Để người lao động an tâm với lương hưu

(PLO)- Có rất nhiều người lao động trong cả nước có mức thu nhập từ tiền lương hưu hàng tháng dưới 3 triệu đồng, họ phải tìm việc làm thêm để trang trải sau khi về hưu. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chị bạn đồng nghiệp trong doanh nghiệp nơi tôi làm việc mới đây đã nhận quyết định nghỉ việc, hưởng chế độ hưu trí sau hơn 25 năm làm việc, cống hiến cho doanh nghiệp, cho ngành.

Thế nhưng thú thật nhìn mức tiền lương hưu, là thu nhập hàng tháng của chị sau khi nghỉ hưu tôi có chút bất ngờ và băn khoăn vì mức thu nhập hàng tháng từ tiền lương hưu của chị là quá thấp, chưa đến 3 triệu đồng cho thời gian tham gia, đóng BHXH gần 30 năm trời.

Làm một phép so sánh giản đơn, với mức sống, mức thu nhập như hiện nay thì thú thật, ở TP.HCM người lao động về hưu như chị làm sao có thể sống được với mức thu nhập khi tiền lương hưu hàng tháng chưa đến 3 triệu đồng sau khi nghỉ hưu? Chị dự tính sẽ tìm thêm một công việc có tính chất "thời vụ" để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống sau khi nghỉ hưu.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, của ngành BHXH, hiện nay số người lao động trong cả nước có mức thu nhập từ tiền lương hưu hàng tháng dưới 3 triệu đồng như trường hợp của chị bạn đồng nghiệp nơi tôi làm việc là một con số hoàn toàn không hề nhỏ, lên đến hàng trăm ngàn người lao động sau khi đã đủ tuổi đời và thời gian công tác để nghỉ hưu.

Tôi là một cán bộ phụ trách chuyên về chế độ, chính sách BHXH hơn 20 năm nay trong một doanh nghiệp. Tôi nhận thấy vấn đề tiền lương hưu của người lao động trong doanh nghiệp thấp sau khi nghỉ hưởng chế độ hưu trí xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó có việc khi xây dựng thang bảng lương doanh nghiệp thường "bóp" đến mức tối đa chi phí tiền lương chế độ, khoảng cách giữa các bậc thợ để làm sao mức lương của công nhân, người lao động trong doanh nghiệp là thấp nhất, giảm tối đa chi phí phải đóng và thực hiện các chế độ về chính sách BHXH hàng tháng.

Ngoài ra, hiện nay còn có tình trạng tồn tại song song hai bảng lương hàng tháng tại nhiều doanh nghiệp, trong đó có nhiều khoản phụ cấp có tính chất xuất phát từ tiền lương, tiền công bắt buộc phải đóng các chế độ về BHXH nhưng thường là doanh nghiệp "lách luật", đưa vào các loại chi phí "miễn trừ" khác và "biến" thành chi phí hỗ trợ như tiền thưởng sáng kiến, tiền hỗ trợ nhà ở...

Cũng cần nói thêm rằng, hiện nay mức thu nhập từ tiền lương hưu hàng tháng của công nhân, người lao động thấp, nhất là đối với lao động nữ một phần là do Luật BHXH năm 2014 có nhiều thay đổi về thời gian tham gia đóng BHXH, cách tính bình quân tiền lương hưu thay đổi nên việc thu nhập từ tiền lương hưu hàng tháng của người lao động thấp hơn so với quy định trước đây cũng là điều dễ hiểu.

Theo quy định từ năm 2018, lao động nữ phải có thời gian tham gia, đóng BHXH đủ 30 năm mới được hưởng mức lương hưu tối đa là 75%; nếu không đủ thì mỗi năm bị trừ 2%. Ngoài ra việc cộng cả thời gian và chia bình quân lương hưu cho cả giai đoạn đối với người lao động có thời gian tham gia, đóng BHXH từ tiền lương, tiền công do Nhà nước quy định và từ tiền lương tiền công do doanh nghiệp quyết định khiến mức thu nhập từ lương hưu giảm so với trước đây.

Thiết nghĩ, để đảm bảo đời sống cũng như thu nhập hàng tháng từ tiền lương hưu như hiện nay đối với công nhân lao động, nhất là người lao động có mức lương hưu quá thấp, Nhà nước, Chính phủ cần xem xét, điều chỉnh mức thu nhập hàng tháng từ tiền lương hưu cho bằng với mức lương tối thiểu vùng khi ngân sách và quỹ BHXH bình ổn, an toàn và có kết dư. Điều đó nhằm đảm bảo đời sống tối thiểu nhất khi người lao động về hưu, được nghỉ ngơi hoàn toàn mà không còn phải bận tâm, lăn tăn tìm kiếm việc làm thời vụ để kiếm tiền, trang trải cuộc sống.

Việc xem xét tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật BHXH làm sao cho phù hợp và tiệm cận với đời sống người lao động, nhất là sửa đổi thời gian tham gia, đóng BHXH sao cho phù hợp với từng đối tượng tham gia. Bên cạnh đó công thức, cách tính bình quân tiền lương hưu phải phù hợp với tình hình thực tế, qua các thời gian và từng giai đoạn của người tham gia, đóng BHXH. Ngoài ra, cần xử lý nghiêm các hành vi, chiêu trò "lách luật" trốn đóng, đóng BHXH không đúng, không đủ, để đảm bảo thu nhập có tính chất từ tiền lương, tiền công của người lao động trên thực tế phải được đóng đúng, đóng đủ, đảm bảo quyền thụ hưởng các chế độ chính sách về sau của người lao động, trong đó có chế độ hưu trí như hiện nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm