Thời gian qua, với thông tin Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất sửa Luật BHXH theo hướng giảm mức đóng tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm, người dân mong muốn chính sách này sớm thành hiện thực.
Nếu chính sách này được thông qua sẽ giảm được tình trạng rút BHXH một lần, nhiều người dân sẽ được hưởng chế độ hưu trí.
Ông Đoàn Văn Vinh (bên phải) đang được nhân viên BHXH huyện Lộc Ninh hướng dẫn về những quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: V.LONG |
Tự chủ tài chính giúp tuổi già an nhàn
Nhiều năm qua ông Đoàn Văn Vinh ở huyện Lộc Ninh, Bình Phước vẫn đều đặn đến cơ quan BHXH để đóng phí tham gia BHXH tự nguyện với mong muốn về già sẽ nhận được lương hưu, sống an nhàn. Với mức đóng 1 triệu đồng/tháng, ông Vinh cho biết đó là khoản tiết kiệm hằng tháng của mình. Mức đóng này đối với ông cũng không cao nhưng ý nghĩa sau này thì vô cùng lớn.
Quá trình tham gia BHXH của ông Vinh bắt đầu hơi muộn, khi ông làm chủ tịch hội cựu chiến binh ở địa phương nên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Sau hai nhiệm kỳ làm công tác, cách đây không lâu ông xin nghỉ vì đã 67 tuổi. Với 10 năm tham gia BHXH, ông được một số người góp ý nên rút BHXH một lần để có khoản tiền chi tiêu. Tuy nhiên, khi đến BHXH huyện Lộc Ninh, ông được nhân viên ở đây giải thích cặn kẽ về những thiệt hại nếu rút BHXH một lần, đặc biệt khi tới đây chính sách hưởng lương hưu có thể thay đổi theo hướng có lợi cho người tham gia.
Từ đó, ông quyết định không rút BHXH mà tiếp tục đóng nối theo từng tháng. “Nếu tới đây Chính phủ, Quốc hội đồng ý thời gian tham gia BHXH tối thiểu còn 15 năm, thì tôi chỉ cần đóng một lần cho những năm còn thiếu là được hưởng lương hưu. Nhiều người như tôi cũng rất mong chờ chính sách này. Nếu thời gian đóng tối thiểu chỉ còn 15 năm, sẽ có nhiều người chọn ở lại với hệ thống BHXH mà không rút BHXH một lần, vì đó là quyền lợi lâu dài” - ông Vinh nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Lộc (55 tuổi), ngụ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, cho biết trước đây ông làm công nhân ở TP.HCM, được tham gia BHXH bắt buộc 10 năm. Đến năm 2021, do dịch COVID-19, ông về quê và chuyển sang nghề buôn bán, không trở lại TP. Để về già có lương hưu, ông quyết định tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.
“Qua báo chí, được biết Bộ LĐ-TB&XH đang đề nghị sửa Luật BHXH theo hướng giảm năm đóng BHXH xuống 15 năm. Tôi nghĩ đây là chính sách hết sức thiết thực, phù hợp đối với những người tham gia BHXH tự nguyện muộn như tôi” - ông Lộc nói.
Sẽ sửa các quy định về cách tính lương hưu để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm, nhằm giúp họ có được một khoản tiền lúc về già.
Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí
Bộ LĐ-TB&XH cho biết theo Điều 73 Luật BHXH 2014, người lao động (NLĐ) muốn được nhận lương hưu, ngoài đáp ứng điều kiện về độ tuổi thì phải có mức đóng BHXH tối thiểu 20 năm. Đây được xem là khoảng thời gian quá dài đối với NLĐ, không phù hợp với khả năng duy trì việc làm của nền kinh tế.
Cạnh đó, NLĐ khi gặp khó khăn phải quan tâm đến những nhu cầu trước mắt, nếu đóng BHXH dài mới được hưởng lương hưu, nhiều người sẽ nản lòng. Đây là một trong những lý do số người nhận BHXH một lần có xu hướng tăng dần qua các năm.
“Số liệu thống kê cũng cho thấy trong tổng số những người giải quyết hưởng BHXH một lần thì có gần 10% là những người có thời gian đóng BHXH từ đủ 10 năm trở lên” - Bộ LĐ-TB&XH cho hay.
Theo đó, cơ quan soạn thảo đề nghị sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm. Mục đích nhằm tạo điều kiện cho NLĐ tham gia BHXH muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Đi đôi với việc giảm năm đóng, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết sẽ sửa các quy định về cách tính lương hưu để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm, nhằm giúp họ có được một khoản tiền lúc về già.
Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy thời gian tham gia BHXH 10 năm là đủ điều kiện hưởng lương hưu. Tất nhiên, thời gian đóng BHXH ngắn thì mức lương hưu có thể thấp nhưng với khoản lương hưu được trả hằng tháng vẫn đảm bảo tốt hơn cuộc sống cho NLĐ khi về già. Đặc biệt, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc đảm bảo trợ cấp xã hội cho người cao tuổi.
Dự kiến vào cuối năm 2023, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật BHXH (sửa đổi) để Chính phủ hoàn thiện dự luật. Sau đó, tại kỳ họp thứ bảy (diễn ra vào tháng 5-2024), Quốc hội dự kiến thông qua dự án Luật BHXH và có hiệu lực từ đầu năm 2025.•
Đề xuất thêm chế độ cho người tham gia BHXH tự nguyện
Mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã yêu cầu tổ soạn thảo tiếp tục rà soát, đề xuất giải pháp cụ thể hóa trong các điều, khoản của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng yêu cầu tổ soạn thảo tập trung đánh giá, nghiên cứu đề xuất phương án giải quyết vấn đề BHXH một lần; chậm đóng, trốn đóng BHXH kéo dài; nghiên cứu, đề xuất thêm quy định, chế độ nhằm tăng tính hấp hẫn đối với BHXH tự nguyện và tầng trợ cấp hưu trí xã hội.