Vụ việc được dư luận xem như hành vi giết người hàng loạt của tài xế chứ không còn là vi phạm các quy định về an toàn giao thông. Nó đang gây nhức nhối, bức xúc trong xã hội, giới kinh doanh vận tải và cả cơ quan quản lý các cấp.
ô tô, xe máy là nguồn nguy hiểm cao độ trong tham gia giao thông và pháp luật đã quy định rất chặt chẽ việc tài xế không được sử dụng rượu bia, chất kích thích lúc lái xe. Cùng với đó, các mức phạt rất cao về tiền, tước bằng lái xe cũng đã có. Tuy nhiên, thực tế việc tài xế sử dụng rượu bia, ma túy rồi lái xe vẫn diễn ra phổ biến từng giờ, từng ngày, đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân tham gia giao thông.
Thực tế này không mới mà đã được phát hiện, kiểm tra và có số liệu kiểm tra, khảo sát cụ thể từ các năm 2010 đến 2012. Cụ thể, khi đó ngành y tế, CSGT và GTVT đã phối hợp kiểm tra các tài xế container, xe tải nặng, xe kéo, tài xế taxi... thì phát hiện có tới 30% đến gần 40% số tài xế dương tính với ma túy.
Ngay sau đó, tháng 5-2013, Bộ Y tế ra Thông tư số 14/2013 về hướng dẫn khám sức khỏe đối với tài xế. Theo đó, ngoài khám sức khỏe để thi lấy bằng lái các hạng thì người đã có bằng cũng buộc phải kiểm tra sức khỏe theo định kỳ sáu tháng/lần. Cụ thể, nội dung khám cận lâm sàng gồm: xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm sinh hóa máu, xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu… Mục đích của các khâu xét nghiệm trên là nhằm phát hiện, loại bỏ những người đã và sẽ cầm vô lăng có sử dụng ma túy, rượu bia…
Tại TP.HCM, tháng 3-2014, Sở GTVT ra Kế hoạch 1064 về kiểm tra sức khỏe tài xế kinh doanh vận tải. Theo đó, bản kế hoạch này đề rất rõ: Đối tượng kiểm tra là tất cả tài xế kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thuộc các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn TP. Nội dung là: Kiểm tra sức khỏe của tài xế, trong đó có kiểm tra chất ma túy. Bản Kế hoạch 1064 cũng đề ra các biện pháp xử lý như sau: 1. Sở GTVT sẽ tạm thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, các loại phù hiệu, biển hiệu đã cấp cho các xe đối với các doanh nghiệp vận tải không thực hiện nghiêm việc tổ chức kiểm tra sức khỏe, chất ma túy cho đội ngũ tài xế do doanh nghiệp vận tải; 2. Đối với tài xế không đảm bảo sức khỏe để hoạt động vận tải thì doanh nghiệp vận tải tạm thời cho nghỉ dưỡng nhằm phục hồi sức khỏe, sau đó mới tiếp tục hoạt động trở lại; 3. Đối với tài xế có sử dụng chất ma túy trong người, doanh nghiệp vận tải chấm dứt ngay hợp đồng lao động, không cho hành nghề lái xe của doanh nghiệp vận tải.
Có thể nói bản kế hoạch 1064 trên là rất chi tiết, cụ thể và… cứng rắn. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau thì cả Sở GTVT, các doanh nghiệp vận tải, chủ xe và tài xế kinh doanh vận tải đều… quên bản kế hoạch này và nạn tài xế sử dụng ma túy tiếp tục lan truyền trong giới tài xế.
Lý do thì có nhiều. Nhiều tài xế xe tải nặng nại cớ phải sử dụng ma túy vì chỉ được chạy về đêm vào nội đô, cần giữ tỉnh táo, đảm bảo xoay tua, giao hàng xong trước 6-8 giờ sáng…
Về phía doanh nghiệp, theo cán bộ một trường đào tạo lái xe hạng bằng FC cho biết: “Thực tế nhu cầu về tài xế có bằng lái xe FC hiện rất lớn nhưng cung thì có hạn. Do đó, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải trong lúc thiếu và có thể biết tài xế đó nghiện ma túy nhưng vì áp lực công việc, kinh doanh, lợi nhuận nên vẫn chấp nhận”.
Rõ ràng nguồn cung bằng lái xe hạng cao là có hạn, cầu thì rất lớn và các văn bản quy định về kiểm tra, xử lý tài xế sử dụng ma túy đã có. Vấn đề là các cơ quan quản lý có làm hay không chứ không thể cứ mỗi lần có tai nạn như ở Long An thì… câu chuyện “cũ” ấy lại trở nên nóng hơn bao giờ hết.