Để người dân không quay lưng với bảo hiểm

(PLO)- Bộ trưởng Bộ Tài chính nhìn nhận quá trình tăng trưởng nhanh về “lượng” của thị trường bảo hiểm chưa có sự phát triển về “chất” tương ứng.

Vừa qua, thảo luận về kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đề cập đến một số nội dung về bảo hiểm nhân thọ (BHNT) và đề nghị Bộ Tài chính xem xét, chấn chỉnh BHNT nói riêng, bảo hiểm nói chung minh bạch, chân thành để người dân không quay lưng với bảo hiểm.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay: “Chúng tôi cũng đang tập trung vào những nội dung để quản lý kinh doanh BHNT nói riêng và bảo hiểm nói chung”.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc

Lượng và chất chưa tương ứng

. Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, nhưng những vấn đề mà ĐB Nguyễn Thị Thủy nêu đangrất thời sự và đáng quan tâm?

+ Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Như tôi vừa giải trình trước QH, vừa qua có những tồn tại trong kênh liên kết giữa ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm. Tức là ngân hàng thương mại ký hợp đồng với doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) để bán bảo hiểm cho khách hàng thông qua ngân hàng giới thiệu nhằm hưởng hoa hồng.

Các hợp đồng dài, chưa rõ ràng, người mua thường không đọc kỹ nên xảy ra việc thua thiệt khi khiếu kiện. Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm tra và xử lý nghiêm những ngân hàng và những công ty bảo hiểm vi phạm.

Bộ Tài chính cũng đang xây dựng nghị định và thông tư để thực hiện pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, tập trung vào nguyên tắc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm rõ ràng hơn, ngắn hơn, trọng tâm hơn; làm rõ quyền lợi, thời hạn và nghĩa vụ của các bên; quy định gói định mức tối đa chi thưởng, các vấn đề về chi đại lý; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Bảo hiểm nhân thọ đang là một trong những vấn đề nóng được dư luận quan tâm trong thời gian qua. Ảnh: HOÀNG GIANG

. Bộ trưởng có nghĩ rằng vẫn còn nhiều vấn đề mà cả cơ quan quản lý lẫn người dân, các DNBH phải làm để Việt Nam có một thị trường bảo hiểm tốt, đóng góp nhiều cho kinh tế - xã hội.

+ Chúng ta thẳng thắn với nhau rằng: Quá trình tăng trưởng nhanh về “lượng” của thị trường bảo hiểm chưa có sự phát triển về “chất” tương ứng. Thị trường bảo hiểm đặc biệt là BHNT vừa qua đã phát sinh một số vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, cũng như dịch vụ chăm sóc và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng. Nếu như trước đây, thị trường chỉ có kênh đại lý truyền thống thì thời gian qua đã hình thành thêm nhiều kênh phân phối khác là các đại lý tổ chức mà điển hình là kênh phân phối qua ngân hàng (bancassurance).

Bancassurance giúp hoạt động khai thác bảo hiểm trở nên đa dạng nhưng cũng tạo ra sự phức tạp hơn trong thời gian gần đây. Do đó, chúng ta phải nhìn nhận lại và chấn chỉnh để hoạt động lành mạnh, đúng hướng.

Sau khi những vấn đề trên bộc lộ, Bộ Tài chính cũng đã tăng cường nhiều giải pháp chấn chỉnh những điểm còn tồn tại trong triển khai hoạt động khai thác các sản phẩm bảo hiểm trên thị trường BHNT nói chung và kênh bancassurance nói riêng.

Những nguyên nhân gây bức xúc dư luận

. Sau những vấn đề nổi lên ấy, cả cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia cũng đã có thời gian nhìn lại. Trách nhiệm mỗi bên, mỗi khâu trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểmcó vẻ dần rõ hơn. Và đại lý bảo hiểm dường như là nơi bộc lộ nhiều vấn đề nhất. Bộ trưởng đánh giá thế nào?

+ Thực ra nếu nhìn toàn cục, chất lượng đại lý bảo hiểm đã có sự cải thiện. Tuy vậy, một số đại lý bảo hiểm hoạt động với chất lượng chưa cao. Thực tế nhiều DNBH chỉ chú trọng vào đào tạo thiên lệch rằng đại lý chỉ để bán được sản phẩm hơn là chú trọng kiến thức kinh tế nền, kiến thức chuyên môn bảo hiểm, đạo đức nghề nghiệp.

DNBH đương nhiên phải chú trọng doanh thu, lợi nhuận đại lý thu về nhưng cũng không thể lơ là kiểm soát, giám sát hoạt động, chất lượng tư vấn, chăm sóc khách hàng.

Còn về phía khách hàng, hẳn cũng nhiều người chưa quan tâm tìm hiểu kỹ, còn có tâm lý cả tin, cả nể khi ký hợp đồng bảo hiểm. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những bức xúc mà dư luận phản ánh trong thời gian qua, làm giảm vai trò, bản chất thực và tính nhân văn của bảo hiểm.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy kiến nghị cần có thanh tra toàn diện hoạt động bảo hiểm nhân thọ. Ảnh: VGP

. Gần đây, bancassurance được đẩy mạnh nhưng cũng kéo theo hệ lụy mà ĐBQH cũng như nhiều chuyên gia, cơ quan báo chí đề cập. Theo Bộ trưởng, làm thế nào để kênh bảo hiểm tiềm năng này phát huy được những giá trị như các nước có lịch sử thị trường bảo hiểm lâu đời?

+ Các cơ quan quản lý chuyên ngành, NHNN, Bộ Tài chính cũng đã nhìn thấy các vấn đề phát sinh trong bancassurance và khẩn trương vào cuộc để thay đổi. Bộ Tài chính và NHNN cũng đã nhiều lần làm việc với nhau và có văn bản chấn chỉnh các ngân hàng thương mại, DNBH phải nghiêm chỉnh chấp hành, tuân thủ pháp luật, cấm các hành vi mời chào, lôi kéo, tư vấn không đầy đủ hoặc ép khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Về pháp lý, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đã được ban hành với các quy định cụ thể, chặt chẽ. Chúng tôi đã trình Chính phủ và tới đây nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ sớm được ban hành. Đây chính là một trong những cơ sở pháp lý vững chắc nhằm chấn chỉnh hoạt động, tăng cường chất lượng theo hướng bảo vệ quyền lợi khách hàng của kênh phân phối này.

Thị trường bảo hiểm còn nhiều thách thức

. Nhưng bên cạnh pháp lý, chúng ta cũng cần có những biện pháp khác để thị trường bảo hiểm sau một thời gian xây dựng, phát triển sẽ loại bỏ được những nguy cơ cho các bên, từ quản lý nhà nước tới người mua bảo hiểm.

+ Thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển. Do vậy sẽ còn rất nhiều việc phải làm, vừa làm vừa hoàn thiện để từng bước đạt được các mục tiêu mà chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt.

Muốn vậy, thị trường bảo hiểm vẫn còn nhiều thách thức về chất lượng nhân lực, cơ sở dữ liệu thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường quản trị rủi ro và tính minh bạch của các DNBH... Trong các năm tới, bên cạnh các yếu tố nền tảng như tăng trưởng kinh tế, quy mô dân số, xu hướng phát triển công nghệ... thì nền tảng pháp lý được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển hơn nữa cả về “lượng” và “chất”.

Tất nhiên, mọi sự thay đổi không thể “ngày một, ngày hai” mà cần một quá trình. Chúng tôi xác định rằng: Thị trường bảo hiểm Việt Nam luôn phải đặt chất lượng phát triển lên hàng đầu. Muốn hướng tới mục đích “hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ” thì cần các giải pháp đồng bộ từ cả phía cơ quan quản lý, sự chung tay vào cuộc thực sự của cả các DNBH, ngân hàng thương mại, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và người tham gia bảo hiểm.

. Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.

Tăng cường giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm

Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến sản phẩm bảo hiểm; công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và DNBH để người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin khi tìm hiểu, lựa chọn cho mình sản phẩm bảo hiểm phù hợp.

Cơ quan quản lý đã và tiếp tục yêu cầu rà soát, tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các DNBH và tiến hành xử lý nghiêm minh nếu phát hiện các trường hợp đại lý bảo hiểm sai phạm quy định pháp luật.

Các DNBH cần rà soát các sản phẩm bảo hiểm, đơn giản hóa quy tắc, điều khoản, tăng cường việc công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm bảo hiểm và hoạt động của mình. Đồng thời, DNBH cũng cần hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ, chính sách về quản trị rủi ro, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật; thường xuyên đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng đào tạo các đại lý để tăng chất lượng tư vấn và dịch vụ khách hàng.

Người tham gia bảo hiểm cũng cần tìm hiểu thật kỹ quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia hợp đồng bảo hiểm để bảo vệ cho chính mình, đồng thời giảm thiểu tranh chấp phát sinh về sau.

Chúng tôi tin ngành bảo hiểm trong tương lai sẽ phát triển chất lượng hơn, đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế và an sinh xã hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính HỒ ĐỨC PHỚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới