Đề xuất dán nhãn cho mặt hàng nông sản

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), khẳng định như vậy tại buổi họp về quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu diễn ra ngày 7-6.

Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, qua buổi làm việc với Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho thấy tại chợ đầu mối Thủ Đức nhập 80 tấn nông sản/ngày, trong đó 20% nông sản nhập khẩu. Các nông sản của Úc, Nhật Bản được dán nhãn để bảo vệ thương hiệu hàng hóa của họ. Những nước còn lại, đặc biệt là Trung Quốc không dán nhãn. Vì vậy người tiêu dùng không biết đâu là táo Việt Nam, đâu là táo Trung Quốc…

Theo đó, ông Linh đề nghị lãnh đạo Bộ Công Thương kiến nghị với Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét sửa Nghị định 43/2017 về nhãn hàng hóa. Trong đó, hàng nông sản phải dán nhãn.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường. Ảnh: VIẾT LONG

Liên quan đến hàng xuất khẩu, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho biết đến hết tháng 7, kim ngạch xuất khẩu đạt 145 tỉ USD (tăng 7,5% so với năm 2018). Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thấp, chỉ đạt 16,68 tỉ USD (tăng 0,3%). Bù lại, xuất khẩu sang Mỹ tăng 27,3%, chủ yếu các mặt hàng như dệt may, giày dép, điện thoại.

Kim ngạch nhập khẩu bảy tháng đầu năm đạt 143,4 tỉ USD (tăng 8,3% so với năm 2018). Trong đó, nhập khẩu ô tô lớn nhất với 75.437 chiếc, trị giá gần 1,7 tỉ USD (tăng 511% số lượng và 411% về giá trị so với năm 2018). Nguyên nhân, do một số dòng ô tô con được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.

“Nhìn chung Việt Nam vẫn là nước xuất siêu. Tuy nhiên, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, hàng nông sản, thủy sản vào một số thị trường giảm. Nguyên nhân, cung vượt cầu, chủ nghĩa bảo hộ diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều nước có quy định chặt chẽ về hàng nhập khẩu tạo ra rào cản lớn cho hàng Việt Nam…” - ông Chinh đánh giá.

Người đứng đầu Cục Xuất nhập khẩu cũng cảnh báo xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục leo thang, gây tâm lý lo ngại cho hoạt động thương mại và đầu tư.

Kết luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận những xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc vượt ra ngoài dự đoán. Tuy nhiên, ông yêu cầu cần theo dõi sát những xung đột này, thậm chí là cả xung đột giữa Hàn Quốc - Nhật Bản để tham mưu cho lãnh đạo nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn.

Bên cạnh đó, Cục Phòng vệ thương mại hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp về thông tin cảnh báo và cách phòng tránh, xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại, thường xuyên cập nhật danh sách các mặt hàng bị điều tra áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tại các thị trường xuất khẩu lớn, quan trọng của Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm