Siết điều kiện lái xe để giảm thiểu tai nạn

Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT), khẳng định các quy định để doanh nghiệp (DN) quản lý tài xế tương đối chặt chẽ từ sức khỏe của tài xế đến điều kiện an toàn lao động, giám sát hành trình… nhưng nhiều DN và các sở GTVT buông lỏng, quản lý chưa chặt chẽ.

Vi phạm sẽ thu hồi chứng chỉ

Lực lượng để kiểm tra, giám sát, xử lý các DN có tài xế nghiện ma túy chưa đông và mạnh. “Sở GTVT chỉ có 1-2 người, lực lượng thanh tra giao thông vài chục người nhưng lại làm rất nhiều việc. Nên điều chúng ta cần làm thời gian tới là áp dụng công nghệ thông tin để quản lý…” - ông Thạch nói.

Ông thừa nhận là có tình trạng DN ép tài xế làm việc liên tục nên sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các DN theo quy định hiện hành.

Ông cho hay các vụ tai nạn nghiêm trọng gần đây đều do tài xế của DN kinh doanh vận tải gây ra. Vì vậy, khi sửa Luật Giao thông đường bộ hoặc nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải sẽ kiến nghị tài xế cho các đơn vị kinh doanh vận tải phải có chứng chỉ hành nghề.

Theo ông Thạch, biện pháp này một số nước ở châu Âu đã áp dụng từ lâu và đặc biệt một số nước xung quanh Việt Nam đã triển khai. Điển hình như Philippines, tài xế DN kinh doanh vận tải phải có lý lịch tư pháp, nếu từng phạm tội hay gây tai nạn giao thông nghiêm trọng thì không được hành nghề; giấy khám sức khỏe phải chứng minh âm tính với ma túy; phải có bằng lái xe phù hợp… Khi có đủ ba yếu tố đó phải học qua lớp huấn luyện mới được cấp chứng chỉ lái xe kinh doanh vận tải… “Trong quá trình hành nghề, nếu vi phạm một số lỗi nghiêm trọng bị thu hồi chứng chỉ. Chúng ta nên siết theo hướng này…” - ông Thạch nhấn mạnh.

Đội CSGT An Lạc (Phòng PC08, Công an TP.HCM) kiểm tra ma túy đối với tài xế xe tải, xe container trên quốc lộ 1 bằng que thử nước bọt. Ảnh: L.THOA

Trách nhiệm nhiều ngành

Liên quan đến đề xuất trên, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt), cho biết các vụ tai nạn vừa qua nhiều người đổ hết lỗi cho DN là chưa công bằng. “Không DN nào chấp nhận giao xe cho tài xế nghiện ma túy, nghiện rượu…” - ông nói.

24 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trong năm 2018 và tháng 1-2019 do hai nữ và 22 nam tài xế gây ra. Thâm niên lái xe trung bình của các tài xế là 10 năm. Độ tuổi trung bình của tài xế gây tai nạn là 36. Nguyên nhân chủ yếu do tài xế chủ quan hoặc kém ý thức khi lái xe. 

“Tất nhiên, việc tuyển tài xế điều khiển xe tải hạng nặng không phải dễ nhưng không ai dại gì đùa với lửa để tự phá sản hoặc gặp các vấn đề về pháp lý khi tài xế gây tai nạn làm chết người” - ông nhấn mạnh.

Với thực tế tài xế nghiện, ông Bằng cho rằng nhiều giấy khám sức khỏe được tài xế mua từ các cơ sở khám chữa bệnh. Việc này DN không kiểm soát được. “Rồi hiện tượng mua bằng lái thuộc trách nhiệm của ai?” - ông đặt câu hỏi.

Ông cũng cho là việc tài xế nghiện ma túy có trách nhiệm của nhiều ngành. “Chúng ta có lực lượng phòng, chống ma túy, nếu làm tốt người dân lấy ma túy đâu mà hút, chích… Chúng ta không nên đổ hết lỗi cho DN. Trừ khi DN ôm hết từ khám sức khỏe, đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe (GPLX)…” - ông nói.

Ông ủng hộ đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về việc tước bằng lái xe vĩnh viễn đối với tài xế gây tai nạn nghiêm trọng. “Tôi cũng rất ủng hộ trường hợp công an phát hiện tài xế có sử dụng chất kích thích như ma túy thì tước bằng lái xe vĩnh viễn…” - ông nói.

Nghiên cứu tước bằng lái năm năm

Trong thông báo kết luận mới đây của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, ngành giao thông cũng được giao nghiên cứu, sửa đổi quy định cấp lại GPLX ô tô.

Theo đó, tài xế hạng B2 trở lên nếu bị tước GPLX một tháng trở lên phải thi lại lý thuyết, tước sáu tháng trở lên phải sát hạch lại thực hành, tước GPLX từ 24 tháng trở lên hoặc khi gây tai nạn nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì phải học và sát hạch lại cả lý thuyết lẫn thực hành để cấp đổi GPLX.

Bên cạnh đó, không cấp/cấp lại GPLX cho người điều khiển xe phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm quy định pháp luật dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian năm năm kể từ thời điểm xảy ra tai nạn giao thông…

Cả nước thực hiện cao điểm an toàn giao thông

• Phòng CSGT TP.HCM (PC08) cho biết vừa qua phòng đã thực hiện cao điểm xử lý nồng độ cồn kèm test ma túy đối với tài xế xe cơ giới từ 18 giờ đến 2 giờ sáng mỗi ngày.

Trong năm ngày đầu ra quân, lực lượng chức năng đã kiểm tra hơn 3.400 trường hợp, lập biên bản gần 320 trường hợp (tạm giữ 33 ô tô) và không phát hiện trường hợp tài xế nào sử dụng chất ma túy. “Kết quả cho thấy phần nào tài xế đã có ý thức hơn trong việc lái xe nhưng không loại trừ những trường hợp đối phó với lực lượng chức năng làm cho que thử nước bọt không phát hiện được ma túy” - đại diện Phòng PC08 cho hay.

Phòng PC08 đang làm việc với các trung tâm y tế dự phòng quận/huyện chuẩn bị nhân sự, thiết bị test ma túy, kinh phí,… để tổng kiểm tra tài xế trước Tết nguyên đán.

• Tại Bến Tre, từ ngày 21-1, CSGT bắt đầu tổng kiểm soát ô tô kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa.

Theo lãnh đạo phòng tham mưu Công an tỉnh Bến Tre, đợt tổng kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như chạy quá tốc độ quy định, sử dụng chất ma túy và các hành vi vi phạm khác. Công an sẽ sử dụng thiết bị nghiệp vụ kiểm tra tài xế nghi vấn sử dụng các chất kích thích như rượu bia, ma túy.

Trong ngày đầu ra quân, lực lượng chức năng chưa phát hiện tài xế dương tính với chất ma túy…

• Ngày 22-1, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Đại tá Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ, cho biết đã chỉ đạo công an thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng và Bộ Công an trong công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn trước, trong và sau Tết nguyên đán.

Và từ giữa tháng 12-2018, lực lượng đã ra quân thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo an ninh, an toàn…

• Đại diện lãnh đạo Công an phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, cho biết sau bốn lần ra quân phối hợp với Đội hình sự quận, CSGT, tổ 363 kiểm tra các tài xế ở cụm cảng Trường Thọ đã phát hiện 10 tài xế sử dụng ma túy và phát hiện có người sử dụng bằng giả hoặc bị giữ bằng nhưng vẫn lái xe container…

L.THOA - Đ.HÀ - G.TUỆ - Đ.TRANG

Các nước phạt nghiêm tài xế chơi ma túy

Anh: Ở Anh, nếu cảnh sát phát hiện người vi phạm điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng dương tính với ma túy, tùy vào từng trường hợp, người vi phạm sẽ phải chịu những mức phạt như:

+ Cấm lái xe một năm, ngồi tù 3-6 tháng và phạt tiền lên đến 2.500 bảng Anh.

+ Nếu trường hợp người vi phạm lái xe gây tai nạn, họ sẽ bị coi là tội phạm và hồ sơ lái xe sẽ ghi chú rõ là “Đã lái xe trong tình trạng có dùng ma túy” và lưu hồ sơ đến 11 năm. Người lái xe trong tình trạng có ma túy gây tai nạn chết người sẽ phải đối mặt với án tù lên đến 14 năm.

Mỹ: Hình phạt cho việc lái xe có sử dụng ma túy được áp dụng theo từng tiểu bang và tùy theo lượng ma túy và mức độ nghiêm trọng.

+ Vi phạm lần đầu: Phạt ngồi tù từ bốn ngày đến sáu tháng, phạt tiền từ 1.000 USD và đình chỉ GPLX 1-10 tháng.

+ Vi phạm lần hai: Phạt tù từ 10 ngày đến một năm, phạt tiền 1.800 USD, đình chỉ giấy phép hai năm.

+ Vi phạm lần thứ ba: Phạt tù từ bốn tháng đến một năm, phạt tiền lên tới 1.800 USD và đình chỉ giấy phép ba năm.

Singapore:

Lần đầu, người vi phạm sẽ bị phạt 1.000-5.000 đôla Singapore và bị phạt tù đến sáu tháng.

+ Nếu tái phạm, hình phạt sẽ nâng lên thành 3.000-10.000 đôla Singapore và bị phạt tù đến 12 tháng. Ngoài việc bị phạt tiền và ngồi tù, người vi phạm sẽ bị tước GPLX một năm, tính từ thời điểm xử phạt hoặc sau khi mãn hạn tù.

+ Trong trường hợp vi phạm có hệ thống, người vi phạm sẽ bị tăng mức phạt lên đến 9.000-30.000 đôla Singapore và bị phạt tù đến ba năm.

Hong Kong: Các mức hình phạt của Hong Kong về việc tài xế dương tính với ma túy cũng tương tự các quốc gia khác:

+ Phạt tối đa 25.000 đôla Hong Kong và phạt tù tới ba năm; bắt buộc cải thiện khóa học lái xe; cấm lái xe từ sáu tháng đến hai năm...

T.UYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm