Đề nghị xử lý hình sự đối tượng pha xăng

Chiều 5-4, Ban chỉ đạo 389 TP Cần Thơ họp sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quý I-2018.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo 389 TP chiều 5-4. Ảnh: NN

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết đến nay TP có một vụ đang chuyển hồ sơ đề nghị xử lý hình sự đối với vụ pha xăng ở huyện Phong Điền. Theo ông Toại, nếu doanh nghiệp vi phạm bị truy tố thì có cơ sở để rút giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp này.

Cũng theo giám đốc Sở Công Thương, đối với mặt hàng xăng dầu không phải ngày nào họ cũng pha trộn mà họ thường làm vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ vì đó là những ngày lực lượng chức năng không làm. Do đó, việc kiểm tra đối với những cơ sở này cũng cần được quan tâm hơn.

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Toại lưu ý việc cây xăng thường pha trộn xăng vào ngày cuối tuần và ngày lễ để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện. Ảnh: NN

Báo cáo công tác quý I, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP, cho biết mặt hàng đường kính số lượng buôn lậu bắt được không lớn nhưng thủ đoạn mới.

Cụ thể trước đây, đối tượng buôn lậu sang bên kia biên giới mua đường Thái Lan loại bao 50 kg rồi sang lại bao loại 50 kg màu trắng, không ghi nhãn mác, chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Nay họ mua loại đường Thái Lan bao 50 kg rồi đóng gói lại bằng giấy dầu loại 12 kg/gói, trên nhãn thể hiện đường cát Việt Nam, chuyển về Việt Nam tiêu thụ.

Họ sử dụng các hóa đơn từ các nhà máy sản xuất đường trong nước, các chứng  từ mua hàng hóa đấu giá hoặc xoay vòng hóa đơn để hợp thức hóa đường lậu.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam cho rằng vấn đề an toàn thực phẩm nếu chỉ chống mà không xây thì không có hiệu quả.

Ông Nam chỉ đạo các ngành gồm công thương, NN&PTNT phải xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm sạch, truy xuất được xuất xứ. Muốn làm được vậy thì những cơ sở này phải có sự xác tín với người dân là mua hàng ở đây sẽ đảm bảo là hàng sạch, để người tiêu dùng yên tâm…

Cạnh đó, ông Nam cũng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường phải đổi mới công tác kiểm tra và xây dựng được cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính.

Ví dụ như khi có cơ sở dữ liệu về xử phạt trong lĩnh vực buôn lậu thuốc lá, nếu một người từng bị xử phạt hành chính một lần về hành vi này thì lần thứ hai nếu bị bắt chỉ với một gói thuốc họ cũng có thể bị xem xét xử lý hình sự theo quy định. Có cơ sở dữ liệu để kết nối các quận, huyện trong TP và với các tỉnh bạn để dễ dàng trong việc xử lý.

Công an TP vừa phát hiện Công ty TNHH MTV Chế biến lương thực TP và lò sấy lúa NHP có hành vi sản xuất lúa giống không có giấy phép, không có quyết định công nhận giống lúa và không có chứng từ hợp pháp về sản xuất lúa giống, giả nhãn hiệu lúa giống đã được bảo hộ, đăng ký đối với các loại giống lúa Đài Thơm 8, OM 5451, Nàng Hoa 9 và RVT-ST với số lượng hơn 830 tấn.

Theo đại diện Công an TP, đối tượng làm lúa giống thu lợi nhuận rất cao. Họ mua lúa với giá 5.000-5.500 đồng/kg rồi bán ra với giá 13.000-15.000 đồng/kg. Công an xác định một số địa phương đã tiêu thụ nhiều gồm Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang. Loại lúa này sạ chỉ lên 50%...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới