Đề xuất giảm 100.000 thay vì giảm 10% trên hóa đơn điện

Trong hội thảo trực tuyến về chủ đề dịch bệnh COVID-19: Tác động và chính sách ứng phó của chính phủ do ĐH Fulbright tổ chức mới đây, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, cho biết trong nhiều hình thức trợ cấp xã hội, Chính phủ có thể cân nhắc hỗ trợ người dân bằng cách khấu trừ trực tiếp trên hóa đơn điện, nước, các tiện ích cơ bản.
Chẳng hạn giảm một khoản cố định 100.000 đồng/tháng/hóa đơn tiền điện của một hộ gia đình thay vì trợ cấp theo tỉ lệ phần trăm như 10% theo đề xuất hiện nay. Vì trợ cấp một khoản cố định hàng tháng sẽ hỗ trợ được nhiều nhất cho người nghèo mà không làm tăng gánh nặng ngân sách.  
Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho biết kết quả sản xuất, kinh doanh của EVN những năm gần đây khá tốt. Chẳng hạn, năm 2019, doanh thu ước đạt 393.230 tỉ đồng, tăng 14,3% so với năm 2018. Lợi nhuận EVN ước đạt 950 tỉ đồng. Năm 2018, tập đoàn này công bố lãi hơn 700 tỉ đồng kinh doanh điện.

"Với kết quả kinh doanh như trên, việc giảm doanh thu gần 11.000 tỉ đồng để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là không quá khó. Để cân đối lại, tập đoàn cần tiết giảm chi phí, cân đối các nguồn điện để vừa bảo đảm nhiệm vụ an sinh xã hội vừa hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh" - ông Ngãi phân tích.

Trước đó, ngày 1-4, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có công văn báo cáo chương trình giảm giá điện và an sinh xã hội để hỗ trợ khách hàng bị tác động bởi dịch COVID-19. Mức giảm từ 10%-50%-100% cho một số đối tượng trong thời gian sáu tháng (từ tháng 4 đến tháng 9-2020), với tổng mức hỗ trợ khoảng 8.000 tỉ đồng.

Cụ thể, EVN đề xuất giảm 10% giá bán điện cho sinh hoạt, bán buôn cho sinh hoạt; giảm 100% giá bán điện cho cơ sở cách ly, khám chữa bệnh tập trung chỉ liên quan đến dịch COVID-19; giảm 50% giá bán điện cho cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19 và cho các khách sạn được sử dụng để cách ly.

Bộ Công Thương ngay trong ngày 1-4 cũng có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất giảm 10%-20% giá điện cho một số đối tượng, thời gian áp dụng ba tháng (từ tháng 4 đến tháng 7-2020), với tổng mức hỗ trợ khoảng 11.000 tỉ đồng.

Cụ thể, Bộ Công Thương đề xuất: Giảm 10% giá bán điện cho khách hàng sản xuất và kinh doanh; giảm 10% giá bán điện cho sinh hoạt đối với các bậc thang sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4. Đối với các bậc thang cao trên 300 kWh, Bộ Công Thương đề xuất giữ nguyên do các khách hàng tiêu thụ ở bậc thang này là những hộ có thu nhập cao, ít bị ảnh hưởng của dịch COVID.

Đối với khách hàng du lịch hiện đang áp giá kinh doanh-dịch vụ điều chỉnh giá bán điện xuống bằng giá áp cho các hộ sản xuất; miễn tiền điện cho khách hàng sử dụng điện là cơ sở cách ly, khám chữa tập trung chỉ liên quan đến dịch COVID-19;

Bộ Công Thương cũng đề xuất giảm 20% giá bán điện cho cơ sở khám, chữa bệnh có thực hiện khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19; giảm 20% giá bán điện cho các khách sạn được sử dụng để cách ly.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm