Cần nhận thức đúng môn sử
Để học môn sử có hiệu quả, học sinh nên nhận thức rằng môn sử giúp chúng ta hiểu hơn về truyền thống dân tộc Việt Nam; về mối tương quan, quá trình phát triển không tách rời của lịch sử dân tộc và nhân loại. Vận dụng vào cuộc sống hiện tại để làm giàu thêm truyền thống dân tộc, từ đó chúng ta sẽ yêu quê hương đất nước, sống tốt hơn.
Hướng đổi mới của Bộ GD&ĐT trong tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 là hai trong một, vì vậy hơn lúc nào hết học sinh cần chuẩn bị cho mình cách học, ôn tập và làm tốt một đề thi tự luận môn lịch sử trong một giới hạn thời gian cho phép. Tuy vậy, hiện nay đa số học sinh chưa có phương pháp học hệ thống cũng như chưa có đầy đủ các kỹ năng khi làm bài. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho các em là làm sao vận dụng được kiến thức đã học vào việc phân tích, diễn đạt một sự kiện lịch sử trong một bài thi lịch sử.
Bài viết này góp phần giúp gợi ý cho các em học, ôn tập các nội dung nào, làm bài thi ra sao... để có thể đạt điểm cao môn sử.
Về nội dung học, ôn tập: Chủ yếu chương trình SGK lịch sử lớp 12.
Đề thi: Cách ra đề chú trọng: mở, dùng kiến thức liên môn xử lý, không yêu cầu TS máy móc nhớ số liệu, học thuộc lòng mà phải xử lý, phân tích được số liệu.
Đề thi đảm bảo hai phần: Phần cơ bản đảm bảo xét tốt nghiệp và phần phân hóa để tuyển sinh ĐH, CĐ. Ra đề theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc.
Không học thuộc lòng, máy móc
Trên tinh thần này, học lịch sử không bắt buộc các em phải học thuộc lòng một cách máy móc, mà cần phải nắm được các nội dung trọng tâm trong chương trình ôn tập môn sử, hiểu và nắm vững kiến thức cơ bản, ghi nhớ và hiểu những sự kiện cốt yếu, gắn với thời gian, địa danh, nhân vật lịch sử…
Khi học môn sử, các em cần lưu ý: Hệ thống hóa kiến thức cơ bản bằng đối tượng, phân kỳ lịch sử; Khai thác và xử lí các thông tin sự kiện (trình bày) và chốt kiến thức trọng tâm bằng hệ thống câu hỏi, bài tập và đề cương tóm tắt; rèn kỹ năng tư duy, sáng tạo, . . .
Đề tự luận môn lịch sử, yếu tố quan trọng số một là thí sinh phải đọc kỹ để hiểu đề một cách chính xác. Vì hiểu đề thi là đã giúp nhận ra vấn đề trọng tâm mấu chốt cần trả lời: Tức là xem câu hỏi đề cập đến vấn đề gì và vấn đề đó có liên quan đến bài nào, phần nào của nội dung chương trình.
Kế đến, để trả lời câu hỏi ấy, cần những ý lớn nào và thứ tự của chúng ra sao. Nếu chưa nhận ra vấn đề trọng tâm mấu chốt cần trả lời thì sẽ dễ dẫn đến lạc đề.
Kinh nghiệm chấm thi tốt nghiệp và thi đại học những năm qua cho thấy, đối với những câu hỏi khó (không xác định được vấn đề trọng tâm mấu chốt), số thí sinh bị điểm 0 thường không ít. Vì vậy học sinh cần hiểu rõ những điểm then chốt, hiểu sâu tất cả những khái niệm, nội dung được sử dụng trong sách giáo khoa; phải ngầm biết rằng một sự kiện, vấn đề lịch sử có thể được hỏi bằng nhiều cách khác nhau.
Ví dụ, thay vì hỏi “ý nghĩa của cao trào cách mạng 1930 - 1931”, đề thi có thể hỏi “tại sao nói cao trào cách mạng 1930-1931 là cuộc diễn tập đầu tiên chuẩn bị cho Cách mạng thángTám - 1945?”. Nếu chưa rõ những ý lớn nào và thứ tự của chúng một cách đầy đủ thì kết qủa sẽ không cao vì làm không đủ những ý chính. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho thí sinh bị điểm thấp.
Hệ thống kiến thức
Để nhận biết và nêu ra được các ý chính, khi học tập, học sinh phải hiểu sâu những quy luật, tư tưởng lớn nào chi phối cả một giai đoạn lịch sử lớn; khi học từng bài học phải hiểu đâu là những ý lớn, đâu là những chi tiết, minh họa, phải biết tóm tắt bài học và diễn đạt sơ đồ ý, dàn ý của từng bài. Đó cũng là một cách để hệ thống lại, chỗ nào quên thì lật sách xem lại. Cách này nhằm rèn luyện cho các em khả năng làm chủ thời gian, khả năng diễn dạt nội dung,văn phong.
Muốn có hiệu quả thực sự, các em phải tập chủ động, tự đặt ra và tuân thủ thời gian, tập đi tập lại sao cho trong khoảng thời gian 120 đến 180 phút, học sinh có thể diễn đạt một bài lịch sử tự luận với đầy đủ các nội dung cần thiết với độ dài khoảng 4 trang giấy thi.
Một trong những yếu tố quan trọng quyết dịnh thành công trong khi thi là khả năng phân bố và làm chủ thời gian quy định. Cách sử dụng hợp lý quỹ thời gian này có thể theo phương án sau: - Dành 10 phút để phân tích đề (xác dịnh yêu cầu, phạm vi, và trọng tâm của các câu hỏi) - Dành 20 phút để làm đề cương ra giấy nháp. Đề cương này không cần quá chi tiết đểtránh mất thời gian, nhưng phải rõ khung ý lớn cùng những gợi ý ngắn về những chi tiết cần minh họa, đồng thời đảm bảo sự cân đối về nội dung.
Thường điểm môn sử chưa cao là do có đến 60 -70% thí sinh không làm đề cương ra giấy nháp trước khi làm bài hay làm đề cương quá sơ sài.- Dành 130 phút để thể hiện đề cương thành bài viết. - Dành 20 phút để đọc lại, sữa chữa lỗi văn phạm và sai sót về nội dung.
Đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia - môn Sử thường có 4 câu, ba câu cho chương trình Sử Việt Nam và một câu cho chương trình Sử Thế giới. Ba câu hỏi cho chương trình Sử Việt Nam có nội dung trải đều khắp chương trình lớp 12 về lịch sử Việt Nam, phần lớn đều là những câu hỏi tự luận mang tính tư duy, đòi hỏi sự chính xác, hiểu bài. Phần dành cho chương trình Sử thế giới thường chiếm khoảng 3 điểm.
Đối với đề thi gồm nhiều câu hỏi như hiện nay, thí sinh không cần làm nhập đề và kết luận, mà trả lời thẳng vào từng câu hỏi. Văn phong cần rõ ràng, mạch lạc, chính xác
Ngoài sự chuẩn bị về kiến thức, về phương pháp, muốn có kết quả cao trong kỳ thi cần chú ý đúng mức đến việc chuẩn bị về sức khỏe và tâm lý để đảm bảo trạng thái thi tuyển tốt. Nên có kế hoạch ôn luyện điều độ, khoa học, giải quyết hợp lý các nhu cầu học tập, nghỉ ngơi, giải trí để đảm bảo sức khỏe, tránh sự căng thẳng đầu óc. Hết sức tránh kiểu “học tủ”, “học vẹt” và khi vào phòng thi tuyệt đối không mang theo tài liệu để quay cóp.
Trong phòng thi, sự bình tỉnh,tự tin quyết dịnh rất lớn đến kết quả làm bài. Các hiện tượng học tủ, phạm quy... sẽ gây tác động không nhỏ đến kỳ thi, tạo ra những cú sốc tâm lý rất tai hại mà hậu quả không thể lường hết được.