Pháp Luật TP.HCM vừa có bài viết: “Bộ Công an đề xuất giảm phạt tiền tài xế vi phạm nồng độ cồn mức thấp” ghi nhận về thông tin Bộ Công an đang đề xuất giảm mức phạt tiền cho hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia lái xe.
Ý kiến của một số bạn đọc về thông tin này:
Giảm mức phạt là hợp lý, đề xuất tăng mức phạt cho hành vi khác
“Theo mức phạt như cũ sẽ ảnh hưởng nặng nề tới ngành rượu bia, ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống. Mặc dù chỉ cấm người tham gia giao thông nhưng cả nhóm đi ăn nhậu người được uống người không được uống. Theo tôi thấy thì nhiều người họ uống 1 ngụm bia cũng chưa đủ dẫn tới việc “mất nhận thức về hành vi” nhưng lại bị phạt khá nặng như vậy thì quá bất hợp lý. Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Bộ Công an!”, bạn đọc Lê Minh đồng tình.
“Đồng tình với đề xuất của Bộ Công an và đề nghị không tạm giữ phương tiện khi người điều khiển phương tiện có mức cồn từ 0,25mg/l khí thở trở xuống. Đồng thời, tôi đề xuất tăng mức phạt đối với hành vi lùi xe, chạy ngược chiều, chạy vào làn khẩn cấp trên đường cao tốc. Phải xử lý thật nghiêm những hành vi này vì đây mới là những hành vi vi phạm gây rủi ro tai nạn giao thông rất cao!”, bạn đọc Võ Minh đề xuất.
“Tôi rất ủng hộ! Biết là những người uống quá đà để cho vui thì sẽ dễ gây tai nạn giao thông (với những đối tượng này cần phải tăng nặng mức phạt hơn thậm chí là hình sự nếu điều khiển phương tiện), nhưng những người không uống bia rượu chưa chắc đã có ý thức chấp hành tốt và không gây tai nạn giao thông nhiều bằng những người có uống bia rượu nhưng ít và trong mức độ cho phép. Thế nên tôi nghĩ với mức phạt từ 3-5 triệu đồng thì khá nặng với những người họ chỉ uống một ít. Nên tăng cao mức phạt đối với những hành vi vi phạm giao thông khác”, bạn đọc Nguyễn Thảo bày tỏ.
“Theo mình thấy rất hợp lý! Giảm mức phạt tiền khi vi phạm ở khung thấp nhất không phải là nới lỏng quy định cấm rượu bia, mà là sự tiếp thu ý kiến với những trường hợp như lỡ ăn cơm rượu, ăn chocolate nhân rượu...hoặc nồng độ cồn còn lại sau khi uống rượu bia trước đó nhiều giờ. Những trường hợp bị phạt rồi giam xe như vậy thì khá nặng và bất công với họ!”, bạn đọc Bảo Nguyễn bộc bạch.
Không nên giảm mức phạt, giữ nguyên để răn đe
“Khi mức phạt đang áp dụng làm cho người dân cố tình tham gia giao thông vẫn uống rượu sợ và giảm tai nạn tại sao không tiếp tục mà lại giảm phạt đi. Tai nạn khi mà người tham gia giao thông gây ra khi vẫn cố tình uống rượu thì họ đã không tôn trọng mình và người khác, khi xảy ra tai nạn thì mọi chuyện đã không thể cứu vãn. Chính tôi thấy trong gia đình tôi có nhiều người trước kia cũng hay uống rượu bia khi đó họ không sợ khi mà mức phạt thấp còn giờ khi nghe phạt 5-7 triệu tự dưng khi có rượu trong người là họ tự ý thức không lấy xe chạy nữa bắt xe đi. Chính đó là sự thành công của luật giao thông để hạn chế tai nạn do người uống rượu bia gây nên!”, bạn đọc Dũng Huỳnh chia sẻ.
“Đang xây dựng văn hoá "đã uống rượu bia thì không lái xe", chưa gì đã giảm mức phạt xuống còn vài trăm nghìn thấp như vậy thì làm chi nữa? Người ta gọi là làm nửa mùa đó, phải nghiêm khắc thì mới hình thành được ý thức xã hội tốt. Đề nghị giữ nguyên hoặc tăng mức phạt!”, bạn đọc Nguyễn Quý phản đối.
“Khi văn hóa "Đã uống rược bia thì không lái xe - Nếu lái xe thì không uống rượu bia" chưa tốt thì nên giữ mức phạt hiện tại răn đe, để giảm tai nạn giao thông do người uống rượu bia gây ra! Ngoài ra, tôi đề nghị nên xem xét lại mức phạt người vi phạm giao thông "Lái ôtô đi ngược chiều trên cao tốc". Tôi thấy hành vi cực kì nguy hiểm này vẫn xảy ra (được các bác tài xế ghi lại đăng trên các báo, chia sẻ trên các trang mạng xã hội gần đây). Tăng mức tiền phạt, thời gian thu giữ bằng lái, thậm chí phạt tù,..!”, bạn đọc Võ Lê góp ý.
“Nếu đã ra luật thì phải nghiêm minh, chặt chẽ, kỷ luật kỷ cương. Có như vậy mới đủ sức ren đe cảnh tỉnh người vi phạm. Giờ lại giảm nhẹ mức phạt thì tình hình giao thông sẽ phức tạp hơn, ý thức người tham giao thông lại trở về…số 0 vì họ không sợ khi số tiền nộp phạt không đáng kể. Thực tế mức phạt hiện nay cao như vậy mà nhiều người vẫn chưa chấp hành tốt, tình trạng uống rượu bia khi lái xe vẫn còn nhiều, gây mất an toàn khi tham gia giao thông. Do đó, nên giữ nguyên mức phạt như hiện nay”, bạn đọc Minh Hoàng tâm sự.
Ngoài những ý kiến phản đối hay ủng hộ, bạn đọc Nghĩa Minh cũng cho rằng: “Theo tôi nghĩ nên xóa bỏ mức phạt ngưỡng nồng độ 0,25miligam/ lít khí thở này đi là rất hợp lý bởi rất nhiều người uống bao nhiêu cũng chỉ tương đương với 1 lon bia cũng chẳng gây nguy hại nguy hiểm gì cho ai. Mà từ đây sẽ hình thành luôn văn hóa rượu bia uống với văn hóa tinh thần, tính cách vui vẻ lịch sự trong bữa chứ không uống một cách sát phạt, hơn thua ai ép buộc gì ai...Là rất ý nghĩa và nhân văn”
Nghị định số 100/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, quy định phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Bộ Công an đã có những đề xuất giảm nhẹ mức xử phạt, cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 800.000 đến 1 triệu đồng đối với người lái xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Thêm vào đó, dự thảo đề xuất giảm mức phạt tiền từ 2-3 triệu đồng xuống 400.000 - 600.000 đồng đối với người lái xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng đề xuất giảm mức phạt tiền từ 3-5 triệu đồng xuống 800.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với người lái xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức cao, Bộ Công an đề xuất vẫn giữ nguyên mức phạt như quy định hiện hành.