Để tránh trở thành ‘công xưởng giá rẻ’

(PLO)- Để tránh trở thành “công xưởng giá rẻ” của thế giới, Việt Nam cần những chính sách đột phá, tập trung phát huy nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa và thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần đổi mới sáng tạo.

Tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam (VN) lần thứ VI vừa diễn ra, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Sắp tới đây, chúng ta phải thu hút FDI có chọn lọc tốt hơn. Đừng để VN trở thành cứ điểm “lắp ráp - gia công”, là bãi rác về công nghệ của thế giới, trong khi DN trong nước không học hỏi được gì”.

Tổng Bí thư cũng lưu ý rằng việc phát triển công nghệ số vẫn còn diễn ra không đồng đều giữa các vùng, miền, với một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng và triển khai công nghệ, tạo ra khoảng cách lớn trong việc tiếp cận và sử dụng công nghệ số.

Thực tế cho thấy hiện nay, một chiếc điện thoại thông minh được lắp ráp tại VN nhưng phần lớn linh kiện đều nhập khẩu từ nước ngoài. Điều đáng lo ngại là phần lợi nhuận khổng lồ lại thuộc về các tập đoàn nước ngoài, trong khi DN VN chỉ nhận phần giá trị gia tăng thấp nhất.

Đây là hình ảnh thu nhỏ của nền công nghiệp VN. Để tháo gỡ tình trạng này, VN cần những thay đổi căn bản để bứt phá.

Bởi nếu tiếp tục tham gia vào các công đoạn có giá trị gia tăng thấp và phụ thuộc cao vào công nghệ nước ngoài khiến DN VN đối mặt với nguy cơ bị đào thải. Việc không tự chủ về công nghệ làm VN dễ bị động trước các biến động toàn cầu, DN khó cạnh tranh khi gặp đối thủ lớn.

Thời gian gần đây, VN đang nỗ lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều tập đoàn như FPT, Viettel, VinFast… đang đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và gây dấu ấn trên trường quốc tế. Chính phủ cũng hỗ trợ DN trong nước với tiềm lực tài chính để nâng cao thương hiệu VN.

Dù đã đi đúng hướng, VN vẫn còn nhiều thách thức, nhiều việc phải làm ngay. Chỉ số đổi mới sáng tạo chưa tăng đáng kể so với các quốc gia khác. Các DN VN vẫn chủ yếu tập trung vào các khâu có giá trị gia tăng thấp.

Trong tương lai, sản phẩm lao động giá trị thấp sẽ mất sức cạnh tranh, trong khi những ngành có hàm lượng công nghệ cao cần được đẩy mạnh. Để đáp ứng, VN cần gia tăng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đồng thời đẩy nhanh chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Hệ thống giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) cần được phát triển từ mầm non đến đại học, đảm bảo trang bị kỹ năng chuyên sâu trong lĩnh vực như blockchain, AI (trí tuệ nhân tạo), công nghệ sinh học và năng lượng tái tạo. Chính phủ cũng cần tăng cường hợp tác giữa DN và các tổ chức giáo dục.

Các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới cần được thu hút đầu tư vào VN, qua đó tạo điều kiện cho DN trong nước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này bao gồm khuyến khích chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, đổi mới sáng tạo không chỉ là công cụ để nâng cao năng suất và giá trị gia tăng mà còn là nền tảng cốt lõi giúp VN thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Đó cũng là con đường hiện thực hóa khát vọng xây dựng một quốc gia hùng cường, khẳng định vị thế trên trường quốc tế thông qua việc tận dụng tri thức, công nghệ và sáng tạo của chính mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới