Đề xuất giảm thời gian học lái xe

(PLO)- Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất giảm thời gian học lý thuyết đối với lái xe, cho phép các cơ sở đào tạo lái xe được dạy lý thuyết trực tuyến thay vì trực tiếp như hiện nay.

Cục Đường bộ vừa trình Bộ GTVT dự thảo sửa đổi Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ. Trong đó, cơ quan này đề xuất sửa đổi, bổ sung 29 điều của thông tư, trong đó đáng chú ý là việc giảm thời gian đào tạo lái xe.

Giảm giờ học lý thuyết

Theo quy định hiện hành, học viên phải học lý thuyết với thời gian học từ 44 giờ đến 168 giờ, học thực hành từ 50 giờ đến 752 giờ, tùy vào từng hạng bằng lái xe ô tô. Tuy nhiên, Cục Đường bộ cho rằng thời gian học lý thuyết hiện nay có những nội dung trùng lặp, không phù hợp.

Theo quy định hiện hành, học viên phải học lý thuyết với thời gian học từ 44 giờ đến 168 giờ, học thực hành từ 50 giờ đến 752 giờ, tùy vào từng hạng bằng lái xe ô tô. Ảnh: THY NHUNG

Chẳng hạn, môn cấu tạo và sửa chữa, trong thời đại hiện nay, các hoạt động dịch vụ ngày càng chuyên môn hóa cao, mục đích học lái xe là để thành thục kỹ năng điều khiển phương tiện, không cần thiết phải nghiên cứu sâu về cấu tạo xe; hình thức bắt buộc học trên lớp, điểm danh bằng vân tay, thẻ từ, nhận diện khuôn mặt… cũng không phù hợp với thời đại của khoa học công nghệ và đối tượng người học.

Cạnh đó, số giờ thực hành theo quy định hiện nay gấp đôi so với quy định số giờ học thực hành lái xe của Bộ Quốc phòng và khác xa so với quy định về đào tạo lái xe tại các nước phát triển cũng như các nước trong khu vực.

Ngoài ra, Thông tư 12 quy định hạng B phải có năm học viên trên một xe tập lái, hạng C có tám học viên trên một xe tập lái. Theo Cục Đường bộ, quy định này khiến giáo viên phải chờ đủ số lượng học viên thi lý thuyết mới có thể dạy thực hành nên không khai thác được hiệu quả xe tập lái và đội ngũ giáo viên, đồng thời dễ phát sinh tiêu cực trong trường hợp cơ sở đào tạo thuê thêm nhiều xe tập lái, bố trí thêm nhiều giáo viên để tăng lưu lượng đào tạo.

Vì vậy, Cục Đường bộ đề xuất không quy định số học viên trên một xe tập lái như hiện hành, giao quyền chủ động cho cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch đào tạo cho từng khóa, đáp ứng khối lượng chương trình đào tạo cho một học viên.

Cạnh đó, Cục Đường bộ cũng đề xuất bổ sung quy định thời gian đào tạo đối với các khóa học tối đa ba tháng. Học viên được xét cấp chứng chỉ đào tạo khi tham dự ít nhất 70% thời gian học lý thuyết; học đủ thời gian và tối thiểu 50% số kilomet học thực hành lái xe trên sân tập lái; học đủ số kilomet và tối thiểu 50% thời gian học thực hành lái xe trên đường và đạt yêu cầu các nội dung kiểm tra khi kết thúc môn học.

“Khi đáp ứng yêu cầu trên, học viên sẽ được “xét” điểm kiểm tra hết môn để cấp chứng chỉ đào tạo thay vì “kiểm tra” cấp chứng chỉ đào tạo như hiện nay, để phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp…” - đại diện Cục Đường bộ cho hay.

Cục Đường bộ cũng đề xuất bổ sung quy định thời gian đào tạo đối với các khóa học tối đa ba tháng.

Cho phép học lý thuyết trực tuyến

Cục Đường bộ cũng cho biết đã nhận được ý kiến của các hiệp hội, đại biểu Quốc hội TP.HCM và một số cơ sở đào tạo lái xe đề nghị xem xét cho phép dạy và học lái xe trực tuyến đối với nội dung học lý thuyết.

Cục Đường bộ Việt Nam thống nhất nội dung kiến nghị nhằm phù hợp với xu hướng phát triển của cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Cạnh đó, đối tượng người học hiện nay đa số là lực lượng lao động chính trong xã hội đang trực tiếp làm việc trong các cơ quan công sở, doanh nghiệp và học tập tại các trường ĐH, CĐ và trung cấp, nên học lý thuyết trực tuyến là phù hợp.

Tuy nhiên, Cục Đường bộ cho biết hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp đã cho phép đào tạo học nghề theo hình thức học trực tiếp, trực tuyến, từ xa. Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ chỉ cho phép không phải học tập trung đối với các hạng GPLX không thời hạn như A1, A2, A3, A4 và B1. Đối với GPLX hạng B2 trở lên bắt buộc học tập trung.

Để hoạt động đào tạo lái xe tại Việt Nam phù hợp với việc chuyển đổi số và tạo thuận lợi cho người học lái xe, Cục Đường bộ đề xuất hai phương án, một là giữ nguyên như quy định; hai là căn cứ nội dung, chương trình đào tạo lái xe do Bộ GTVT ban hành, xây dựng chương trình đào tạo lái xe với nội dung lý thuyết theo hình thức kết hợp trực tiếp tại cơ sở đào tạo và học qua phần mềm trực tuyến.

“Như đã nói, phương án này đáp ứng nhu cầu học từ xa, học trực tuyến của người học. Tuy nhiên, chưa phù hợp hoàn toàn quy định của Luật Giao thông đường bộ, vì vậy cần xin ý kiến với nội dung này…” - đại diện Cục Đường bộ cho hay.•

Giảm chương trình đào tạo và học lý thuyết online là phù hợp

Những nội dung thay đổi trên xuất phát từ kết quả thanh tra của Bộ GTVT đối với các cơ sở đào tạo lái xe trên cả nước vừa qua và ý kiến của góp ý của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.

Về chương trình đào tạo lái xe, quá trình tiếp nhận ý kiến góp ý của các trung tâm đào tạo lái xe và tham chiếu số giờ học lái xe của Bộ Quốc phòng cho thấy thời gian học lái xe hiện nay không phù hợp; nhiều nội dung lý thuyết trùng lặp, một số môn không cần học quá dài.

Thêm vào đó, đa số học viên đều đi làm theo giờ hành chính nhà nước ở cơ quan, công ty, xí nghiệp... nên phải đi học lý thuyết liên tục là bất khả thi. Cạnh đó, với công nghệ hiện nay, việc cho học viên có thể chọn hình thức tự học, học online, học từ xa, học có hướng dẫn của giáo viên trung tâm là cần thiết. Các cơ sở đào tạo chỉ tập trung quản lý đầu ra nên việc giảm thời gian dạy lái xe và dạy học lý thuyết trực tuyến là phù hợp…

Với nội dung học thực hành, theo quy định hiện hành học viên thực hành trên sân tập lái đối với hạng B1 và B2 có thời gian là 41 giờ và quãng đường là 290 km. Tuy nhiên, thực tế trong sân tập lái, học viên điều khiển xe trong hình vừa tiến vừa lùi, với tốc độ trung bình khoảng 3-4 km/giờ nên quy định về kilomet là không phù hợp. Vì vậy, việc sửa đổi chỉ quy định thời gian học trong hình mà không quy định kilomet như dự thảo thông tư cũng phù hợp.

Ông NGUYỄN VĂN QUYỀN, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam
Giảm giờ học, tăng mức phạt

Hầu hết các nước đều cho người học tự học lý thuyết lái xe ở nhà, người nào yếu ở phần nào thì có thể tự trau dồi phần đó. Ví dụ ở Mỹ, người học mua một cuốn sách lý thuyết do Sở Giao thông của bang cấp để tự học ở nhà. Đến ngày thi thì đăng ký và đến để thi trắc nghiệm trên máy. Đủ điểm thì qua, không đủ thì về ôn tiếp, mọi khâu đều đơn giản và thuận tiện cho người thi. Tương tự như vậy đối với các nước châu Âu cũng không bắt buộc số giờ học của người học lái xe.

Thay vì bắt người học phải học nhiều giờ, chúng ta nên tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm giao thông được thống kê số lượng vi phạm nhiều nhất. Lúc đó, người lái xe sẽ tự có ý thức để học lại và nhớ lâu hơn là chỉ học theo yêu cầu.

Ông , chuyên gia ô tô

NGUYỄN MINH ĐỒNG
Đề xuất phù hợp cho cả người dạy và học

Đề xuất này hợp lý so với tình hình hiện tại, đặc biệt một số nội dung học đang dư thừa cho người học lái xe. Về môn học cấu tạo, bảo dưỡng giờ học quá nhiều trong khi hiện nay ít có chủ xe nào tự sửa chữa tại nhà. Còn trên đường di chuyển nếu xe có gặp sự cố thì họ cũng gọi cứu hộ. Đồng thời đối với nghiệp vụ vận tải cũng vậy, đơn cử như hạng B1 chỉ được lái xe nhà tại sao lại phải học nội dung này.

Đại diện Trường Trung cấp giao thông Tiến Bộ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới