Đề xuất 10.342 tỉ đồng ngân sách để xử lý bất cập tại 8 dự án BOT

(PLO)- Bộ GTVT cho biết đã có khoảng 131 đoàn thanh, kiểm tra các dự án BOT, nhưng không phát hiện các sai phạm, thất thoát, lãng phí.

Trong văn bản vừa gửi đến Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giải pháp xử lý khó khăn, bất cập đối với 8 dự án BOT đặt chưa đúng vị trí.

Sai sót đang nghiêm túc kiểm điểm

So với các báo cáo trước đây, lần này Bộ GTVT khẳng định đã lấy ý kiến đầy đủ các bộ, ngành và các địa phương để làm rõ những bất cập tại các dự án BOT. Đồng thời bộ cũng giải thích làm rõ các ý kiến góp ý để tìm lối ra cho 8 dự án BOT đặt sai vị trí.

Cụ thể, về trách nhiệm và sai phạm của các tổ chức, cá nhân Bộ GTVT cho biết các dự án BOT do Bộ GTVT quản lý được khoảng 131 đoàn thanh tra, kiểm toán Nhà nước thực hiện thanh, kiểm toán. Song song đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thực hiện giám sát các dự án này.

Theo các kết luận của cơ quan giám sát, thanh tra, kiểm toán tại các dự án BOT cho thấy, cơ bản các dự án được triển khai đúng quy hoạch, trình tự, thủ tục; dự án đưa vào khai thác phát huy tốt hiệu quả. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, sai sót trong quá trình thực hiện, “nhưng chưa phát hiện các sai phạm, thất thoát, lãng phí trong quá trình triển khai các dự án”.

8-bot-t2-1_QPUU.jpg
Dự án BOT nâng cấp, cải tạo quốc lộ 91, TP Cần Thơ.

Đối với những sai sót trong thực hiện các dự án, Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiêm túc, khẩn trương khắc phục, xử lý theo đúng kết luận của cơ quan chức năng; đồng thời nghiêm túc kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân có liên quan thuộc thẩm quyền.

Nhà nước phải bỏ ra 10.342 tỉ để giải quyết bất cập

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề xuất nhà nước bỏ ra 10.342 tỉ đồng để xử lý bất cập tại 8 dự án BOT. Trong đó, mua lại 5 dự án gồm: BOT cầu đường sắt Bình Lợi và cải tạo luồng sông Sài Gòn với 571 tỉ đồng; BOT vành đai phía Tây TP Thanh Hóa với 892 tỉ đồng; BOT nâng cấp, cải tạo quốc lộ 91, TP Cần Thơ với 1.754 tỉ đồng; BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 3 dự kiến 2.850 tỉ đồng; BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Đắk Lắk với 745 tỉ đồng. Các dự án này sẽ xóa trạm thu phí sau khi nhà nước bố trí ngân sách mua lại.

Ngoài ra, ba dự án được xem xét tiếp tục hợp đồng và kéo dài thời gian hoàn vốn, Nhà nước hỗ trợ không vượt quá 49% tổng vốn đầu tư. Đó là dự án BOT cầu Thái Hà (Thái Bình, Hà Nam) được đề xuất bố trí 717 tỉ vốn ngân sách, thời gian hoàn vốn kéo dài 35 năm, nhà đầu tư cam kết giảm 50% tỉ suất lợi nhuận; dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì dự kiến bổ sung 533 tỉ đồng, kéo dài thời gian hoàn vốn 22 năm; dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả dự kiến bổ sung 2.280 tỉ đồng, kéo dài thời gian thu phí khoảng 28 năm.

Theo Bộ GTVT, ba dự án BOT kiến nghị bổ sung vốn nhà nước tham gia hỗ trợ, bản chất nhà nước sẽ thanh toán phần vốn nhà đầu tư đã vay từ các tổ chức tín dụng để xây dựng công trình.

Đối với 5 dự án kiến nghị chấm dứt hợp đồng, Bộ GTVT khẳng định đang triển khai nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Nhưng bộ dự báo đây là nhiệm vụ rất khó khăn, chưa nhận được sự đồng thuận của các bên.

Nguyên nhân do Bộ GTVT chỉ ký hợp đồng BOT với nhà đầu tư, nhà đầu tư ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng. Vì vậy, Bộ GTVT sẽ tiếp tục làm việc với các nhà đầu tư, ngân hàng có liên quan để làm rõ, thống nhất về mức chia sẻ của nhà đầu tư, ngân hàng khi chấm dứt hợp đồng làm cơ sở để tính toán mức vốn nhà nước thanh toán.

“Trường hợp nhà đầu tư hoặc tổ chức tín dụng không chia sẻ với nhà nước, Bộ GTVT sẽ kiến nghị các bên thực hiện theo đúng hợp đồng và không đề xuất giải pháp xử lý…”- Bộ GTVT cho hay.

Bộ GTVT cũng thừa nhận việc xử lý đối với 8 trạm BOT này sẽ có ảnh hưởng nhất định đối với các dự án BOT đang khai thác. Thực tế, quá trình làm việc với một số địa phương có dự án đi qua, một số nhà đầu tư đều mong muốn nhà nước có cơ chế để chấm dứt hợp đồng dự án BOT, bố trí vốn thanh toán các chi phí hợp pháp cho doanh nghiệp dự án.

Thêm vào đó, các dự án BOT đều có vòng đời kinh doanh, khai thác rất dài nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chẳng hạn, pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng không có quy định về chia sẻ rủi ro nên việc phát sinh vướng mắc, sụt giảm doanh thu, phá vỡ phương án tài chính dự án BOT giao thông có thể xảy ra.

Đề xuất ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ

Để thực hiện nguyên tắc “lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ” khi xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT giao thông, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng cung cấp tín dụng có giải pháp phù hợp đối với các dự án BOT.

Chẳng hạn như cho phép ngân hàng khoanh nợ, giữ nguyên nhóm nợ; giảm lãi suất vốn vay đối với các khoản vay tín dụng... đặc biệt là đối với các dự án chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nhằm giảm mức vốn thanh toán của nhà nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm