Thời gian gần đây,Pháp Luật TP.HCM nhận được một số câu hỏi của bạn đọc gửi về có thắc mắc liên quan đến mức hưởng lương hưu của người tham gia BHXH khi hết tuổi lao động, để nhận được lương hưu cao thì người lao động (NLĐ) phải thực hiện đóng BHXH như thế nào?
Cơ quan BHXH TP.HCM đã có những giải đáp xoay quanh những thắc mắc trên.
Người lao động đến cơ quan BHXH TP.HCM thực hiện các thủ tục liên quan BHXH. |
Đóng BHXH cao sẽ nhận lương hưu cao
. Bạn đọc Ngọc Lan (quận Bình Thạnh, TP.HCM) hỏi:Theo tôi được biết, nếu đóng BHXH càng cao thì khi về già sẽ nhận được lương hưu càng cao. Như vậy, có phải NLĐ làm việc có mức lương cao thì sẽ được đóng BHXH cao hay bị giới hạn về mức đóng BHXH? Luật quy định về tiền lương tháng đóng BHXH ra sao?
+ Bảo hiểm xã hội TP.HCM trả lời: Theo quy định tại Điều 89 Luật BHXH 2014 quy định về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc như sau: Đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Đối với NLĐ hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương cơ sở.
Đối với NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.
Từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Những trường hợp tiền lương tháng theo quy định trên cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng BHXH bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Như vậy, không phải đối với những NLĐ làm việc với mức lương cao thì tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc cao nhất mà chỉ bằng 20 lần mức lương cơ sở (hiện tại mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng).
. Bạn đọc Thành An (huyện Bến Lức, Long An) thắc mắc: Vừa rồi, tôi có đọc thông tin người nhận mức lương hưu cao nhất Việt Nam là hơn 100 triệu đồng/tháng. Như vậy, nếu bị giới hạn về mức đóng BHXH cao nhất thì tại sao người này lại có lương hưu cao như vậy?
+ Từ thời điểm Luật BHXH năm 2006 có hiệu lực đến nay, mức trần đóng BHXH đã được giới hạn không quá 20 tháng lương cơ sở.
Tuy nhiên, từ trước năm 2006, mức tiền lương đóng BHXH sẽ không bị giới hạn mức trần, tức tiền lương đóng BHXH sẽ theo hợp đồng lao động. Ví dụ, một người làm việc mức lương 250 triệu đồng/tháng. Trước năm 2006, số tiền đóng BHXH không bị giới hạn mức trần.
Đến thời điểm Luật BHXH năm 2006 có hiệu lực, mức trần đóng BHXH được giới hạn không quá 20 tháng lương cơ sở.
Mức lương hưu hằng tháng của NLĐ được tính như sau: Mức lương hưu hằng tháng = Tỉ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng (x) Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Không phải đối với những NLĐ làm việc với mức lương cao thì tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc cao nhất mà chỉ bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Mức hưởng lương hưu tính như thế nào?
. Bạn đọc Phương Thảo (TP Thủ Đức, TP.HCM) hỏi: Để nhận được lương hưu thì NLĐ phải đáp ứng những điều kiện gì?
+ Điều 73 Luật BHXH 2014 (sửa đổi tại khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019) quy định người tham gia BHXH được hưởng lương hưu phải đáp ứng hai điều kiện sau đây: Thứ nhất, NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu. Cụ thể, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Tuổi nghỉ hưu của NLĐ năm 2022, trong điều kiện bình thường là đủ 60 tuổi sáu tháng với lao động nam, đủ 55 tuổi tám tháng với lao động nữ.
Thứ hai, NLĐ đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên.
Như vậy, NLĐ tham gia BHXH nếu đáp ứng về độ tuổi và đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên thì được giải quyết chế độ hưu trí.
. Bạn đọc Mai Hương (quận 7, TP.HCM) hỏi: Hiện nay, cách tính lương hưu sẽ được thực hiện như thế nào?
+ Theo quy định hiện hành, từ ngày 1-1-2022 cách tính mức hưởng lương hưu như sau: Đối với lao động nam, 20 năm đầu đóng BHXH được hưởng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH tiếp theo tính tương ứng 2%, tối đa không quá 75%.
Đối với lao động nữ, 15 năm đầu đóng BHXH được hưởng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH tiếp theo tính tương ứng 2%. Tối đa không quá 75%.
Đối với NLĐ (không phân biệt nam, nữ), nếu nghỉ hưu trước tuổi quy định, cứ mỗi năm nghỉ trước tuổi quy định thì mức hưởng lương hưu hằng tháng bị giảm tương ứng 2%.•
1 người đang nhận lương hưu hơn 100 triệu đồng/tháng
Hiện nay, người đang hưởng mức lương cao nhất trên địa bàn TP.HCM là ông PPNT với số tiền 124.700.000 đồng/tháng.
Ông T nghỉ hưu từ tháng 4-2015 với mức lương hưu 87 triệu đồng/tháng, sau nhiều lần điều chỉnh, mức lương hưu của ông T tăng lên 101 triệu đồng/tháng và nay là hơn 124 triệu đồng/tháng.
Trước khi nghỉ hưu, ông T là tổng giám đốc một công ty FDI với mức lương lên đến 250 triệu đồng/tháng. Trước năm 2006, số tiền đóng BHXH không bị giới hạn mức trần, vì thế trung bình trong hơn 15 năm đầu, ông đóng 69 triệu đồng/tháng.
Đến thời điểm Luật BHXH năm 2006 có hiệu lực, mức trần đóng BHXH được giới hạn không quá 20 tháng lương cơ sở.
BHXH TP.HCM