải chở vật liệu hạng nặng chạy qua khu vực có nhiều học sinh tan trường trên đường Nguyễn Duy Trinh (Quận 9) ngày 3-1. Ảnh NT.
Nhắc lại những vụ tai nạn kinh hoàng do xe tải trọng lớn trên thế giới và Việt Nam, ông Minh cho rằng 2 năm về trước đã từng cảnh báo về vấn đề này và lưu ý về các đối tượng chiếm quyền điều khiển xe tải trọng lớn cố ý gây tai nạn.
“Và thực tế đã có xảy ra một số lần các đối tượng nghiện, say rượu leo được lên phương tiện xe tải nặng, khởi động được xe rồi. Và thậm chí có cả xe CSGT cũng từng bị chiếm đoạt, phải rượt đuổi, may mà không gây tai nạn. Thử xem, các tuyến đường vô cảng Cát Lái nhiều lái xe ngủ quên, bỏ cả phương tiện không ai trông coi. Thử đặt trường hợp một người đã sử dụng ma túy lên chiếm quyền kiểm soát phương tiện này thì sẽ nguy hiểm như thế nào”.
Phó Giám đốc Công an TP cũng nói về việc siết chủ doanh nghiệp phương tiện giao thông cơ giới trong việc sử dụng lao động. “Có nhiều trường hợp xe quá tải, nhưng đâu có ông tài xế nào muốn chạy xe quá tải. Xe quá tải là do chủ doanh nghiệp ép phải chạy xe quá tải. Công an TP mong muốn rằng trong việc sửa đổi nghị định sắp tới phải có xử phạt chủ phương tiện. Thậm chí một số trường hợp chủ phương tiện phải liên đới trách nhiệm hình sự. Ví dụ, anh đã biết tài xế nghiện ma túy nhưng vẫn giao xe, xe quá tải, ép lái xe chạy tốc độ cao, quay vòng nhanh”.
Phó Giám đốc Công an TP.HCM cũng trăn trở về việc quản lý người nghiện trên địa bàn. Theo đó, mới đây có thống kê số lượng người nghiện không được phát hiện, quản lý thì có con số giật mình. Cụ thể, với người có nơi cư trú ổn định chỉ phát hiện, quản lý được 38%, còn 62% không được phát hiện quản lý.
“Đây chỉ là con số nghiện, còn người sử dụng trái phép chất ma túy thì con số đó là tới 82%. ở TP này có thể ở cộng đồng có từ 60 đến 95 ngàn người nghiện ma túy mà chúng ta chưa phát hiện, xử lý được”, Thiếu tướng Phan Anh Minh nói.