Như Pháp Luật TP.HCM đưa tin, chiều 2-1, container do tài xế Phạm Thành Hiếu điều khiển khi đi tới đoạn ngã tư Bình Nhựt (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đã bất ngờ lao thẳng vào hàng loạt phương tiện đang dừng đèn đỏ khiến 4 người chết, 18 người khác bị thương.
Tài xế Phạm Thành Hiếu (ảnh nhỏ) sử dụng ma túy và gây ra vụ tai nạn khiến 22 người thương vong. Ảnh: PLO
Hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An đã ra quyết định khởi tố vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, đồng thời tạm giữ tài xế Hiếu. Kết quả xác minh ban đầu cho thấy tài xế này dương tính với ma túy.
Vụ việc trên đã gây chấn động dư luận không chỉ vì con số nạn nhân thương vong mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng tài xế (đặc biệt là lái xe hạng nặng) sử dụng chất kích thích khi điều khiển phương tiện.
Hơn 30% tài xế xe container sử dụng ma túy
Trao đổi với báo chí, Đại tá Trần Sơn, nguyên phó Phòng hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an), cho biết theo khảo sát khoảng 6 năm trước thì có hơn 30% tài xế xe container (bằng lái FC) dương tính với ma túy.
Để điều khiển xe lớn đòi hỏi tài xế cần có sức khỏe và thường lái vào ban đêm. Và để tỉnh táo, hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhiều lái xe đã sử dụng chất kích thích nhằm cảm thấy khỏe mạnh, không buồn ngủ... Vì lợi nhuận hoặc vì thiếu trách nhiệm, một số doanh nghiệp đã lờ đi việc kiểm tra sức khỏe lái xe dẫn đến những vụ tai nạn đau lòng.
Hơn thế, theo quy định, tài xế được cấp bằng lái FC không hề đơn giản. Điều này dẫn tới nhiều doanh nghiệp vận tải biết tài xế sử dụng ma túy nhưng vẫn thuê do nhu cầu lớn.
Đại tá Sơn đề xuất Bộ GTVT cần chỉ đạo ngay việc rà soát hệ thống đào tạo lái xe, trong đó cần kiểm tra ma túy đối với tất cả tài xế, đặc biệt là tài xế xe khách đường dài, xe container, xe tải nặng...
Theo vị đại tá, do người sử dụng ma túy thường có thói quen sử dụng nhiều lần hoặc đến mức nghiện nên chỉ cần kiểm tra đột xuất sẽ phát hiện ngay. Từ đó, có biện pháp xử lý người nghiện theo quy định, tịch thu bằng lái, cấm lái xe vĩnh viễn hoặc có thời hạn tùy theo mức độ...
Đồng tình về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cũng cho rằng trong các hội thảo về vận tải, nhiều lần cơ quan chức năng đã đề cập tới tình trạng lái xe sử dụng ma túy.
Kéo dài thời gian đào tạo bằng FC?
Theo ông Liên, lái xe đầu kéo là một loại hình vận tải hạng nặng, tài xế phải có kinh nghiệm và được đào tạo hết sức bài bản; cùng đó là sự quản lý về con người, thời gian lao động cũng như thiết bị an toàn trên xe. Hiệp hội vận tải Hà Nội đã có nhiều ý kiến đề xuất phải siết chặt các vấn đề này.
Từ những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe container, ông Liên kiến nghị công tác quản lý lái xe phải được tổ chức chặt chẽ hơn hiện nay. Trong đó, Tổng cục đường bộ cần xem xét lại việc cấp bằng lái xe FC đối với tài xế container theo hướng kéo dài thời gian đào tạo.
Các doanh nghiệp tham gia vận tải phải quan tâm đến trình độ, tuổi tác của lái xe. Bởi lứa tuổi sẽ quyết định rất nhiều tới kinh nghiệm, đạo đức, sự chững chạc… của tái xế. “Một chiếc xe container di chuyển trên đường nhưng ngồi trên đó là một tài xế chưa đến 20 tuổi thì làm sao có thể điều khiển thuần thục” – ông Liên đặt vấn đề”
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải quản lý giờ giấc, sức khỏe của lái xe làm sao để đảm bảo cho việc điều khiển phương tiện đường dài; thường xuyên tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho tài xế. Ông Liên dẫn câu chuyện vừa được chia sẻ cách đây ít phút về việc một lái xe container tại Hải Phòng chỉ trong một đêm mà lái hai chuyến từ Hải Phòng – Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn.
“Cường độ lao động như vậy là quá cao!” – ông Liên thốt lên.
Vị này cũng đề xuất nên nghiên cứu phân luồng cho lái xe hạng nặng về một phía, không để đi chung làn với các loại xe ô tô khác và xe thô sơ, có như vậy sẽ hạn chế những hậu quả nặng nề trong trường hợp không may xảy ra va chạm.
Về phía các cơ quan chức năng, trong đó có Ủy ban ATGT Quốc gia cần tìm ra nguyên nhân, giải pháp, đề xuất các bộ quy tắc, quy định để giảm tải tai nạn, không chỉ dừng lại ở việc thăm hỏi các nạn nhân.