Đăng ký thi THPT sao cho có lợi?

Phóng viên đã trao đổi với PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ về vấn đề này.

. Hiện có hai loại cụm thi nên đăng ký thi ở cụm thi nào để có lợi nhất?

+ Quyết định thi tại cụm thi do trường ĐH chủ trì hay tại cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì có ảnh hưởng rất lớn đến đường vào ĐH của các em. Đối với thí sinh chưa có bằng tốt nghiệp THPT: Nên đăng ký thi ở cụm thi do trường ĐH chủ trì để rộng đường đi sau khi có kết quả thi. Nhớ đánh dấu “x” vào cả hai ô trong mục số 9 của phiếu đăng ký dự thi (ĐKDT). Chỉ khi nào khó khăn lắm mới chọn thi ở các cụm thi do Sở GD&ĐT tổ chức. Đối với thí sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT: Được tự do chọm cụm thi phù hợp nhưng phải chọn thi ở cụm thi do trường ĐH chủ trì.

. Phụ huynh phản ánh nhà trường khuyên nên đăng ký thi ở cụm thi do Sở GD&ĐT tổ chức để bảo đảm đậu tốt nghiệp?

+ Tôi nghe một vài nguồn tin nói rằng một số trường (thậm chí có sự chỉ đạo ngầm của tỉnh) khuyên các em nên đăng ký thi ở các cụm thi địa phương nhằm đảm bảo tỉ lệ tốt nghiệp THPT không bị sụt giảm so với năm rồi, sau đó các em có thể nộp hồ sơ xin xét tuyển vào các trường ĐH sử dụng kết quả thi tại cụm địa phương. Em nào muốn vào các trường ĐH lớn thì năm sau sẽ thi lại.

Khuyên các em làm như vậy thì đáng tiếc cho các em quá. Người lớn hãy tự đặt câu hỏi: Chúng ta khuyên các em làm như vậy là vì lợi ích của ai? Là vì muốn bảo vệ thành tích của trường, của tỉnh hay vì lợi ích của các em?

Học sinh cần được tư vấn kỹ trước khi điền hồ sơ ĐKDT THPT quốc gia. Ảnh: HTD

Tôi phân tích để quý phụ huynh có thêm thông tin định hướng cho các em: Đề thi năm nay là đề thi tổng hợp, bao gồm đề thi tốt nghiệp THPT cộng với đề thi tuyển sinh ĐH. Vì vậy các trường sợ học sinh của mình không làm được các câu hỏi khó nên không tốt nghiệp THPT. Suy nghĩ như vậy là không đúng bởi vì nếu thi ở cụm thi địa phương cũng phải sử dụng chung đề như cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Chỉ khi nào các tỉnh dự định chấm nhẹ tay hơn các trường ĐH thì kết quả điểm của cụm thi địa phương mới cao hơn. Cũng khó làm như vậy vì Bộ sẽ áp dụng các đoàn chấm kiểm tra.

Mặc dù Bộ GD&ĐT không nói ra nhưng tôi đoán rằng đề thi năm nay mức độ khó cỡ bằng với đề tốt nghiệp THPT để đảm bảo tỉ lệ đậu tốt nghiệp không thấp hơn năm 2014. Bởi vì năm nay là năm đầu tiên áp dụng cách thi mới, nếu để tỉ lệ tốt nghiệp THPT sụt giảm nhiều quá thì Bộ sẽ chịu áp lực của xã hội rất lớn. Ngoài ra, các trường ĐH cũng được Bộ phân công giám sát các cụm thi địa phương. Vậy thì không nên nghĩ thi tại cụm thi ở địa phương là “thoải mái” hơn thi ở các trường ĐH.

. Nguyên tắc chọn các môn thi như thế nào?

+ Đối với thí sinh chưa có bằng tốt nghiệp THPT: Chọn ba môn bắt buộc (toán, văn, ngoại ngữ), sau đó chọn các môn cần để xét tuyển ĐH nếu các môn này không trùng với ba môn đã chọn. Nếu tất cả các môn cần để xét ĐH trùng với ba môn đã chọn thì phải chọn thêm một môn nữa để có đủ bốn môn mới đủ điều kiện xét tốt nghiệp THPT. Đối với thí sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT: Không cần chú ý đến các môn thi tốt nghiệp THPT nữa, chỉ cần chọn các môn cần để xét tuyển ĐH.

. Theo quy định, thí sinh được chọn tối đa tám môn thi. Nhưng chọn thi hết tám môn thì sợ… đuối, còn chọn ít thì sợ thiệt thòi. Vậy chọn bao nhiêu môn là vừa?

+ Nguyên tắc chung là chọn nhiều môn thì bị phân tán việc học, khó có thể đạt điểm cao của từng môn nhưng có thể chọn nhiều ngành khi xét tuyển ĐH. Xu hướng chung là các em nên chọn năm môn. Nếu đến lúc nộp hồ sơ mà vẫn chưa quyết định được thì có thể chọn hết tám môn, đến lúc thi thì chỉ thi những môn cần lấy điểm.

. Cuối cùng, khi làm hồ sơ ĐKDT, điều gì quan trọng nhất cần lưu ý?

+ Đoạn cuối của trang đầu phụ lục 2 trong Công văn 1388 (hướng dẫn thực hiện quy chế thi...) có nội dung: “Thí sinh dự thi với mục đích chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT hoặc chỉ để xét tuyển sinh ĐH, CĐ hoặc cả hai mục đích được ĐKDT tại cụm thi do trường ĐH chủ trì”. Như vậy nếu thí sinh đăng ký tại cụm thi do trường ĐH chủ trì nhưng trong mục số 9 chỉ đánh đấu “x” vào ô “ĐKDT để xét công nhận tốt nghiệp THPT” mà không đánh đấu “x” vào ô còn lại thì khi có kết quả thi, nếu đạt điểm cao vẫn không thể dùng kết quả này xin xét tuyển vào các trường ĐH tuyển sinh theo phương thức sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia.

Lời khuyên: Nếu chọn thi tại cụm thi do trường ĐH chủ trì thì đánh dấu “x” vào cả hai ô của mục số 9. Nếu mục đích dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT thì nên chọn thi tại cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì, đánh dấu “x” vào ô thứ nhất của mục số 9.

. Đang là sinh viên nay muốn thi lại vào một trường ĐH khác có được không?

+ PGS-TS Đỗ Văn Xê: ĐH Cần Thơ cho phép các sinh viên này được tham dự kỳ thi THPT để lấy điểm xét tuyển vào ngành mình thích hoặc vào trường khác. Sinh viên nào có nhu cầu thi thì mang phiếu ĐKDT đến phòng công tác sinh viên để được xác nhận. Nếu thi đậu thì phải đền bù chi phí đào tạo trước đó.

+ PGS-TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM: Theo quy định, thí sinh muốn thi lại ở một trường ĐH khác thì phải có xác nhận cho phép của hiệu trưởng trường đang theo học. Nhưng trên thực tế hiếm có trường hợp nào được hiệu trưởng xác nhận. Do đó theo tôi, nếu sinh viên nào có nguyện vọng thì đăng ký như thí sinh tự do.

 ___________________________________________

TP.HCM: Mỗi cụm thi gồm 2-4 quận, huyện

Chiều 2-4, Sở GD&ĐT TP.HCM đã thông báo chi tiết việc phân chia tám cụm thi tại TP.HCM. Theo đó, tám cụm này gồm thí sinh tám tỉnh, thành. Cụ thể:

- Cụm thi ĐH Quốc gia TP.HCM gồm: Quận Bình Thạnh và Tân Bình; TP Biên Hòa và một phần tỉnh Đồng Nai (Vĩnh Cửu, Định Quán, Trảng Bom, Thống Nhất, Tân Phú).

- Cụm thi ĐH Công nghiệp TP.HCM: Quận Gò Vấp, Củ Chi, Hóc Môn và tỉnh Bình Phước.

- Cụm Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM: Quận 12, 9, Thủ Đức và một phần tỉnh Đồng Nai (các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc và Long Khánh).

- Cụm ĐH Sư phạm TP.HCM: Quận 1, 3, 11, 5; một phần tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (TP Vũng Tàu và huyện Châu Đức); Long An (TP Long An, huyện Bến Lức, một số học sinh thuộc huyện Đức Hòa và Tân Trụ).

- Cụm thi ĐH Sài Gòn: Quận 2, 4, 6, 8, Bình Tân; Bà Rịa-Vũng Tàu (TP Bà Rịa, Côn Đảo, Đất Đỏ, Long Điền, Tân Thành, Xuyên Mộc); Long An (Đức Huệ, Châu Thành, Thủ Thừa).

- Cụm thi ĐH Tôn Đức Thắng: Quận 7, huyện Cần Giờ, Nhà Bè; tỉnh Bình Thuận; Long An (Cần Đước, Cần Giuộc, Mộc Hóa, Thạnh Hóa và một số thí sinh thuộc các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, thị xã Kiến Tường).

- Cụm thi ĐH Y Dược: Quận 10, Phú Nhuận và tỉnh Bình Dương.

- Cụm thi ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP: Quận Bình Chánh, Tân Phú và tỉnh Tây Ninh.

PHẠM ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm