Theo các chuyên gia, TP.HCM hoàn toàn có khả năng trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Tuy nhiên, cần phải tháo gỡ những điểm nghẽn và trung ương cần trao cho TP một thể chế vượt trội để chủ động tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút dòng vốn quốc tế.
TS CẤN VĂN LỰC, chuyên gia tài chính - ngân hàng:
Dồn lực cho mục tiêu lớn của TP.HCM
Để TP.HCM trở thành một trung tâm tài chính của khu vực vẫn còn nhiều thách thức. Trước hết, ngoài yếu tố về ổn định chính trị thì vấn đề quan trọng là phải có sự chuyển đổi tự do trong khu vực với đồng tiền nội tệ Việt Nam (VN). Điều này VN đang nỗ lực phấn đấu. Vấn đề tự do luân chuyển dòng vốn, có nghĩa là vốn vào, vốn ra một cách tự do, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế.
Tất cả trung tâm tài chính hay quốc tế đều cần nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân sự trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm. TP.HCM đã có nhưng sức hút chưa lớn. Cơ sở dữ liệu thông tin về kinh tế, tài chính, doanh nghiệp và nhiều thứ khác… đòi hỏi phải liên thông và kết nối.
Để giải quyết những thách thức này, chúng ta phải xây dựng đề án chiến lược, mục tiêu rất cụ thể và khả thi. Theo đó đòi hỏi sự vào cuộc của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan vì đây là câu chuyện của quốc gia chứ không phải riêng của TP.HCM. Điều quan trọng là cần một cơ chế vượt trội cho TP.HCM. Trong đó chất lượng pháp luật, văn bản pháp quy, khâu thực thi… phải hết sức tốt, minh bạch, đảm bảo được niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bản thân TP.HCM cũng phải xác định được những thuận lợi, khó khăn, thách thức và phương thức vượt qua. Đồng thời cần tăng cường hợp tác quốc tế để tạo hình ảnh của TP đáng đầu tư, đáng kinh doanh và đáng sống, có sức hấp dẫn, nhân sự có chất lượng cao.
Muốn trở thành trung tâm tài chính quốc tế, TP.HCM cần nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân sự trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Trong ảnh:Giao dịch tại Công ty Chứng khoán SSI. Ảnh: PM
TS TRẦN DU LỊCH, chuyên gia kinh tế:
Chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội từ rất sớm
Thực tế, từ những năm đầu thập niên 2000, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 20 về việc xây dựng và phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính của cả nước và từng bước thành trung tâm tài chính của khu vực. Nhưng rồi không thực hiện được do chúng ta không đưa vấn đề này vào chính sách chiến lược phát triển quốc gia.
Chính vì thế, TP.HCM đã bỏ lỡ thời cơ, bỏ lỡ “chuyến tàu” sớm trở thành trung tâm tài chính. Nếu một lần nữa vấn đề này không đưa vào chính sách chiến lược phát triển quốc gia thì TP.HCM rất khó có cơ hội đạt được mục tiêu. Điều này cũng có nghĩa muốn phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế cần phải đưa vào chiến lược kinh tế của quốc gia, định hướng phát triển kinh tế VN đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đề án này phải mang tầm đề án của Chính phủ.
Trước hết kinh tế TP.HCM phải ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của một đầu tàu phát triển của vùng và cả nước. Đó là vai trò của TP.HCM đối với vùng kinh tế trọng điểm phía nam; vai trò nối kết và động lực cho sự phát triển của miền Tây và Tây Nguyên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn TP.HCM phải được duy trì với mức tăng trưởng cao hơn khoảng 1,5 lần mức bình quân của cả nước, như đã từng có được trước đây.
TP phải quy tụ và tập trung nhiều nguồn cung-cầu sản phẩm tài chính; thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước phục vụ cho thương mại, đầu tư theo ý nghĩa của một trung tâm chuyển tải vốn cho nền kinh tế trong nước, có tác động nhất định đến thị trường khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, TP phải là nơi tập trung các định chế tài chính đặt trụ sở chính.
Ngoài ra, TP xây dựng hạ tầng đô thị, trong đó có khu đô thị mới Thủ Thiêm và trung tâm tài chính trong khu đô thị mới này thuận lợi để thu hút các tập đoàn đầu tư tài chính. Chính quyền TP phải xây dựng hệ sinh thái giúp trung tâm tài chính có thể vận hành tốt. Thêm vào đó chính sách thị trường tài chính cần phải dài hạn, kiên trì, không thay đổi. Bởi điều khiến doanh nghiệp lo lắng nhất không phải biến động của thị trường mà là rủi ro trong chính sách.
Ông DOMINIC SCRIVEN, Chủ tịch Dragon Capital:
Có thể học cách của Dubai
Nhìn các nước lân cận, dưới góc độ thị trường vốn thì Hàn Quốc đang thu hút và quản lý 1.000 tỉ USD, gần nhất là Thái lan đã có con số 150 tỉ USD nhưng VN chỉ vào khoảng 10 tỉ USD. Điều đó cho thấy quy mô thị trường vốn của VN còn quá nhỏ.
Để trở thành một trung tâm tài chính cần có độ lớn, quy mô và tính thanh khoản. Trong giới tài chính có câu “Dòng vốn thu hút dòng vốn”, có nghĩa rằng chúng ta không có thanh khoản thì không thể thu hút thanh khoản. Đáng tiếc là hiện nay VN còn thiếu vắng các chủ thể trên thị trường vốn như các quỹ hưu trí và nhiều loại quỹ khác để thu hút, tạo sự đa dạng sản phẩm tài chính.
Ngoài ra, vấn đề hệ thống luật pháp cũng là yếu tố quan trọng góp phần hình thành nên trung tâm tài chính. Về vấn đề này, dưới góc nhìn của tôi, VN có thể học cách vận hành luật từ Dubai, vì họ nhập toàn bộ luật quốc tế để tuân theo sân chơi luật pháp quốc tế.
Ngoài ra, tôi cũng thấy chuẩn mực kế toán VN không khác mấy chuẩn quốc tế thì tại sao không cho phép sử dụng kế toán quốc tế để tạo ra niềm tin cho cộng đồng đầu tư tài chính quốc tế.
Cuối cùng, tôi nhìn thấy một cơ hội cho trung tâm tài chính quốc tế của TP.HCM là bám theo xu hướng tài chính xanh. Đây là mô hình kết hợp giữa tài chính với các dự án bền vững môi trường, chống biến đổi khí hậu.
TP.HCM cần tiên phong đổi mới, sáng tạo Chiến lược cho TP.HCM để trở thành trung tâm tài chính trong thời gian đến là gì? Tôi cho rằng điều quan trọng là TP.HCM cần xây dựng tính tiên phong đổi mới, sáng tạo và lan tỏa. Ngoài ra, TP.HCM cần tiếp tục xây dựng thị trường trái phiếu, cổ phiếu và ngân hàng tăng trưởng và phát triển lành mạnh. Đồng thời tạo ra một thị trường tài chính tinh xảo và bám theo các xu hướng của thế giới như fintech (công nghệ tài chính), tài chính xanh có thể đi cùng phát triển và sáng tạo. Nếu làm được điều này thì không chỉ phục vụ cho tăng trưởng mà còn đưa thị trường tài chính lên một mức cao hơn hiện nay. TS VÕ TRÍ THÀNH, nguyên Phó Viện trưởng |